Thủ tướng chỉ đạo:

Không để ngư dân bám biển phải vay nặng lãi

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiên cứu chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tất cả lao động đi biển. Ảnh: HỒNG VĨNH
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiên cứu chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tất cả lao động đi biển. Ảnh: HỒNG VĨNH
TP - Phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sáng 11/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải ưu đãi tối đa cho ngư dân bám biển thông qua những chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, bảo hiểm thuyền viên.

Không để ngư dân phải vay nặng lãi

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) Trần Thanh Hải, căn cứ tình hình chung của đất nước, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN nhất trí tập trung phối hợp năm 2014 vào 4 nội dung trọng tâm.

Không để ngư dân bám biển phải vay nặng lãi ảnh 1

Thủ tướng yêu cầu: Phải ưu đãi tối đa để ngư dân bám biển. Anh: hồng vĩnh

Trong đó, có việc phối hợp xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan trực tiếp công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ); đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tiếp tục tuyên truyền về thành lập và phát triển nghiệp đoàn nghề cá, tổ chức tốt cuộc vận động Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, những năm qua TLĐLĐVN đã phối hợp hỗ trợ rất tốt các hoạt động của ngư dân bám biển. 

Hiện nay đã có một số chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là hỗ trợ vốn để đóng tàu công suất lớn. Đã thí điểm hỗ trợ 2.300 tàu cá lắp thiết bị định vị vệ tinh. Nhờ các chính sách của nhà nước mà lượng tàu cá xa bờ đã tăng lên rõ rệt. Hiện cả nước đã có 28 nghìn tàu trên 90 CV hoạt động xa bờ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, ngư dân cần một chính sách tín dụng đặc thù mới tháo gỡ được khó khăn. Vừa qua, chương trình hiện đại hóa tàu cá thí điểm ở Quảng Ngãi nhưng vẫn chỉ áp dụng chính sách tín dụng thương mại thông thường nên đã hơn một năm triển khai nhưng việc giải ngân không mấy khả quan. Bộ NN&PTNT đang kiến nghị sửa quy định để chính sách khả thi hơn nhưng chương trình thí điểm chưa tổng kết, đánh giá được nên vẫn phải chờ.

Phát biểu về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hằng ngày có hơn 1 triệu ngư dân Việt Nam làm việc trên biển – đó chính là những công nhân, người lao động thực sự cần chăm lo, khuyến khích. 

Thủ tướng nêu rõ quan điểm là phải ưu đãi, hỗ trợ tối đa để ngư dân bám biển và phải bằng chính sách cụ thể. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT rà soát lại các chính sách theo 3 nhóm nội dung: Chính sách hỗ trợ vốn đóng mới tàu công suất lớn; hỗ trợ vốn để duy trì hoạt động, không để ngư dân vì bám biển mà phải vay nặng lãi, ngân hàng dư tiền, hệ thống tín dụng phải đưa vốn tới ngư dân; nghiên cứu chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tất cả người lao động đi biển.

Các chính sách này sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế biển, góp phần giữ chủ quyền quốc gia. “Chúng ta có một vùng biển rộng lớn. Vậy nên việc hỗ trợ ngư dân ra biển phải nhắm tới chính sách giúp người dân đóng tàu lớn, thay cho tàu gỗ nhỏ thì ngư dân mới có thể đi xa được”, Thủ tướng nói và lưu ý mô hình tàu vỏ sắt đánh bắt xa bờ do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đóng mới, công suất 600 mã lực, bước đầu đạt hiệu quả hoạt động cao có thể xem xét nhân rộng.

Công nhân không dám sinh con vì thiếu nhà trẻ

Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, trong năm 2013 cả nước xảy ra 351 cuộc ngừng việc tập thể, đình công, giảm 188 cuộc so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, tình trạng đình công trong 3 năm qua giảm tới 70%, đã góp phần ổn định mối quan hệ lao động. 

Không để ngư dân bám biển phải vay nặng lãi ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Anh: N.Bắc

Tuy nhiên, điều bà Hồng lo lắng là thực trạng không có nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. “Hiện nay nhiều lao động nữ không dám cưới chồng, cưới thì không dám sinh con. Nếu sinh thì phải gửi về quê vì không có chỗ gửi trẻ.

Nếu 10 năm tới chúng ta không giải quyết được thực trạng này thì vấn đề “hậu công nghiệp” sẽ bùng phát, hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến nữ công nhân lao động”, bà Hồng nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, thực trạng hàng nghìn công nhân và người có thu nhập thấp phải gửi con vào nhà trẻ, mẫu giáo không phép bởi không còn nơi nào khác.

Cả nước có khoảng 14.000 trường mầm non, giữ trên 500.000 trẻ nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong hơn 2,1 triệu lao động làm việc tại các khu công nghiệp có tới 65% công nhân ở độ tuổi sinh con, nên có hàng nghìn trẻ cần được gửi mỗi năm. “Nếu xóa nhóm trông trẻ tự phát thì công nhân không có chỗ gửi trẻ bởi trường công lập thì không đáp ứng đủ”, bà Nghĩa bày tỏ.

Đề cập nội dung này, Thủ tướng cho rằng, cần thúc đẩy xã hội hóa bởi nhu cầu lớn, nhưng ngân sách không thể đáp ứng một lúc được.

“Xã hội có nhu cầu, người dân tổ chức xây trường, xây lớp tại sao mình không ủng hộ? Chúng ta ủng hộ thông qua ưu đãi thuế, đào tạo giáo viên, thiết bị dạy học”, Thủ tướng gợi ý và giao Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng với các bộ, ngành như Tài chính, KH&ĐT đưa ra chính sách phù hợp nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà trẻ cho con em công nhân lao động.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm là phải ưu đãi, hỗ trợ tối đa để ngư dân bám biển và phải bằng chính sách cụ thể.

Cả nước có khoảng 14.000 trường mầm non, giữ trên 500.000 trẻ nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong hơn 2,1 triệu lao động làm việc tại các khu công nghiệp có tới 65% công nhân ở độ tuổi sinh con, nên có hàng nghìn trẻ cần được gửi mỗi năm.

MỚI - NÓNG