Dự thảo Luật về Hội:

Không thể hành chính hóa trong quản lý về Hội

Không thể hành chính hóa trong quản lý về Hội
TP - Dự thảo Luật về Hội, một đạo luật đã được khởi xướng từ cách đây hơn 10 năm, trải qua 2 ban soạn thảo, và đã có đến dự thảo lần thứ 10, vẫn gây ra “tâm trạng băn khoăn chưa đồng ý” về phía các hội, là những đối tượng sẽ được đạo luật này điều chỉnh.

Tâm trạng nói trên là khẳng định của Giáo sư-Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam-VUSTA) tại Hội thảo khoa học đóng góp ý kiến cho Dự thảo lần thứ 10 Luật về Hội, diễn ra hôm qua (11/5) tại Hà Nội.

Được biết, do không đồng tình với Dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ đưa ra, trước khi Hội thảo này diễn ra, VUSTA đã trình một Dự thảo Luật về Hội do chính mình soạn thảo.

Việc một tổ chức xã hội-nghề nghiệp đề xuất một dự án luật song song với dự luật mà cơ quan Nhà nước đang soạn thảo là chưa có tiền lệ, không chỉ gây chú ý với giới quan sát mà còn khiến dư luận hết sức quan tâm đến “đạo luật khó và nhạy cảm này” - như thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban xây dựng Dự thảo Đặng Quốc Tiến. 

Ngay sau khi Thứ trưởng Đặng Quốc Tiến trình bày các nội dung của Dự thảo, nhấn mạnh đến việc Dự thảo lần này tiếp tục bảo lưu quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động của hội, không khí Hội thảo lập tức được “hâm nóng”.

T.S Hoàng Ngọc Giao (Khoa Luật, ĐHQG HN) bức xúc: “Quy định như vậy là vẫn còn ý tưởng Bộ chủ quản, đẩy các hội vào thế một cổ ba tròng, bao gồm sự quản lý của Bộ Nội vụ, các bộ chuyên quản và UBND các cấp. Lâu nay nhiều hội đã yếu ớt và mệt mỏi vì tình trạng hành chính hóa tổ chức xã hội.

Bây giờ, không những không khắc phục mà Ban soạn thảo lại còn định luật hóa tình trạng này”. Để minh chứng cho sự can thiệp không cần thiết của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các hội, nhất là quyền tự do lập hội, T.S Hoàng Ngọc Giao nêu dẫn chứng:

“Một câu chuyện có thật là ở địa phương nọ muốn thành lập Hội Người mù, và cơ quan Nhà nước trả lời rằng phải có đủ trên 30 người mới được thành lập. Tìm khắp cả địa phương đó chỉ có 20 người mù, nên đến nay hội vẫn chưa thành lập được”.

Thứ trưởng Đặng Quốc Tiến phân trần: “Quy định về Bộ chủ quản đối với các hội là cần thiết, có thể nói rằng bản thân Bộ Nội vụ không thể quản lý hết về mọi mặt đối với các hội vì sự đa dạng và phong phú của các tổ chức này. Ví như, Hội những người làm vườn muốn nhập giống cây nào đó thì Bộ Nông nghiệp phải có mặt chứ Bộ Nội vụ biết gì mà quản lý!

Hơn nữa bản thân nhiều hội ở các địa phương cũng muốn dựa vào các sở, ban, ngành để hoạt động”. Luật sư Trần Vũ Hải (Cty luật Hà Nội) phản bác: “Mọi cá nhân tổ chức khi hoạt động đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng như vậy không đồng nghĩa với chịu sự quản lý một cách trực tiếp của Nhà nước.

Hội không là cơ quan nhà nước, cũng không là đơn vị nằm trong bộ máy nhà nước, mà là một tổ chức dân sự ra đời trên cơ sở tự nguyện, tự chủ của nhân dân. Vì vậy, để đảm bảo quyền dân chủ không nên áp dụng chế độ quản lý mang tính chất hành chính Nhà nước đối với hoạt động của hội.

Còn ở các địa phương, việc duy trì mối quan hệ hành chính giữa các hội với sở, ban, ngành chính là duy trì môi trường cho cơ chế xin-cho”. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA Hồ Uy Liêm cho rằng:

“Hiến pháp đã quy định người dân có quyền lập hội, chúng ta cũng thường nói phát huy dân chủ, sẽ là “nói vậy nhưng không làm vậy” nếu chúng ta cho ra đời một đạo luật về hội đặt các hội dưới sự quản lý hành chính của cơ quan Nhà nước”.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX VN Nguyễn Xuân Hiên đề nghị: “Bỏ khoản 3, điều 8 trong Dự thảo về quản lý Nhà nước về hoạt động của hội, để đảm bảo cho sự phát triển của xã hội dân sự ở nước ta”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.