Không nên để doanh nghiệp "nhăm nhăm" làm dịch vụ ở Vịnh Hạ Long

Ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh: Không nên để doanh nghiệp “nhăm nhăm” làm dịch vụ, thu phí đơn thuần mà quên đi giá trị lâu bền của di sản Vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh: Không nên để doanh nghiệp “nhăm nhăm” làm dịch vụ, thu phí đơn thuần mà quên đi giá trị lâu bền của di sản Vịnh Hạ Long.
Trong thời gian gần đây, dư luận đang quan tâm nhiều đến câu chuyện nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Phóng viên (PV): Thưa ông, là một người gắn bó nhiều năm với Quảng Ninh, trải qua nhiều cương vị công tác, từ làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc sở, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và là người đứng đầu tỉnh, ông nhận thấy hiện trạng, hiệu quả kinh doanh và công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản, kỳ quan Vịnh Hạ Long như thế nào?

Vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, trong đó Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh các thời kỳ luôn quan tâm, chỉ đạo và định hướng phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra mục tiêu, phương hướng phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là lợi thế và vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, tài nguyên thiên nhiên, nhất là tiềm năng du lịch, để Quảng Ninh sớm trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hàng năm, khách du lịch, trong đó có khách quốc tế đến Quảng Ninh đều tăng, tổng doanh thu du lịch tăng khá (riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu du lịch đạt 2.820 tỷ đồng), tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp, đã bước đầu hình thành xu hướng toàn dân tham gia làm du lịch ở một số trung tâm du lịch lớn.

Tuy nhiên, một thực tế cũng phải nói rằng, trong một thời gian dài tiềm năng du lịch của Quảng Ninh chưa được phát huy mạnh mẽ; các sản phẩm du lịch của Hạ Long – Quảng Ninh chủ yếu được xây dựng, phát triển dựa trên các điều kiện tự nhiên.

Kết cấu hạ tầng, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật – Những yếu tố bảo đảm cho việc tổ chức hiệu quả các hoạt động quản lý, kinh doanh, phát huy giá trị tài nguyên di sản và công tác thu phí dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long chưa được đầu tư đúng tầm, quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức quản lý, vận hành cảng tàu còn nhiều vấn đề bất cập. Ngoài cảng tàu Tuần Châu được đầu tư xây dựng hiện đại, còn phần lớn các cảng tàu du lịch còn lại đều có quy mô nhỏ, chất lượng thấp, không bảo đảm các tiêu chuẩn du lịch – văn hóa, vệ sinh môi trường…

Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp tốc độ phát triển và bộc lộ một số mặt hạn chế về quản lý du lịch lữ hành, vận chuyển khách đường thủy, quản lý chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Tóm lại, tôi cho rằng, chất lượng, dịch vụ hạ tầng du lịch trên Vịnh Hạ Long hiện nay chưa xứng tầm của một Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới. Các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh, nếu không được tổ chức tốt hơn sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường và giá trị Di sản Vịnh Hạ Long.

PVTheo ông, tỉnh Quảng Ninh có nên tách chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, khai thác thu phí Vịnh Hạ Long ra khỏi Ban quản lý Vịnh Hạ Long?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Ban quản lý Vịnh Hạ Long đang làm công tác thu phí trực tiếp, đồng thời làm một số dịch vụ du lịch tại các hang, động. Chính điều này đang làm vai trò quản lý của Nhà nước kém đi và mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận cũng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Tôi cho rằng, tỉnh Quảng Ninh nên tách chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, khai thác thu phí Vịnh Hạ Long ra khỏi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Qua đó, để Ban quản lý Vịnh Hạ Long tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với di sản, tham mưu về chính sách, cơ chế cho tỉnh để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị của Di sản Vịnh Hạ Long.

Còn đối với chức năng, nhiệm vụ dịch vụ, đầu tư các hạng mục kết cấu hạ tầng, nhằm phục vụ cho việc khai thác tiềm năng du lịch thì cần xã hội hóa, nên lựa chọn doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch dịch vụ để triển khai thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

PVVừa qua, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đồng thuận với đề nghị di chuyển tất cả tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long về khu vực cảng Tuần Châu, ông có suy nghĩ gì về chủ trương này?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi thấy hệ thống cảng tàu phục vụ cho hoạt động tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long hiện nay được bố trí phân tán tại nhiều điểm, không chuyên nghiệp như: Cảng tàu du lịch Bãi Cháy, cảng nước sâu Cái Lân, cảng nổi Hòn Gai (Cửa Lục)... Trong đó, cảng tàu du lịch Bãi Cháy đã thực sự quá tải, không bảo đảm các tiêu chuẩn hiện đại, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Tôi cho rằng, ý tưởng của Tập đoàn Tuần Châu về đề xuất phương án di chuyển tàu du lịch từ cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy về cảng Tuần Châu là việc làm rất cần thiết, là vì lợi ích chung của tỉnh. Nhất là mới đây, Cảng du thuyền nhân tạo Tuần Châu - Vịnh Hạ Long đã đón nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam “cảng du thuyền nhân tạo lớn nhất Việt Nam”.

