Khởi điểm chịu thuế bao nhiêu còn phải chờ

Khởi điểm chịu thuế bao nhiêu còn phải chờ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã nói như vậy khi trao đổi với báo giới ngày 20/5 về việc đánh thuế thu nhập cá nhân.
Khởi điểm chịu thuế bao nhiêu còn phải chờ ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng

Ông cho biết, thu nhập để tính thuế sẽ trừ hết các khoản chi phí cần thiết cho sinh hoạt cho gia đình cùng với các khoản chi phí khác như đi học, chữa bệnh, bảo hiểm...

* Thưa Bộ trưởng, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cao 5 triệu đồng/tháng như hiện nay đã phù hợp với thực tế?

- Cái đó là phải đánh thuế thấp hơn mức này, thuế thu nhập doanh nghiệp anh cũng phải hạ xuống mức dưới 28% như hiện nay. Khi nào đánh thuế thu nhập cá nhân thì sẽ hạ thuế thu nhập này xuống.

* Tới đây đánh thuế thu nhập cá nhân đối với toàn dân chứ không phải thuế thu nhập cao?

- Mình có thể thu đánh đồng chẳng hạn, thu mức nào đấy chứ không cần thu nhiều. Có trường hợp sau khi trừ hết chi phí thì không phải nộp thuế.

* Nghĩa là cứ có thu nhập thì phải chịu thuế?

- Đấy là thu nhập để tính thuế và sẽ trừ hết các khoản chi phí cần thiết để sinh hoạt cho bản thân anh, vợ, con, bố anh ở một mức nhất định theo mức sống thực tế. (Hiện nay chưa tính mức như thế).

Sau khi trừ hết các khoản chi phí kể trên cùng với các khoản chi phí như đi học, chữa bệnh, bảo hiểm... thì khoản còn lại sẽ chịu một mức thuế.

 Mà mức thuế khởi điểm là rất thấp. Ví dụ như khoản còn lại là 1 triệu đồng/tháng thì sẽ phải chịu mức thuế từ 1% hoặc 2%.

 Trường hợp trừ hết các khoản chi phí mà thu nhập âm nhưng vẫn phải làm kiểu kê khai để biết thu nhập mỗi người.

* Trường hợp người có thu nhập ở một tháng nào đó rất cao nhưng các tháng khác lại có thu nhập thấp thì tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?

- Việc tính thu nhập chịu thuế sẽ được tính theo năm. Cộng các khoản thu nhập theo cả năm và đạt ngưỡng nào đó sẽ phải chịu mức thuế theo quy định.

Thu nhập là tính theo năm, quyết toán là tính theo cả năm. Chỉ tính các khoản thu nhập đột xuất như trúng xổ số hoặc các khoản thừa kế thì tính theo tháng. Còn các khoản thu nhập thường xuyên như là tiền lương, tiền công thì đánh theo năm.

Hiện nay là thu nhập trên 60 triệu đồng/năm sẽ thu thuế. Nhưng sau khi trừ hết các khoản chi phí thì mức chung lại sẽ thấp hơn hiện nay.

* Người dân đóng thuế thu nhập cá nhân có phải chịu nhiều thủ tục rườm rà chẳng hạn như việc  chứng minh có gia đình?

- Người dân sẽ phải tự kê khai. Nguyên tắc, đã là công dân thì có thu nhập và phải chịu thuế. Nhưng mức thuế phải tính bao nhiêu cho hợp lý. Nếu người ta có thu nhập không đủ sống thì đánh cái gì.

Do vậy phải tính mức tối thiểu cho người ta đủ sống. Ví dụ như lương để tính một mức đủ sống là bao nhiêu. Các khoản nuôi vợ con, rồi các khoản chi phí học hành và chữa bệnh của con cái là phải tính.

 Sau khi tính toán hết các khoản chi phí tối thiểu sẽ đưa ra mức sống trung bình để tính thuế thu nhập. Ví dụ như thu nhập của một người dân là 100 triệu đồng/tháng thì anh sẽ không được trừ theo kiểu mức sống của anh mà phải lấy mức sống trung bình của xã hội để trừ.

* Với tình hình kinh tế - xã hội như hiện nay thì theo Bộ trưởng, mức khởi điểm chịu thuế bao nhiêu là vừa?

- Hiện nay mới đang tính đời sống xã hội đến năm 2009. Tiền lương như thế nào đang được Bộ Tài chính tính toán. Việc lấy mức khởi điểm là bao nhiêu cũng phải chờ lấy ý kiến của toàn dân.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo VietNamNet

MỚI - NÓNG