Không tích tụ đất, nông thôn mãi nghèo

Nhờ tích tụ đất, áp dụng công nghệ cao, giá trị mỗi hécta đất của Trang trại TH true MILK tại Nghệ An lên đến tỷ đồng/năm. Ảnh: Bảo An.
Nhờ tích tụ đất, áp dụng công nghệ cao, giá trị mỗi hécta đất của Trang trại TH true MILK tại Nghệ An lên đến tỷ đồng/năm. Ảnh: Bảo An.
TP - Phát biểu trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường xác định, tích tụ đất đai, bỏ hạn điền là yếu tố then chốt để tái cơ cấu nông nghiệp. Câu hỏi mà các đại biểu QH đặt ra là cách nào để tích tụ đất mà tránh xảy ra sự việc như ở Đắk Nông vừa qua...

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại QH vừa qua, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Nông nghiệp (NN) đã đưa nước ta từ thực trạng dân thiếu ăn sang một đất nước đủ lương thực, thực phẩm cho 92 triệu dân và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tới gần 30 tỷ USD. Tuy nhiên, tư lệnh ngành nông nghiệp thừa nhận: “Nền NN vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún, do đó năng suất lao động, năng suất kinh tế và đời sống thu nhập của bà con nông dân chúng ta vẫn rất khó khăn”.

Ông Cường cho rằng, để NN phát triển cần tiến tới sản xuất hàng hoá, thông qua các mô hình sản xuất quy mô lớn, theo ngành hàng ở cấp trung ương (khoảng10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên) và cấp địa phương. Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, để hướng đến mục tiêu đó trước hết phải tháo gỡ nút thắt về đất đai. “Tất cả những doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, nông dân thực thụ yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn rất trông mong điều này. Tất cả các tỉnh chúng tôi đi kiểm tra, giám sát thấy ở đâu nông dân tích tụ cỡ vài ba chục hécta cho đến hàng trăm hécta đều có thể sản xuất hàng hóa và hội nhập được”.

Ông Cường dẫn ra nhiều tập đoàn, DN tư nhân lớn đầu tư vào NN thành công nhờ có được diện tích đất lớn. Thậm chí, một nông dân tại Hưng Yên trồng lúa theo công nghệ hiện đại, tự động hóa trên diện tích 120 ha đã xuất khẩu thẳng lúa sang Nhật Bản.

Trong khi đó, Luật Đất đai có nhiều quy định về hạn điền. Chẳng hạn, đối với sản xuất những cây trồng ngắn ngày, mức giao đất tối đa là 2 - 3 hécta/hộ (tùy vùng), nhận chuyển nhượng không quá 10 lần vẫn chưa đủ để sản xuất lớn. “Nếu Quốc hội cho phép sửa Điều 129, Điều 130 (quy định về hạn điền - PV), không có hạn điền này nữa thì vấn đề tích tụ sẽ đảm bảo” - Bộ trưởng NN&PTNT nói.

Nhiều ĐBQH trong phiên thảo luận về KT - XH và phiên thảo luận về Chương trình nông thôn mới tại QH đồng tình với cách lập luận của ông Cường. ĐBQH Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) cho rằng, dù mức tích tụ đất NN tại Hải Phòng không quá 20 ha, nhưng có những nông dân tích tụ đến 40 ha; DN đầu tư vào sản xuất NN với quy mô hàng trăm hécta; hạn mức giao đất NN quá thấp so với thực tiễn. ĐB Tùng cũng cho rằng, diện tích đất manh mún nên không áp dụng được khoa học công nghệ, máy móc hiện đại, khó hình thành nền NN hàng hóa; nông thôn, đời sống nông dân khó bứt phá.

Đừng đẩy dân vào khó khăn

ĐBQH Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) cho rằng, tích tụ đất đai là hướng đi tất yếu, nhưng nhiều địa phương triển khai còn rất lúng túng. “Một bộ phận người nông dân còn rất băn khoăn khi thực hiện tích tụ ruộng đất, cụ thể như vấn đề giải quyết việc làm cho lao động NN dư thừa, trong đó lực lượng phụ nữ là chủ yếu”.

Bà Tâm đề nghị QH, Chính phủ giao cho các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách; chỉ đạo hướng dẫn cụ thể những quy định cũng như phương pháp thực hiện tích tụ ruộng đất.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, giải pháp tích tụ hiệu quả, hạn chế xung đột nhất là để nông dân, nông, lâm trường viên góp đất, góp quyền thuê đất vào DN; không nên tiến hành biện pháp thu hồi đất. “Nếu DN, chính quyền đưa ra phương án kinh doanh hiệu quả, trao đổi minh bạch với nông dân, họ sẽ làm theo, rất hiếm khi phá hợp đồng; bởi vì, trong sản xuất lớn, một nông dân đứng ra riêng lẻ không thể thành công” - ông Hùng nói. Ông Hùng cũng bình luận, vụ Cty Long Sơn (Đắc Nông) vào thu hồi đất của dân, đẩy họ ra khỏi vùng đất mà họ gắn bó là hậu quả của cách làm mang tính áp đặt, đẩy người dân vào khó khăn.

Hiện tại, sau khi giao lại một phần đất cho các hộ dân, hiện nông lâm trường quốc doanh còn nắm hàng triệu hécta đất nông lâm trường liền ô liền khoảnh. Theo ông Hùng, đây là nguồn lực quan trọng cần giữ lại để phát triển nông, lâm nghiệp quy mô lớn. “Diện tích này dứt khoát phải làm rõ, lấy ra để đấu thầu, chọn nhà đầu tư, không nên để các nông lâm trường quản lý theo cơ chế DN nhà nước đầu tư như hiện nay”. Ông Hùng cho hay, hiện có tình trạng các nông lâm trường không chịu “buông” đất ra là có nguyên nhân về lợi ích, cần làm rõ và thực hiện quyết liệt.

Liên quan đến tình trạng một số quan chức địa phương nắm diện tích đất rừng, đất NN lớn (Tiền Phong phản ánh trong tuyến bài “Ai thao túng đất nông lâm trường”), ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, cần phân chia thành 2 loại. Thứ nhất, trước đây, Đảng Nhà nước vận động cán bộ, đảng viên nhận đất để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, kéo phong trào sản xuất tại địa phương. Diện tích này cần duy trì để không làm họ mất quyền lợi. Loại thứ 2: Tại các khu vực gần thành phố lớn, nơi đất đai màu mỡ, một số lãnh đạo lợi dụng vị trí để tích tụ đất, chính quyền cần tra soát nếu vi phạm cần lấy diện tích ra để giao.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho hay, sau phản ánh của Tiền Phong đã chỉ đạo các sở ngành và nông lâm trường đẩy nhanh việc bàn giao đất cho người dân. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.