Lợi thế của Cảng du thuyền nhân tạo Tuần Châu - Vịnh Hạ Long là cảng nằm trong khu vực kín gió, neo đậu an toàn, và rất gần các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long.

Cảng có hệ thống hạ tầng tiện ích và dịch vụ đồng bộ, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Đây là một bước đột phá nhằm đưa thắng cảnh bậc nhất Việt Nam - Thương hiệu Vịnh Hạ Long vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế.

Không nên để doanh nghiệp "nhăm nhăm" làm dịch vụ ở Vịnh Hạ Long ảnh 1 Cảng du thuyền nhân tạo Tuần Châu lớn nhất Việt Nam

PVDư luận mới đây bàn tán nhiều về việc, có doanh nghiệp xây dựng Đề án trình tỉnh Quảng Ninh “Nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long” thực hiện trong 50 năm. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Cái tên đề án “Nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long” xem ra không ổn. Hơn nữa đề án đặt ra thời gian thực hiện trong vòng 50 năm thì không thể yên tâm được.

Hạ Long không phải là một điểm du lịch bình thường mà cần thấy được giá trị của danh thắng đã 2 lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo.

Đối với một Di sản thiên nhiên thế giới, thì ngoài việc để cho cộng đồng được thụ hưởng, các nhà quản lý còn phải có trách nhiệm quảng bá, gìn giữ giá trị di sản; không được “nhăm nhăm” làm dịch vụ, thu phí đơn thuần mà quên đi giá trị lâu bền.

Theo tôi, tỉnh Quảng Ninh cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn doanh nghiệp vào thực hiện chức năng dịch vụ, thu phí Vịnh Hạ Long; cần tham khảo ý kiến phản biện của đại diện cơ quan Nhà nước, nhà khoa học, doanh nhân, cộng đồng dân cư và đại diện tổ chức công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.

Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp tham gia cần phải có hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ bảo đảm, thay vì lựa chọn những doanh nghiệp mới bắt tay vào xây dựng đầu tư với đề án chưa có cơ sở khoa học, chưa có thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thiên về khai thác thu lợi nhuận.

Theo tôi, khi doanh nghiệp ký hợp đồng hợp tác công - tư với tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh việc xây dựng chiến lược kinh doanh khai thác thu lợi nhuận, cần phải đặt trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của một di sản thế giới và đó là điều quan trọng nhất.

Có một thực tế mà người dân trong tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận rất rõ, đó là trong suốt 17 năm qua, đồng hành cùng sự phát triển các ngành dịch vụ để tôn tạo và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long có sự đóng góp quan trọng của một số doanh nghiệp, đặc biệt trong đó có Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh là trường hợp điển hình. Không những giúp cho Vịnh Hạ Long ngày càng được tôn vinh, Tập đoàn Tuần Châu còn tạo được sự lan tỏa, liên kết giữa các di sản trong nước cũng như quốc tế, và giúp cho nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Gần đây, Tập đoàn Tuần Châu tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhằm phát huy, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của Hạ Long, đồng thời thỏa mãn nhu cầu của du khách khi đến với Vịnh Hạ Long, như: hệ thống bến cảng, khách sạn nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí đa năng, tuyến phà Tuần Châu – Cát Bà (Hải Phòng), sân bay trực thăng, hệ thống tàu nghỉ đêm hiện đại…

Theo tôi, với Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị kinh doanh, khai thác và phát huy giá trị di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long” của Tập đoàn Tuần Châu là có tính khả thi. Nếu đề án này của Tập đoàn Tuần Châu được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn, sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.

PVXin cảm ơn ông!

Mục tiêu phát triển du lịch Quảng Ninh định hướng đến 2020
Xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2015, tổng số khách du lịch đạt 8 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 3 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng, lao động trực tiếp 35.000 người. Năm 2020, tổng số khách du lịch đạt 10,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 4 triệu lượt quốc tế; tổng doanh thu 30.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 60.000 lao động trực tiếp.

Bảo tồn toàn vẹn các giá trị di sản Vịnh Hạ Long, trong đó ưu tiên tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khai thác, phát huy, bảo tồn các giá trị để Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh của tỉnh và khu vực.

(Trích: Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh)

Theo Thái-Thanh

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
MỚI - NÓNG