Kiến nghị sửa Luật bảo hiểm xã hội: Quốc hội nên xin lỗi cử tri

ĐB Võ Thị Dung. Ảnh: Như Ý.
ĐB Võ Thị Dung. Ảnh: Như Ý.
TP - “Với tư cách ĐB Quốc hội, tôi xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng”, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) nói khi tham gia thảo luận tại tổ sáng 22/5 về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh.

Chưa có tiền lệ

Bình luận về Điều 60 của Luật BHXH vừa ban hành phải kiến nghị sửa đổi, ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng, đó là một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong hoạt động Quốc hội. “Đây là vấn đề chúng ta cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, để xây dựng các dự án luật tốt hơn”, ông Bình nêu ý kiến.

Nhìn nhận về trách nhiệm của ĐB khi “bấm nút” thông qua Luật này, ĐB Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) nói rằng bà “rất buồn” và “xấu hổ”. “Tôi đề nghị Quốc hội cầu thị trong việc sửa đổi lần này. Tôi cũng tha thiết đề nghị, khi sửa phải có lời xin lỗi người lao động để họ thấy QH thực sự  thực tâm sửa đổi, chứ không nhận sai cho có”, bà Dung nói. Theo ĐB này đời sống người lao động hiện nay rất khổ, bữa ăn của họ toàn hàng rẻ tiền, thức ăn cũng chẳng có gì. “BHXH là vấn đề nhỏ mà chính sách với người lao động mới là vấn đề lớn. Chính sách hiện nay đóng 5 đồng mà chỉ nhận được 4 đồng rưỡi thôi là không công bằng”, bà Dung bày tỏ.

Tại tổ Hà Nội, ĐB Bùi Thị An đồng tình với đề xuất sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH. Theo bà An, trong xã hội vẫn còn “một góc khuất” ở đâu đấy, nhiều người đang gặp rất nhiều khó khăn. “Ai chẳng biết gạo nếp ngon, nhưng nhiều người lại không ăn được nên phải cho họ lựa chọn, dù ăn khoai cũng được”, ĐB An nêu quan điểm. Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, không phải do Luật BHXH không phù hợp mà do việc tuyên truyền chưa tốt. Nếu người lao động nhận tiền một lần khi về hưu không có lương lại trở nên nghèo khổ, không đảm bảo cuộc sống. Lúc đó lại bảo giá như ngày xưa không lấy bảo hiểm một lần. Bà Khánh đề nghị nên tuyên truyền cho tốt để người lao động hiểu ý nghĩa của Điều 60.

“Làm sao tổ chức công đoàn tuyên truyền được khi người lao động chứng minh một công nhân lành nghề làm 18 năm, đóng thêm 21 tháng bảo hiểm tự nguyện để lãnh lương hưu 943.000 đồng/tháng. Họ nói, với tôi số tiền này có sống nổi không? Vì vậy họ chọn phương án nhận một lần để có một khoản tiền làm kinh doanh, trang trải cho cuộc sống dù biết rằng sau này không có lương hưu”, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm lập luận.

Sửa luật để trọng dụng người tài

Theo các ĐB, không chỉ Luật BHXH mà nhiều luật khác, như Luật Quân đội nhân dân, Luật Công an nhân dân và Luật Nhà ở chưa có hiệu lực thi hành cũng đang kiến nghị sửa đổi. “Đây là điều hết sức quan ngại. Do đó, chúng ta cần phải tăng cường kiểm tra chất lượng ngay từ khâu trình dự thảo. Đồng thời, Ban soạn thảo phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến ĐB tránh chủ quan sẽ rất hạn chế”, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) nói. Tuy nhiên ĐB Nguyễn Đăng Quang (Quảng Bình) không đồng tình sửa đổi ba luật trên.

“Tôi đề nghị Quốc hội cầu thị trong việc sửa đổi lần này. Tôi cũng tha thiết đề nghị, khi sửa phải có lời xin lỗi người lao động để họ thấy QH thực sự  thực tâm sửa đổi, chứ không nhận sai cho có”.

ĐB Võ Thị Dung

Thừa nhận chất lượng ban hành văn bản pháp luật còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc sửa đổi Luật Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Luật Nhà ở là việc cần thiết. Theo ông Cường thực hiện kết luận của Bộ Chính trị sẽ triển khai nhiều chính sách ưu tiên để thực hiện việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không cho phép tiếp nhận người tài không qua thi tuyển. Đồng thời không có chuyện “ưu tiên” về tiền lương ở mức cao nên không thu hút được người tài.

Đối với vấn đề nhà ở công vụ, theo Kết luận của Bộ Chính trị, người tài được trọng dụng sẽ được cấp nhà ở. Tuy nhiên, Luật Nhà ở quy định chỉ cấp thứ trưởng trở lên mới được bố trí nhà. Tương tự, việc phong hàm trong quân đội và công an, Bộ  Chính trị cũng đã kết luận cho phép thăng hàm vượt cấp. Nhưng thực tế Luật Quân đội nhân dân và Công an nhân dân lại không cho phép.

“Nếu Quốc hội thấy là không phải cấp thiết thì đó là thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng bản thân tôi thấy rằng, chúng ta nên sửa để thu hút, tuyển dụng được nhân tài vì đó chính là tương lai của đất nước”, ông Cường nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG