Kính chẳng bõ phiền

TP - Đề án về chuẩn văn hóa công sở dù mới được Bộ Nội vụ tính toán triển khai, nhưng đã sớm được báo chí, dư luận đem ra “soi”.

Đó là những quy định về giao tiếp, cách xưng hô tại công sở - nơi mà theo kết quả điều tra do ĐH Quốc gia Hà Nội và Sở VH-TT&DL Hà Nội...thực hiện mới đây, cho thấy có 88% đến 95% số người được hỏi đã cho rằng cán bộ lãnh đạo và công chức, viên chức có hành vi ứng xử không phù hợp. 

Có lẽ vậy, nên cuối tháng 5 vừa rồi, thành phố Hà Nội phải ra Quy chế yêu cầu cán bộ, công chức khi giao tiếp với đồng nghiệp phải lịch sự, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt… Mới quá, nên chưa rõ hiệu quả quy chế đã được đến đâu. 

Nhớ năm ngoái, Nghị định 145/2013 ra đời, trong đó có quy định tại các hội nghị, lễ lạt, người đọc diễn văn, báo cáo, phát biểu chỉ được “kính thưa” một người có chức vụ cao nhất. Nghị định trên có hiệu lực từ gần 7 tháng nay, cũng chưa có thống kê nào cho biết đã giảm được bao nhiêu lần “kính thưa”. 

Nhớ 10 năm trước, quy định yêu cầu “kính thưa một người” cũng đã xuất hiện trong một nghị định hẳn hoi, nhưng rồi chục năm sau lại phải đem ra “nhắc” lại trong một nghị định khác! Luật Cán bộ công chức ban hành năm 2008, ở Mục 3 cũng đã quy định rõ đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức tại công sở cũng như với nhân dân rồi đấy thôi!

Chuyện kính thưa, kính gửi, kính chào – với một nước thuần Á Đông nhiều lễ nghĩa, trọng tôn ti thứ bậc như ta, vẫn luôn là sự mệt mỏi. Mệt, vì “kính chẳng bõ phiền”. Vì vướng víu đủ thứ. Chưa kể tỏ ra “kính” nhau mà không thực sự hiểu biết và thiếu thực tâm tôn trọng nhau, thì chỉ có rước về mối phiền. 

  

Huyện miền núi nghèo Sơn Tây ở Quảng Ngãi vừa bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng xây cổng chào mới của huyện. Chưa ăn thua gì với hàng loạt cổng chào hoành tráng mỗi cái tốn hơn 2 tỷ đồng ở mấy huyện ngoại thành Hà Nội. Mỗi huyện có tới vài cổng như vậy. Cổng chào gắn biểu tượng của tỉnh Bình Dương đầu tư tới 40 tỷ đồng, mấy năm đã tơi tả. Đua nhau “kính chào” bằng tiền tỷ, liệu có kính, có chào thật không?  

Nghị định xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể vừa thông qua, thể hiện sự kính trọng, tôn vinh công lao của các nghệ nhân. Tuy nhiên điều kiện, thủ tục xét duyệt quá rườm rà, trong khi các nghệ nhân dân gian đa phần đã gần đất xa trời, sống chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, chẳng biết đằng nào mà lần.
Thật, “kính chẳng bõ phiền” !

MỚI - NÓNG