Khoán kinh phí đi lại cho lãnh đạo: Làm thật hay chỉ để PR?

Chỉ khoán chi phí với xe công phục vụ chức danh sẽ không tiết kiệm được nhiều. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chỉ khoán chi phí với xe công phục vụ chức danh sẽ không tiết kiệm được nhiều. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, Bộ Tài chính khoán định mức sử dụng xe công mới là bước đầu. Việc này chắc chắn tiết kiệm, nhưng phải làm từng bước. Hiện vẫn còn đội xe chức danh và các cán bộ lái xe, giải tán ngay cũng không được.

Khoán xe công có thật sự tiết kiệm?

Chiều 27/9, cuộc họp báo về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) do Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài Chính) tổ chức sôi động khi các phóng viên đặt hàng loạt câu hỏi, liên quan tới quyết định khoán định mức xe công với các chức danh thứ trưởng và cấp tương đương của Bộ Tài chính. Cục trưởng Trần Đức Thắng cho hay, việc Bộ Tài chính khoán chi phí sử dụng xe công là theo chính sách chung với tất cả cơ quan nhà nước. Theo quyết định của Thủ tướng, việc khoán xe công là tự nguyện, ai sắp xếp được phương tiện đi lại thì tự nhận khoán bằng tiền (chưa bắt buộc), nên Bộ Tài chính tự nguyện khoán với các lãnh đạo bộ. Định mức khoán cũng được tính theo đúng quy định của Thủ tướng.

Việc khoán chi phí sử dụng xe công của Bộ Tài chính dự kiến tiết kiệm được bao nhiêu chi phí? Có thật sự tiết kiệm khi đội xe và lái xe vẫn còn đó?

Việc khoán này chắc chắn tiết kiệm được nhiều so với sử dụng xe công. Tuy nhiên, cần có giai đoạn để chuyển tiếp, việc này tốt nhưng cũng phải thận trọng, làm từng bước. Trước mắt, mới khoán chi phí đi từ nhà tới cơ quan (và ngược lại), sau một thời gian thực hiện sẽ đánh giá lại. Hiện vẫn còn đội xe công phục vụ chức danh và anh em lái xe, giải tán ngay cũng không được, phải có thời gian để điều chỉnh. Hơn nữa việc đi công tác vẫn phải bố trí xe công cho các đồng chí lãnh đạo.

Quốc hội đã có nghị quyết năm 2016 về từng bước khoán chi phí sử dụng xe công. Nay đã gần hết năm nhưng mới chỉ có Bộ Tài chính thực hiện một phần. Vậy còn các bộ ngành, địa phương khác sẽ thế nào, hay chỉ là hô hào vậy?

Muốn thực hiện được đồng bộ phải sửa những quy định liên quan, vì các quy định hiện hành mới dừng ở mức khuyến khích, tự nguyện. Sau một thời gian thực hiện khoán tự nguyện, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo Thủ tướng. Có một số địa bàn, lĩnh vực có thể bắt buộc khoán kinh phí sử dụng xe công như ở khu trung tâm, đô thị. Những nơi này, với phương tiện công cộng và cá nhân phát triển, để cán bộ tự túc phương tiện đi lại, không phải bố trí xe công đưa đón. Những địa phương không đáp ứng được các yêu cầu đó thì không thể khoán được, vì còn phải đảm bảo công việc của các cơ quan nhà nước.

Đồng thời, cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn với lãnh đạo, nên chỉ khoán với cấp nào đó thôi, như chức danh cán bộ dưới bộ trưởng, hoặc chức danh lãnh đạo cấp dưới người đứng đầu địa phương. Không phải chức danh nào cũng khoán. Những điều này chúng tôi đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng.

Mong cán bộ gương mẫu

Bộ Tài chính có tính tới việc tham mưu với Chính phủ mở rộng khoán chi phí với tất cả các trường hợp sử dụng xe công, thay vì chỉ với chức danh lãnh đạo?

Khoán kinh phí đi lại cho lãnh đạo: Làm thật hay chỉ để PR? ảnh 1

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính).

Chúng tôi cũng có ý tưởng nghiên cứu điều này, nhưng để làm được phải đánh giá thực tế. Theo quyết định của Thủ tướng, những chức danh phụ cấp từ 0,7 trở lên được sử dụng xe công trong công việc, từ 1,25 trở lên được xe công đưa đón đi làm. Thực tế, xe công phục vụ chức danh không nhiều, cả nước chỉ có 901 chiếc, nên nếu chỉ áp dụng với xe chức danh sẽ tiết kiệm không nhiều dù có mở rộng cả nước. Chúng tôi cũng rất trăn trở để tính toán.

Thực tế, có đơn vị chỉ có một lãnh đạo có phụ cấp chức danh từ 0,7 trở lên vẫn được mua một xe công, cũng phải có lái xe. Những cơ quan như vậy hoàn toàn có thể tính toán để thay vì phải trang bị xe công, có thể khoán chi phí đi lại cho họ. Như vậy mới giảm được chi phí, tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, khoán chi phí xe với chức danh là để các lãnh đạo gương mẫu, tạo tác dụng lan tỏa. Như một lãnh đạo tỉnh đi xe khoán, thì mấy ông lãnh đạo sở, huyện sao dám sử dụng xe đưa đón. Những quy định cụ thể về khoán kinh phí sử dụng xe công sẽ phải có khi Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có hiệu lực (dự kiến ngày 1/1/2018).

Đã hết thời gian để các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại đội xe công và báo cáo Bộ Tài chính, vậy kết quả ra sao?

Theo kết quả rà soát, hiện tổng số xe công cả nước (trừ xe dành cho Quốc phòng, Công an) có hơn 37.000 chiếc, ước tính số xe thừa khoảng vài nghìn chiếc. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về sắp xếp xe công cả nước sau khi các đơn vị rà soát, sắp xếp lại. Đồng thời có văn bản trả lời các bộ ngành, địa phương về thừa, thiếu xe công, sắp xếp ra sao. Nếu xe thừa đã cũ thì thanh lý, xe thừa còn sử dụng được thì chuyển về Bộ Tài chính để sắp xếp cho các đơn vị thiếu, tránh nơi thừa phải bán còn thiếu lại phải đi mua mới, gây lãng phí, tốn kém.

Về đề xuất Bộ Tài chính sẽ quản lý và đấu giá biển số xe, số điện thoại đẹp, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản cho hay: Có thể trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) sẽ đưa vấn đề này vào xác định là tài sản công và quản lý. Hiện, Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này nên sẽ tiếp tục nghiên cứu, để sau luật mới ban hành sẽ tính tới chuyện này.

MỚI - NÓNG