Không xuê xoa khi cán bộ trì trệ

Thủ tục “một cửa” tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thủ tục “một cửa” tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trao đổi với báo chí trước thềm năm mới 2017, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nói: “Quan điểm của Chính phủ là hết sức thẳng thắn, nếu người đứng đầu địa phương không hoàn thành nhiệm vụ, trì trệ, mất đoàn kết, doanh nghiệp kêu ca... thì Thủ tướng sẽ phê bình, chứ không có chuyện xuê xoa”.

Trì trệ là rào cản phát triển 

Trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng nêu rõ quan điểm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Ông có thể cho biết điều đó có ý nghĩa như thế nào trong phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính?

Ngay trong phiên họp Chính phủ đầu tiên, Thủ tướng đã đưa ra một thông điệp rất rõ là xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Tư duy của Chính phủ kiến tạo thì trước hết phải hoàn thiện thể chế, rà soát toàn bộ lại cơ chế chính sách, hành lang pháp lý. Với ý nghĩa quan trọng đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cuộc họp Chính phủ, vấn đề xây dựng thể chế luôn được thảo luận trước sau đó bàn về kinh tế - xã hội.

Còn về Chính phủ kiến tạo ở đây muốn nói, ngoài quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật ra thì trong thực thi công vụ chuyển hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo sự thân thiện, gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu và tháo gỡ. Riêng với vấn đề liêm chính và hành động, Thủ tướng đưa ra nhiều thông điệp lắm. Ngay cả vấn đề gương mẫu của công chức, vấn đề của người đứng đầu hay vấn đề bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ, sử dụng tài sản công, xe công, tiếp khách, tiết kiệm, không chúc Tết… đều được Thủ tướng quan tâm và chỉ đạo để các cấp các ngành thực hiện.

Chính phủ cũng nói đi đôi với làm, nói và làm phải luôn có người kiểm tra giám sát.

Thưa ông, khi xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động thì yếu tố con người hết sức quan trọng. Chính phủ sẽ làm gì trước một bộ phận cán bộ còn trì trệ?

Không xuê xoa khi cán bộ trì trệ ảnh 1

Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động là cả một quá trình dài, chứ không phải nói làm một năm, hai năm mà hoàn thành được. Thủ tướng đều nhắc, việc tổ chức thực hiện không thể một chốc lát mà phải tạo ra nền tảng.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện vừa qua, tôi tin tưởng đang có những chuyển động tích cực của cả hệ thống chính trị, từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả bộ máy. Nếu cán bộ nào đó năng lực yếu, trì trệ không làm được việc thì đó chính là rào cản của đất nước... Quan điểm của Chính phủ là hết sức thẳng thắn, nếu người đứng đầu địa phương không hoàn thành nhiệm vụ, trì trệ, mất đoàn kết, doanh nghiệp kêu ca... thì Thủ tướng sẽ phê bình, chứ không có chuyện xuê xoa. Còn địa phương nào làm tốt thì được khen ngợi, đánh giá ngay. Với những việc làm quyết liệt như vậy thì chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển động tích cực trong thời gian tới, vấn đề là cần thời gian cho việc đó.

Tạo sự lan tỏa từ trên xuống dưới

 Vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu thẳng thắn đánh giá rằng, mới thấy ở trung ương chuyển động, còn ở địa phương thì kết quả rất hạn chế, thưa ông?

Chúng ta phải nhìn thẳng thực tế là, sự chuyển động của cả hệ thống từ trung ương đến tận xã, phường thì không thể một chốc, một lát được. Ví dụ, muốn chuyển động đến huyện thì tỉnh phải chuyển động, muốn chuyển động đến xã thì huyện phải chuyển trước đã. Bên cạnh đó, nếu như ở nơi nào đấy, người đứng đầu thực sự là người mẫu mực, gương mẫu, tiên phong, đổi mới thì người dân địa phương ấy luôn luôn được nhờ. Còn nếu chỉ làm theo kiểu né tránh, xuân thu nhị kỳ cho xong, không dám vì sợ đụng chạm thì sẽ không tạo ra sự chuyển động.

Do đó, mỗi cán bộ, người đứng đầu các đơn vị cần nhận thức đúng và có hành động quyết liệt để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nếu không làm, không năng động, ngại va chạm gì thì tín nhiệm trong nhân dân sẽ không cao. Đánh giá bây giờ là bằng công việc, hiệu quả chứ không đánh giá bằng cảm tính.

Ông được tiếp xúc với Thủ tướng hàng ngày, Thủ tướng có trao đổi lại những vấn đề để làm thế nào khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe”?

Điều này thì thường xuyên... Văn phòng Chính phủ, bộ trưởng tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng nên ngồi tâm sự với Thủ tướng là thường xuyên. Có những việc tâm tư, tình hình ở đây, ở đó, rồi dư luận thế này, báo chí phản ánh thì phải báo cáo với Thủ tướng. Có những việc tưởng không đáng gì nhưng những việc đó lại gây mất niềm tin trong nhân dân, Thủ tướng cần chỉ đạo. Ví như vụ quán “cà phê Xin Chào”, hay việc đánh nhân viên hàng không, có người nói là việc nhỏ nhưng thực tế không phải nhỏ. Liên quan đến quyền lợi của người dân, việc nhỏ cũng thành việc to.

Để hệ thống chính quyền chuyển động, ngay sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu xây dựng nghị định của Chính phủ về văn hóa từ chức. Những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác, không đảm bảo sức khỏe, trì trệ, mất đoàn kết... cần phải thay thế, việc đầu tiên là để cho họ có thể từ chức. Thủ tướng luôn nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó làm gương, tạo ra sự chuyển động, chuyển biến trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tôi tin rằng tinh thần và chuyển động mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ sẽ có sức lan tỏa lớn đối với bộ máy hành chính các cấp.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG