Kiểm soát quyền lực để chống lạm dụng

Kiểm soát quyền lực để chống lạm dụng
TP - “Qua nghiên cứu cho thấy, cơ chế và phương pháp kiểm soát quyền lực nhà nước được bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đề cập khá mờ nhạt…” - Đó là ý kiến của Tiến sỹ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) khi trao đổi với Tiền Phong về một chế định mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phần về kiểm soát quyền lực nhà nước.

> Chủ tịch nước có thể được quyền yêu cầu Thủ tướng giải trình
> Đề xuất thành lập Tòa án Hiến pháp

Theo TS Dương Thanh Biểu, vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng là trường hợp điển hình dẫn người dân đến phản ứng tiêu cực khi khiếu nại không được giải quyết triệt để. Ảnh: Phạm Duẩn
Theo TS Dương Thanh Biểu, vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng là trường hợp điển hình dẫn người dân đến phản ứng tiêu cực khi khiếu nại không được giải quyết triệt để. Ảnh: Phạm Duẩn.

Cần một cơ quan giám sát trực thuộc Quốc hội Ông có bình luận gì khi có ý kiến cho rằng, từ năm 2001, sau khi sửa đổi Hiến pháp 1992, chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật được chuyển giao cho Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ đã tạo ra lỗ hổng trong việc giám sát dẫn đến không ngăn chặn kịp thời những tiêu cực đã và đang xảy ra? 

Gần đây tình trạng vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã xảy ra nhiều, gây bức xúc dư luận.

Tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng cũng đang diễn ra phức tạp, đặc biệt là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính tiền tệ, quản lý rừng, xử lý vi phạm hành chính...

Trong đó, có nhiều trường hợp vi phạm dẫn tới khiếu kiện kéo dài, bức xúc, nhưng chưa được phát hiện, giải quyết kịp thời. Có trường hợp, khiếu nại của công dân không được giải quyết, dẫn đến người dân đã phản ứng tiêu cực (điển hình như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng).

Xét về thẩm quyền, thanh tra thuộc cơ quan hành pháp, hoạt động theo sự chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Vì vậy, công tác thanh tra và kiểm tra văn bản QPPL là cơ chế kiểm tra nội bộ, nên việc phát hiện vi phạm và kiến nghị khắc phục không bảo đảm tính khách quan.

Điều này có thể thấy rõ trong những sai phạm tại Vinashin, Vinalines, tuy Thanh tra Chính phủ đã thanh tra nhiều lần mà vẫn không phát hiện kịp thời các sai phạm, làm rõ được trách nhiệm. Tôi cho rằng nếu có cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật của Quốc hội, trực thuộc Quốc hội, thì có lẽ những vụ như Vinashin, Vinalines đã không xảy ra.

Vậy còn giai đoạn trước năm 2001, khi chưa chuyển giao chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật?

Trước năm 2001, Hiến pháp 1992 (chưa sửa đổi) quy định VKSND có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Thực hiện chức năng hiến định này, toàn ngành kiểm sát đã tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật (bao gồm kiểm sát văn bản và kiểm sát hành vi, gọi là kiểm sát chung) trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật.

Ngành Kiểm sát đã có nhiều kháng nghị với cơ quan chủ quản khắc phục vi phạm và thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, VKSND các cấp đã khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự và đã truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

 TS Dương Thanh Biểu
TS Dương Thanh Biểu.

Kiểm soát hữu hiệu quyền lực nhà nước 

Theo quy định của Hiến pháp hiện hành, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về chức năng giám sát tối cao của Quốc hội hiện nay?

Thời gian qua, có thể thấy Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong hoạt động giám sát và đạt được một số kết quả, được cử tri cả nước ghi nhận.

Tuy nhiên, do chủ yếu thông qua nghe báo cáo, thẩm tra và chất vấn các cơ quan thuộc Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC… và Quốc hội chỉ trực tiếp thực hiện giám sát theo chuyên đề trong những trường hợp xét thấy quan trọng và cần thiết, nên hiệu quả phát hiện các sai phạm của các cơ quan nhà nước chưa cao.

 Tôi cho rằng nếu có cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật của Quốc hội, trực thuộc Quốc hội thì có lẽ những vụ như Vinashin, Vinalines đã không xảy ra

TS Dương Thanh Biểu

Quốc hội cũng đã có nhiều kiến nghị nhưng chưa được các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết. Đặc biệt, tôi thấy hiệu lực giám sát đối với các cơ quan hành pháp và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của cử tri. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa có thiết chế phù hợp để giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát này.

Do việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hợp lý nên trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực nhà nước rất phức tạp, dẫn đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…

Để ngăn ngừa tình trạng trên, theo ông sửa đổi Hiến pháp 1992 cần tăng cường, bổ sung công cụ, thiết chế độc lập như thế nào để giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát quyền lực?

Trong điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay, ngoài Kiểm toán Nhà nước, VKSNDTC là thiết chế có ưu thế và điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội giao về mặt kiểm soát quyền lực nhà nước. Từ năm 2001, do quy định VKSNDTC thôi không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Quốc hội đã để mất đi cơ chế cần thiết và quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực nhà nước của mình.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều ĐBQH cho rằng, VKSND là cơ quan của Quốc hội, được thành lập có hệ thống và có tính chuyên nghiệp, có khả năng và điều kiện để giúp Quốc hội trong việc kiểm soát quyền lực nhưng đáng tiếc là Dự thảo chưa có quy định gì mới với tư cách là một thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Tôi rất đồng ý với nhiều ĐBQH về đề xuất cần xem xét, nghiên cứu trả lại chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật cho ngành Kiểm sát, góp phần khắc phục sự bất cập trong cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay.

Vậy để thực hiện tốt nhất chế định kiểm soát quyền lực nhà nước, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nào?

Tôi đề nghị nhân lần sửa đổi Hiến pháp này, Quốc hội nên nghiên cứu sửa quy định về VKSND, trả lại cho VKSND chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp mà các bản Hiến pháp trước đó, như Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 đã ghi nhận.

Trước tình trạng lạm dụng quyền lực đang có chiều hướng phát triển nghiêm trọng thì không có lý do gì chúng ta không tiếp tục giao cho VKSND thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Điều này sẽ góp phần kiểm soát hữu hiệu quyền lực nhà nước. Đây không chỉ là sự thể hiện quyết tâm cao về chính trị, năng lực trí tuệ về sáng kiến lập hiến mà còn là sự chia sẻ, thấu hiểu đối với tâm tư nguyện vọng của cử tri cả nước về công tác đấu tranh chống lại sự lạm dụng quyền lực.

Xin cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.