Khốn khổ vì… thuốc bổ, thực phẩm chức năng

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
TP - Nắng nóng khiến cơ thể mệt mỏi, nhiều người tự ý mua thuốc bổ, thực phẩm chức năng về sử dụng. Bổ đâu chưa thấy, đã có không ít người lĩnh hậu quả...

Công việc hay phải đi lại ngoài đường giữa cái nắng gay gắt của mùa hè khiến chị L.M. (chung cư X2 Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn ở trạng thái mệt và háo nước. Mới được người thân đi Mỹ về tặng lọ Vitamin C và Vitamin tổng hợp nên hôm đó, ăn trưa xong, chị M. uống 2 viên mỗi loại. Đến giữa buổi chiều, chị M. thấy khó chịu, buồn nôn, rồi tiêu chảy, thi thoảng cơ thể lại có cơn ớn lạnh. Dù bụng cồn cào nhưng chị M không thể ăn gì. Đến tối sau khi đã nôn sạch mọi thức ăn trong bụng, cơ thể chị M mới dần hồi phục.

Tình trạng này kéo dài cả buổi khiến chị M không thể ăn uống, người mệt không đi lại được. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá cho biết, vì không làm xét nghiệm nên không thể chắc chắn chị M. bị ngộ độc do thuốc bổ hay không. Tuy nhiên, bác sĩ cũng không loại trừ nguyên nhân có thể bệnh nhân bị kích ứng niêm mạc dạ dày bởi một thành phần nào đó trong thuốc. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, dù Vitamin A hoặc E hay C là thuốc bổ nhưng nếu uống liều cao có thể dẫn đến ngộ độc.

Cũng theo bác sĩ Cấp, một số người vì thiếu hiểu biết nên tự ý truyền thuốc bổ tại nhà. Thậm chí bệnh nhân C.Đ.T (ở Thanh Hóa) đã tử vong vì sốc phản vệ trong khi truyền nước tại một phòng khám tư. Nhiều bà mẹ trẻ thấy con chậm lớn, còi xương nên ra hiệu thuốc mua Vitamin D và canxi về bổ sung cho trẻ với mong muốn con sẽ tăng chiều cao. Thế nhưng, hệ quả là trẻ bị ngộ độc do sử dụng không đúng liều vì không phải cứ thấy trẻ gầy gò là thiếu Vitamin D hay can xi. Hậu quả chính của ngộ độc Vitamin D là làm tăng canxi máu, dẫn tới chán ăn, buồn nôn và nôn. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên.

Canxi máu cao có thể gây vôi hóa mạch máu và mô, làm tổn thương tim, các mạch máu và thận. Điều trị chứng ngộ độc Vitamin D bao gồm ngừng ngay việc dùng Vitamin D liều cao, ngừng bổ sung canxi, duy trì khẩu phần ăn ít canxi, uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Bác sĩ có thể chỉ định dùng corticosteroid hoặc thuốc lợi tiểu tăng thải canxi để làm giảm nồng độ canxi huyết thanh. Trường hợp ngộ độc vitamin D cấp, được phát hiện ngay sau khi bệnh nhân vừa uống vitamin D liều cao, bác sĩ có thể tiến hành gây nôn, rửa dạ dày để ngăn chặn vitamin D tiếp tục hấp thu vào cơ thể.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư từng tiếp nhận bệnh nhân H.T.M (48 tuổi, ở Thái Bình) trong tình trạng mất tri giác, chậm chạp dần, rồi lơ mơ. Bệnh nhân được các bác sĩ cho thuốc điều trị kháng virus. Sau một thời gian sử dụng thuốc, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định. Trở về nhà, nghe lời người quen, bệnh nhân tự ý ngừng thuốc kháng virus, chuyển sang uống thực phẩm chức năng. Khoảng 1 tháng sau, cơ thể bệnh nhân xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt, chướng bụng rồi mất tri giác, chậm chạp dần và lơ mơ. Chị M. phải nhập viện trở lại để điều trị hỗ trợ gan, lọc thay huyết tương, dùng lại thuốc kháng virus.

Ngoài ra, có không ít trường hợp dùng thực phẩm chức năng bị dị ứng nhẹ thì nổi mày đay, mẩn ngứa da ở nhiều cơ quan trên cơ thể, nặng hơn là có triệu chứng khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy, viêm đỏ kết mạc. Nặng nhất, bệnh nhân bị sốc phản vệ với các triệu chứng người tím tái, huyết áp tụt, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong.

Không nên lạm dụng

Theo bác sĩ Cấp, các loại thuốc bổ hay vitamin dù có lợi cho sức khỏe nhưng vẫn là thuốc, cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ và dùng đúng liều lượng. Chẳng hạn, vitamin A cần thiết cho sức khỏe như tốt cho thị giác. Tuy nhiên, sử dụng vitamin A không đúng cách dễ gây viêm gan cấp, chưa kể vitamin A không dùng với các thuốc hạ huyết áp có thể làm tăng tác dụng của các thuốc này và dẫn tới hạ huyết áp quá mức. 

MỚI - NÓNG