Khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo... để có tác phẩm hay

Khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo... để có tác phẩm hay
Ngày 24/4, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của hơn 560 nhà văn đại diện cho 830 hội viên của Hội.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị mỗi nhà văn, với lương tâm và trách nhiệm của mình, cần phản ánh những con người Việt Nam kiên cường và giàu sức sáng tạo, từng trải hy sinh và anh dũng đang viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Đảng cũng khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, mọi phong cách, bút pháp, tôn trọng tự do sáng tạo nghệ thuật đi đôi với trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà văn, tạo điều kiện cho các nhà văn tìm về cội nguồn dân tộc, đồng thời học hỏi kinh nghiệm và tinh hoa văn hoá của thế giới.

Tổng Bí thư nêu rõ Đảng mong muốn các tác phẩm văn học phản ánh sâu sắc khát vọng, lý tưởng của nhân dân, của đại nghĩa dân tộc, của con người Việt Nam với chiều sâu và tâm cao của nó.

Đọc báo cáo tổng kết công tác của Hội nhiệm kỳ VI (2000-2005), Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cho biết trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến của đời sống kinh tế, xã hội nhưng văn học có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về tất cả các thể loại. Các cuộc thi văn học, các giải thưởng văn học, các trại sáng tác, các cuộc hội thảo được tổ chức ở nhiều nơi; số lượng tác phẩm và người tham gia đông hơn.

Đổi mới văn học đã bước qua giai đoạn nhận thức ban đầu, giờ đây tư duy, cảm hứng, cách nhìn của nhà văn đã trở lại điềm tĩnh, sâu lắng với sự suy ngẫm sâu hơn về xã hội và con người. Văn chương trở nên thật hơn, cả trong việc miêu tả những hành động cao cả, những cảnh ngộ éo le hay những tâm trạng thầm kín, bản năng của con người.

Khuynh hướng hiện thực vẫn là dòng chủ chủ lưu của văn học Việt Nam. Bên cạnh đó là sự phát triển của nhiều xu hướng thể nghiệm nghệ thuật khác nhau. Các nhà văn đã trưởng thành số đông trở về với các đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng. Bút pháp sử thi, tư liệu là sở trường của họ. Các cây bút trẻ xông xáo trong các đề tài hiện đại, họ là lực lượng đông đảo, nhiều tài năng và nhiều triển vọng trong việc mở rộng đường biên văn học và tiếp cận hiện thực mới.

Theo ông Thỉnh, 5 năm qua Hội đã chú trọng cả hai nội dung, gồm giới thiệu tác phẩm văn học của Việt Nam ra nước ngoài và trao đổi các đoàn nhà văn. Nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đã được in tại nhiều nước như Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaixia và Philíppin. Ngoài các nước có mối quan hệ từ trước, Hội đã ký kết biên bản hợp tác với Hội Nhà văn Rumani, Ba Lan và Thái Lan, Hội Nhà thơ Đông Nam nước Pháp.

Tuy nhiên, ông Thỉnh cũng thừa nhận rằng trong 5 năm qua, văn học Việt Nam vẫn còn những tồn tại như những cái hay vẫn được phản ánh theo những kiểu dạng đã từng có, đã quen thuộc, còn ít những cái hay chưa từng có, khác thường, mang tính mở đường. Nhiều tác phẩm còn tản mạn và chưa làm nổi bật vấn đề trung tâm và nhân vật trung tâm của giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt. Tâm lý chạy theo số lượng dấn đến sự xuất hiện nhiều tác phẩm trung bình, tâm lý tư tưởng không cao.

Phương hướng công tác của Hội nhiệm kỳ VII (2005-2010) chỉ ra những việc cần làm như phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học hay, tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhà văn đi thực tế phù hợp với thể loại và từng đối tượng, kiến nghị với Nhà nước tiếp tục đầu tư cho văn học nghệ thuật, mở các lớp bồi dưỡng sáng tác tập trung cho các cây bút trẻ và mở rộng quan hệ đối ngoại.

MỚI - NÓNG