Không tròn nhiệm vụ

Tâm lý chuộng bằng cấp khiến nhiều học sinh chưa chọn con đường học nghề. Ảnh nguồn internet
Tâm lý chuộng bằng cấp khiến nhiều học sinh chưa chọn con đường học nghề. Ảnh nguồn internet
TP - Bấy lâu nay, tại Việt Nam vẫn tồn tại dai dẳng cuộc tranh luận về chuyện giáo dục và thị trường lao động. Bên nào cũng có lý. Giáo dục nói việc của tôi là đào tạo, không phải chịu trách nhiệm về thị trường lao động.  

Ngành quản lý lao động nói giáo dục không bắt kịp với yêu cầu thực tế, bắt kịp với cuộc sống. Bên nào nói cũng có lý, bởi ngành giáo dục không thể làm thay phần việc của ngành lao động và ngược lại. Nhưng chẳng lẽ cuộc tranh cãi này cứ diễn ra liên miên không có hồi kết trong khi số sinh viên ra trường rồi thất nghiệp cứ tăng từng ngày và rõ ràng đó là một sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội. 

Tất nhiên không thể quy trách nhiệm cho chỉ riêng ngành lao động hay ngành giáo dục khi nguồn nhân lực không đủ hoặc không đáp ứng được nhu cầu. Chúng ta đã chấp nhận cuộc chơi kinh tế thị trường thì cũng cần chấp nhận các quy luật thị trường trong việc điều tiết thị trường lao động. Và khi đã nói đến thị trường tức là nói đến quy luật cung cầu, quy luật về sự đào thải. 

Và nếu xét về các yêu cầu của thị trường, nhiệm vụ của ngành giáo dục chính là đào tạo ra nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, đáp ứng tốt các yêu cầu của công việc. Còn việc dự báo nhu cầu nhân lực, thậm chí đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như các kế hoạch nguồn nhân lực quốc gia là chuyện của ngành lao động.

Phân tích như vậy để thấy rằng, một chiến lược tốt trong công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực quốc gia đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan mà đầu tàu là ngành lao động và ngành giáo dục.

Tuy nhiên, trong Phiên giải trình về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng 24/4, có vẻ các ý kiến đến từ Bộ Giáo dục&Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội và nhiều ý kiến khác khá chỏi nhau, không thực sự thừa nhận trách nhiệm của mình đối với những bất cập của thị trường lao động và thực tế đào tạo.

Sống với cơ chế thị trường, chúng ta phải chấp nhận một tỷ lệ sinh viên ra trường không có việc làm ngay hoặc việc làm không đúng với chuyên môn. Việc đó là không đúng với bản thân người học nhưng theo quy luật điều tiết của thị trường thì chuyện đó cũng là bình thường.

Nhưng nói cho đằng thẳng, nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn thì đây rõ ràng là lỗi của ngành giáo dục, còn việc dự báo thị trường chưa sát sao, chưa có những biện pháp để giải quyết tình trạng thừa nhân lực trong một số ngành nhưng lại thiếu hụt nhân lực trong một số ngành khác thì không thể nói ngành lao động đã làm tốt nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG