Không thể sử dụng trực thăng cứu hộ vì quá xa

Không thể sử dụng trực thăng cứu hộ vì quá xa
TP - Thượng tướng Lê Văn Dũng, Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với PV Tiền phong về việc cứu hộ ngư dân miền Trung gặp nạn trên vùng biển quốc tế do cơn bão Chanchu  vừa qua .

Thưa ông, vì sao chúng ta không sử dụng máy bay trực thăng tham gia cứu hộ?

Không thể sử dụng trực thăng để cứu hộ trên biển trong lần này bởi máy bay trực thăng quân sự với bán kính hoạt động chỉ 300 km trở lại.

Còn trực thăng phục vụ giàn khoan dầu khí thì có thể ra xa hơn nhưng cũng chỉ khoảng 500-700 km trở lại. Mà tàu cá của ngư dân lại gặp nạn  ở vùng biển quốc tế cách đất liền tới cả ngàn cây số.

Dư luận cho rằng năng lực cứu hộ trên biển của tàu hải quân và biên phòng của chúng ta rất chậm, thưa ông?

Biên phòng có tàu tuần tra làm nhiệm vụ biên phòng trên biển, nhưng đó là tàu nhỏ làm trong hải phận của chúng ta chứ không thể ra xa vùng hải phận quốc tế được.

Còn tàu hải quân thì chủ yếu  hoạt động trên vùng biển của mình. Chúng ta cũng có  một số tàu cứu hộ cứu nạn chuyên dụng trên biển nhưng cũng chỉ hoạt động giới hạn trong vùng biển của mình, có thể ra một phần hải phận quốc tế.

Nhưng cơn bão Chanchu vừa rồi đi qua quần đảo Hoàng Sa rồi đổi hướng đi lên phía Bắc và thảm họa xảy ra với ngư dân là  ở vùng biển quốc tế, khá xa đất liền của chúng ta, làm cho  việc cứu hộ bị hạn chế.

Vậy chúng ta đã làm hết khả năng  cứu hộ cứu nạn trên biển chưa?

Tôi cho rằng đã làm hết mức rồi.

Theo ông, có thể áp dụng biện pháp nào để sau thông tin về bão đến ngư dân ngoài biển, khi cần thiết phải  ép họ vào bờ tránh bão không?

Tàu đánh cá của ngư dân đi thành từng nhóm nhỏ, ra xa bờ thì mình cũng khó mà ép họ vào bờ khi gặp bão giữa biển. Phương tiện của chúng ta không đủ nhiều để làm việc đó tận nơi được. Cái chính, ủy ban Phòng chống lụt bão TW phải phối hợp quyết liệt.

Sau vụ việc này phải rút kinh nghiệm sâu sắc với chính quyền các địa phương và bà con ngư dân để chấp hành  việc cho tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn ngay sau khi đã có thông báo bão.

Phải tăng cường tuyên truyền giáo dục cho bà con ngư dân ý thức chung về tránh bão, khi có thông báo bão phải thực hiện theo quy định. Điều đó vừa bảo vệ tính mạng tài sản của bản thân ngư dân, vừa bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Người dân  thường rất chủ quan. Hậu quả cơn bão vừa rồi cũng có lý do việc dự báo bão có phần chậm, độ chính xác của dự báo còn hạn chế mà thời tiết gần đây thì thay đổi bất thường.

Việc dự  báo đường đi, hướng, tốc độ của bão rồi thời gian bão sẽ đổ bộ vào hoặc gây ảnh hưởng vùng biển của ta đã được đưa ra, nhưng thời điểm quan trọng nhất bão lại đổi hướng đi không đúng như dự báo.

Vì thế,  chắc bà con ngư dân chủ quan, vị trí xảy ra lại quá  xa đất liền (hơn ngàn cây số) nên thiệt hại về người khá nặng nề.

Dường như ngư dân bị nạn không nắm được thông tin về cơn bão có diễn biến phức tạp và bất thường này, vậy thông tin liên lạc bằng bộ đàm sóng vô tuyến của biên phòng và hải quân khu vực miền Trung có tới được địa điểm tàu cá của ngư dân bị nạn?

Trường hợp vừa rồi tàu cá của ngư dân nằm xa đất liền hàng ngàn cây số thì liên lạc bộ đàm không với tới được. Phương tiện nhận tin của tàu cá cũng có phạm vi ngắn, vì thế không thể kết nối liên lạc được với hệ thống thông tin quân sự. Ngư dân chỉ bắt được sóng để nghe bản tin báo bão từ  đài phát thanh thôi.

Thảm họa vừa  rồi cho thấy kinh nghiệm, khi đã ở hải phận quốc tế quá xa đất liền mà gặp bão thì tàu cá của ngư dân nên xin tránh bão vào vùng bờ của nước bạn. Nhưng việc này có dễ dàng không, thưa ông?

Về nguyên tắc cứu hộ quốc tế, bất cứ nước nào dù không có quan hệ ngoại giao, nhưng xảy ra tai nạn trên biển thì phải có trách nhiệm cứu hộ. Khi có bão tàu cá ngư dân chạy về đất liền không kịp thì theo nguyên tắc quốc tế họ được xin lưu trú để tránh bão.

Vừa rồi, Trung Quốc đã cứu hộ 15 tàu cá của ngư dân với mấy trăm thuyền viên của chúng ta đưa vào vùng biển an toàn là theo nguyên tắc cứu hộ quốc tế.

Qua cơn bão Chanchu, ông đánh giá như thế nào về năng lực cứu hộ cứu nạn trên biển của quân đội?

Năng lực cứu hộ cứu nạn trên biển của quân đội hiện nay tôi nghĩ có thể đảm bảo được với điều kiện phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, tổ chức trong nước từ ven bờ đến ngoài khơi với ý thức tự giác chấp hành quy định neo đậu, trú ẩn tránh bão  của ngư dân.

Chứ bây giờ có hàng nghìn tàu cá của ngư dân mà khi xảy ra tai nạn phải cứu hộ, cứu nạn không ai chịu chấp hành quy định chung về phòng chống thì không có lực lượng nào có thể cứu hộ nổi.

Lực lượng hải quân của chúng ta được trang bị đủ để bảo vệ đất nước trong vùng biển của mình chứ không thể có nhiều phương tiện, con người để đi hết được tất cả mọi nơi trên vùng biển hải phận quốc tế mà ngư dân đang đánh cá.

Xin cảm ơn ông!

Tô Nam
(thực hiện)

MỚI - NÓNG