Kiến ba khoang tấn công nhà dân ở Hà Nội

Tổn thương do bị kiến ba khoang tấn công.
Tổn thương do bị kiến ba khoang tấn công.
TP - Thời gian gần đây, kiến ba khoang ồ ạt tấn công nhiều nhà dân ở Hà Nội. Các chuyên gia khuyến cáo, việc xử lý kiến ba khoang không đúng cách có thể làm độc tố lan rộng trên cơ thể.

Mấy ngày trước, chị Mai Lan ở khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) bị phỏng rộp, ngứa rát ở cánh tay và cổ. Ban đầu chị tưởng bị zona thần kinh nên mua thuốc về bôi nhưng không khỏi, đi khám biết là bị nhiễm độc từ kiến ba khoang. “Vết phỏng rộp dài trên cổ, bỏng rát. Bác sỹ kê thuốc, tôi bôi gần một tuần nay mới đỡ”, chị Lan tâm sự. Chị Bích Ngọc, khu tây nam Linh Đàm chia sẻ, nhà chị thường xuyên thấy kiến ba khoang. Những ngày gần đây, số lượng nhiều hơn trước nên chị phải mua lưới chống côn trùng và đóng cửa mỗi khi bật điện.

Anh Nguyễn Mạnh Quân ở khu Đô thị Ecohome 2, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, cả tuần nay, ngày nào nhà anh cũng thấy kiến ba khoang trong nhà, nhất là ở bàn làm việc gần cửa sổ. “Có hôm làm việc khuya, mở cửa sổ cho mát thì kiến khoang đậu dày bàn làm việc”, anh Quân kể. Con gái anh Quân bị kiến ba khoang đốt mấy ngày nay chưa khỏi. Cùng khu dân cư Ecohome 2, nhiều gia đình khác cũng bị kiến ba khoang tấn công.

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, kiến ba khoang ưa khí hậu ẩm, thường sống chủ yếu ở khu vực đồng bằng, trên các cánh đồng, ven ruộng, bãi cỏ, những nơi đang xây dựng dang dở,  trên các thân cây mục. Vào tháng 10, 11, kiến ba khoang di chuyển nhiều từ cánh đồng vào nhà dân. Vì vậy, các khu dân cư gần cánh đồng, bãi cỏ, nhất là các khu chung cư cao tầng có nguy cơ xuất hiện kiến ba khoang rất cao.

Loài côn trùng này có tính hướng sáng, thường bám vào khu vực quanh ánh đèn nên những người làm việc văn phòng, học sinh có nguy cơ bị kiến ba khoang đốt  cao. Vì vậy, khi học tập hay làm việc bên ánh đèn, người dân nên đóng cửa sổ hoặc mua lưới chống côn trùng.

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, kiến ba khoang có hai tuyến độc dưới bụng. Khi đốt tiết ra hai chất độc gây rộp da, nhất là ở vùng nhạy cảm như mắt, miệng. Khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính Pederin được tiết ra và trực tiếp thấm vào da, nhẹ thì sẽ làm da ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng mưng mụn nước.  Đặc biệt nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời.

Theo TS Nguyễn Hữu Sáu, Viện Da liễu Trung ương, một số người khi bị kiến ba khoang đốt, sau 1-2 ngày còn có biểu hiện sốt, mệt mỏi, nổi hạch đau ở vùng tương ứng. Người bị kiến ba khoang đốt, nếu ở thể nhẹ sẽ tự khỏi, nặng hơn sẽ phải điều trị bằng thuốc. Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, khi kiến ba khoang xuất hiện, không nên dùng tay trần để giết. Khi có cảm giác côn trùng bám vào cổ, mặt, tránh quệt tay để hạn chế dịch tiết của kiến ba khoang bám vào da sẽ gây bệnh.

MỚI - NÓNG