Khu kinh tế mở Chu Lai và 'làng ma' nơi chân sóng

Người dân thôn Đại Phú bức xúc vì nhà cửa xuống cấp không được xây dựng lại hoặc cơi nới
Người dân thôn Đại Phú bức xúc vì nhà cửa xuống cấp không được xây dựng lại hoặc cơi nới
TP - Đã hơn 10 năm Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai (Quảng Nam) chính thức được thành lập, những kỳ vọng ban đầu dần mai một, thay vào đó là không ít lo âu, thách thức khi nhà đầu tư cứ “rơi rụng” dần. Trong khi cuộc sống ngột ngạt trong vùng dự án khiến hàng ngàn dân bức xúc.

Nhiều ngôi làng trong quy hoạch Khu KTM Chu Lai ở huyện Núi Thành giờ đây trông như những ngôi “làng ma” bởi sự hiu quạnh. Hàng ngàn dân trong tình trạng đi cũng dở, ở không xong bởi những lát cắt quy hoạch nham nhở. Xã Tam Hiệp (Núi Thành) là một trong những xã có nhiều ngôi làng như thế.

Thôn Đại Phú nằm sát ngay miền chân sóng Tam Hiệp, cánh cổng vào khu Hậu cần cảng Tam Hiệp rất hoành tráng chỉ hơn 2km nhưng đây lại là một thế giới khác hẳn. Tổ 7 thôn Đại Phú có khoảng 300 hộ dân, nhưng một rẻo đất, khoảng 150 hộ dân tổ 7 vẫn phải sống lay lắt trong khi phía bên kia đường, hàng chục ngôi nhà bị đập nham nhở.

Thôn Đại Phú hoàn toàn thuộc 2 dự án Khu hậu cần Cảng Tam Hiệp và Khu đô thị Tam Hiệp. Cả 2 dự án này đang đắt chiếu. Anh Châu Ngọc Phi (tổ 7), kể: Dân bắt đầu nhấp nhổm hy vọng được giải tỏa từ năm 2008. Lúc đó, họ xuống đo đạc, bảo sẽ giải tỏa sạch để làm khu đô thị. Năm lần bảy lượt rồi. Dân kiến nghị dữ lắm mà có thấy gì đâu.

Bà Phạm Thị Tình cho biết, cùng trong một thôn, nhưng năm ngoái, hơn trăm hộ dân phía dưới đã được dỡ nhà đi chỗ khác. Bỏ lại hàng chục ngôi nhà bị đập dở dang. Sống như chúng tôi chẳng khác nào làng ma.

Theo anh Phi, Đại Phú trơ trọi giữa vùng dự án, toàn uống nước đục. Rồi công ty kính nổi Chu Lai chở bột su từ nhà máy xuống đổ ở xưởng, bụi bay mù mịt, hôi chịu không nổi.

Trưởng thôn Đại Phú, ông Nguyễn Đành than thở: “Chờ lâu lắm rồi mà chưa được đi. Dân bức xúc là phải, nhà tui cũng thế, chẳng làm ăn gì được, trồng cây cũng không cho. Tại thôn Vĩnh Đại, dù đã có hẳn một khu tái định cư mới, đàng hoàng nhưng đa số người dân thuộc diện chưa được giải tỏa vẫn sống trong cảnh cơ cực.

Ông bà Nguyễn Văn Bách và Nguyễn Thị Thu (tổ 9 Vĩnh Đại) sống ngay sát đường xuống khu hậu cần cảng Tam Hiệp, ngôi nhà xi măng vững chắc nhưng trống trơn và dang dở. “Có ai cho cơi nới, sửa chữa đâu mà làm”. Niềm an ủi duy nhất của bà Thu cùng 3 đứa con là sau mấy năm trầy trật, ông Bách cũng được Cty ô tô Trường Hải nhận vào làm công nhân bốc vác.

“Không làm nhà vệ sinh thì mất thôn văn hóa”

Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, ông Lê Chí, cho biết: Tam Quang, Tam Giang và Tam Hiệp là những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó, Tam Hiệp đứng đầu. “Nhiều người dân mới xây xong nhà, chưa kịp làm khu vệ sinh thì bị ách lại. Bởi ở nông thôn, nhà vệ sinh thường tách khỏi nhà ở. Chỉ thị thôn văn hóa đưa xuống, thôn văn hóa không thể để người dân đi cầu tõm, mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường. Thế là mất thôn văn hóa”, ông Chí kể.

Sau này, lãnh đạo các xã thấy quá vô lý nên đã đề cập lên huyện, tỉnh và được sự thỏa thuận bằng miệng, riêng chuyện nhà vệ sinh thì chính quyền xã tự lo. Năm rồi có 230 trường hợp xây nhà, hàng rào, hàng quán… bị phạt, nhưng tháo dỡ thì chỉ có 4.

Được biết, riêng xã Tam Hiệp, trong 3.320 hộ có tới 2/3 dính giải tỏa trắng. Ngoài Cty Trường Hải triển khai sớm khi khu KTM Chu Lai hình thành, bắt đầu từ 2010 xã mới bắt đầu có khoảng 38 dự án triển khai, nhiều dự án dừng hẳn nhưng vẫn để đó. Tổng diện tích toàn xã gần 3.800 ha thì có một nửa là đất rừng, số còn lại thuộc… đất quy hoạch.

Theo BQL Khu KTM Chu Lai, có 12 xã, thị trấn thuộc huyện Núi Thành và 4 phường thuộc TP Tam Kỳ nằm trong quy hoạch với tổng diện tích 32.400 ha (giai đoạn 1) và sau này thêm 10.000 ha thuộc các huyện ven biển Thăng Bình, Duy Xuyên trong đề án sắp xếp cư dân ven biển. Đến thời điểm này, có 89 dự án được cấp phép hoạt động nhưng chỉ 62 dự án triển khai. Tuy nhiên, hàng chục dự án triển khai dở dang, thậm chí khởi công rồi để đó.

“Nếu kỳ vọng đặt ra 10 thì đến nay, sau hơn 10 năm, không thể nói đã thực hiện được một nửa số đó” - ông Nguyễn Hồng Quang -Phó BQL Khu KTM Chu Lai, nói.

Trước sự bức xúc của người dân, đầu năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định cấp giấy phép xây dựng tạm trên địa bàn tỉnh mà thực chất là để cởi trói bớt những vướng mắc mấy năm nay người dân trong diện quy hoạch khu KTM Chu Lai phải hứng chịu. Nhà dân được xây không quá 100m2, không quá 2 tầng và phải ghi giấy phép xây dựng tạm, thời gian tồn tại không quá 3 năm. Nếu sau 3 năm mà nhà nước vẫn chưa thu hồi đất, được gia hạn thêm 2 năm, vẫn ghi xây dựng tạm.

MỚI - NÓNG