“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc tuyên thệ ngày 22/7/2016 . Ảnh: Như Ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc tuyên thệ ngày 22/7/2016 . Ảnh: Như Ý.
TP - “Tôi chợt nghĩ đến câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu nói đó khẳng định vai trò vô cùng lớn của “tài nguyên” “dân chủ”, GS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật & Kinh tế ASEAN trò chuyện với PV Tiền Phong.

Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 2013 vừa qua đều nhấn mạnh vai trò của nhân dân, trong đó nhấn mạnh quyền lực luôn thuộc về nhân dân, dân làm chủ và dân được quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Điều này có vai trò, ý nghĩa ra sao?

Không chỉ Hiến pháp 1946 mà các bản hiến pháp của Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp 2013 đều long trọng tuyên bố quyền lực thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, việc khẳng định quyền lực của nhân dân là tối thượng trong Hiến pháp với việc thực thi khẳng định này là hai vấn đề khác nhau.

Dân chủ có nghĩa là nhân dân làm chủ. Dân chủ là giá trị nhân loại, là tài nguyên vô giá của một quốc gia. Một người bạn từ Thụy Điển đã nói với tôi: Tài nguyên lớn nhất mà Thụy Điển dựa vào để trở thành quốc gia phát triển, phồn thịnh chính là nền dân chủ. Đó là tài nguyên không thể thay thế và vô giá của Thụy Điển. Khi nghe ông nói như vậy, tôi chợt thấy tiếc vì nhiều thập kỷ qua kể từ Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp mang rất nhiều giá trị dân chủ cốt lõi, chúng ta đã không sử dụng được triệt để nguồn tài nguyên này.

Tôi cũng chợt nghĩ đến câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu nói đó khẳng định vai trò vô cùng lớn của “tài nguyên” dân chủ. Dân chủ có nghĩa phải tạo mọi cơ hội cho dân kiểm soát để chống sự tha hóa quyền lực. Trong hơn 7 thập kỷ vừa qua, chúng ta chưa tạo ra được nhiều thành tựu dân chủ ở khía cạnh này.

Vậy thì phải cụ thể hóa như thế nào trong thực tiễn, thưa GS?

Đã hơn 7 thập kỷ chúng ta đã tìm cách cụ thể hóa quyền lực của nhân dân, tức là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Điều cần làm trước tiên là Đảng và Nhà nước làm cho những cuộc bầu cử thực sự dân chủ trong đó dân được lựa chọn những người đại diện cho mình dựa trên những đóng góp của họ cho cộng đồng, dựa vào uy tín và năng lực của những người này.

Cần thay đổi cơ chế tuyển chọn cán bộ và Đảng phải có trách nhiệm lớn hơn đối với việc chặn đứng tình trạng tha hóa cán bộ như hiện nay. Nếu Đảng cam kết trước dân tộc về sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của mình thì công tác cán bộ chính là lĩnh vực nóng nhất mà sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối cần phát huy. Trách nhiệm này phải được nhìn từ hai góc độ: Thứ nhất, trách nhiệm đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm hay như theo cách nói của Bác Hồ là “vừa hồng, vừa chuyên”; Thứ hai là trách nhiệm, kỷ luật đối với những sai lầm trong công tác cán bộ.

Chúng ta xử lý kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp, trung cấp vì đã tàn phá nền kinh tế đất nước cả về giá trị vật chất lẫn môi trường. Song những người làm công tác lựa chọn, bổ nhiệm hầu như vô can, không ai bị truy cứu. Chúng ta thua cha ông mình rất nhiều ở điểm này. Pháp luật của Việt Nam thời kỳ phong kiến đã qui định rằng người nào giới thiệu, bổ nhiệm một người khác làm quan mà người này không có năng lực, làm sai, làm hại cho đất nước thì cũng sẽ bị biếm chức, tức cách chức.

Cần thay đổi qui trình của công tác cán bộ hiện tại thì mới tránh được những tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan nhưng khi bị truy xét thì vẫn đúng qui trình, điều chuyển cán bộ yếu kém ở cấp dưới lên làm cán bộ lãnh đạo cấp cao hơn vẫn đúng qui trình. Rõ ràng qui trình cán bộ hiện tại chưa ngăn được sự thắng thế của “phả hệ” để con ông cháu cha dù kém thế nào cũng ngồi vào ghế lãnh đạo; không cản được sự bành trướng của “quan hệ” khi thành viên các nhóm lợi ích được bố trí vào các cương vị chủ chốt có khả năng khuếch đại lợi ích nhóm; không chế ngự được “tiền tệ” yếu tố làm tình trạng mua quan bán chức trở nên phổ biến, tiền ít chức thấp, tiền cao chức to.

Tóm lại, Đảng phải lãnh đạo Nhà nước tạo ra được qui trình bổ nhiệm cán bộ triệt tiêu được các yếu tố tác động nêu trên và cho trí tuệ cơ hội trở thành tiêu chí đầu tiên cho việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ, công chức nhà nước. Tôi muốn nhấn mạnh nền dân chủ, quyền lực của nhân dân dẫu có được hiến định hay bao nhiêu cũng không thành hiện thực nếu đội ngũ cán bộ công chức tìm cách hành dân để vơ vét, bịt mồm dân không cho kêu đòi công lý.

Nhân GS nói đến hai từ bịt mồm, tôi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đại ý rằng, dân chủ là phải làm sao để người dân được mở mồm ra. Điều này có ý nghĩa thế nào và cần phải hiện thực hóa ra sao?

Bác Hồ có rất nhiều câu nói rất dễ hiểu nhưng chứa đầy mong muốn về một nền dân chủ thực sự. Quyền tự do ngôn luận (hay quyền được nói) là một trong các quyền tự do dân chủ được hiến định ở bất cứ quốc gia dân chủ nào. Không thể có dân chủ nếu người dân không được thể hiện nguyện vọng, không được đề xuất những vấn đề mà Nhà nước cần giải quyết để đảm bảo lợi ích của dân, của đất nước.

Ở những đất nước phát xít, toàn trị, những gì mà người dân nói ra nếu trái với ý chí của những thế lực đang cai trị thì lập tức bị cấm đoán, bị truy bức. Nếu muốn xã hội thực sự dân chủ, chúng ta không được để tình trạng này xảy ra, hoàn toàn không được. Phải để cho người dân “mở mồm” như Bác Hồ đã nói.

Theo tôi, không nên vội qui chụp những ý kiến phê phán có tính xây dựng đối với một số chính sách, chủ trương, qui định của pháp luật còn bất cập, đang cản trở sự phát triển của đất nước. Vẫn còn rất nhiều rào cản khác đang ngăn cản người dân thể hiện quan điểm và nguyện vọng khác với những gì trong mà chính quyền, cấp ủy các cấp phổ biến.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong” ảnh 1 GS Lê Hồng Hạnh.

Một vấn đề luôn được đặt ra là câu chuyện quyền lực và kiểm soát quyền lực. Theo GS, trước nay chúng ta đã làm tốt điều này chưa, và cần phải làm thế nào để kiểm soát được quyền lực tốt hơn?

Vấn đề kiểm soát quyền lực đã được nhiều người nói đến. Cá nhân tôi vô cùng mừng khi Hiến pháp 2013 đã bổ sung thuật ngữ “kiểm soát quyền lực”. Nếu nhìn nhận từ khoa học chính trị hiện đại, từ lý luận về nhà nước và pháp luật thì kiểm soát quyền lực chỉ có thể diễn ra khi có sự phân chia quyền lực rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp trong đó quyền tư pháp phải độc lập tối đa, giữa các quyền lực này có sự chế ngự lẫn nhau.

Kiểm soát chính là công cụ chế ngự quyền lực. Xét ở yêu cầu này, Hiến pháp 2013 để ngỏ một loại quyền lực, đó là quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Không rõ loại quyền lực này thuộc hành pháp, tư pháp hay lập pháp mặc dù được xếp chung trong chương VIII “Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân”.

Theo tôi, kiểm soát quyền lực hiệu quả trong điều kiện nước ta hiện nay cần tới những giải pháp sau:

Đổi mới cơ bản phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cả ba thiết chế Quốc hội, Chính phủ và Tòa án. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để đảm bảo Quốc hội thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Chính phủ không phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ thuộc chính quyền địa phương và tòa án thực sự độc lập.

Cấp bách nhất đối với kiểm soát quyền lực chính là vai trò của tòa án. Tòa án không thể kiểm soát được quyền lực hành pháp nếu tòa án không thể xử một cách công khai, theo pháp luật những hành vi lạm dụng quyền hành pháp, gây tổn hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức. Về mặt pháp lý, hiện tại tòa án có thể xử nhưng về mặt thực tế, tòa án khó có thể thực hiện điều này.

Tòa án độc lập là điều kiện tiên quyết để có kiểm soát quyền lực thực sự. Yếu tố này đất nước ta chưa có mặc dù chiến lược cải cách tư pháp cố hướng đến nó. 

 Phòng chống tham nhũng là một vấn đề đã và đang được quan tâm như Tổng Bí thư vừa nói:“Lò đã nhóm lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. GS đánh giá thế nào về công cuộc phòng chống tham nhũng vừa qua, và cần phải làm gì để hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới?

Nếu không quan tâm đến chống tham nhũng thì chúng ta sẽ ngồi chờ sự sụp đổ của cả hệ thống. Hậu quả của tham nhũng là quá ghê gớm. Những kẻ tham nhũng sẵn sàng vứt bỏ hàng nghìn tỷ để bỏ túi vài chục tỷ. Những dự án hàng nghìn tỷ đang đắp chiếu là minh chứng cho thảm họa mà nạn tham nhũng mang lại cho nền kinh tế.

Đâu chỉ dừng ở đó, sự tha hóa quyền lực, sự hình thành các nhóm mafia, sự thôn tín, trả thù tàn bạo lẫn nhau vì lợi ích băng nhóm, sự cưỡng đoạt, hà hiếp người dân nhân danh quyền lực nhà nước luôn đồng hành với tham nhũng. Vì thế những gì mà Đảng và Nhà nước đang làm trong cuộc chiến chống tham nhũng đang thắp sáng niềm tin.

Tôi tin rằng, nếu huy động được nhân dân, đặc biệt của những người làm báo, cuộc chiến chống tham nhũng nhất định sẽ thành công vì “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” như Bác Hồ nói.

Cảm ơn GS.

“Tôi muốn nhấn mạnh nền dân chủ, quyền lực của nhân dân có dẫu được hiến định hay bao nhiêu cũng không thành hiện thực nếu đội ngũ cán bộ công chức tìm cách hành dân để vơ vét, bịt mồm dân không cho kêu đòi công lý”.

GS Lê Hồng Hạnh

MỚI - NÓNG