Kinh tế khó khăn vẫn sắm 1.700 xe công

Bộ Tài chính yêu cầu cắt giảm, lùi thời gian mua sắm xe công. Ảnh: Ngọc Châu
Bộ Tài chính yêu cầu cắt giảm, lùi thời gian mua sắm xe công. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Chiều 29/5, thảo luận về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012, các ĐB cho rằng, trong khi kinh tế khó khăn, chi tiêu vẫn còn lãng phí, nhất là mua sắm công.

Theo ĐB Võ Thị Dung (TPHCM), các nguồn thu thiếu bền vững, chủ yếu là thu từ đất đai, tài nguyên, thậm chí thu xử phạt hành chính năm 2012 tới 9.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý, thiếu kỷ luật, tiêu cực trong chi tiêu ngân sách, trốn thuế, chi vượt dự toán còn lớn, không biết bao giờ mới khắc phục được.

“Trong khi Quốc hội kêu gọi siết chặt chi thường xuyên, năm 2012 - dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, các địa phương, bộ ngành vẫn mua sắm mới trên 1.700 xe công, mỗi xe trị giá cả tỷ đồng. Đành rằng xe đã mua rồi, nhưng phải làm rõ việc đó có vi phạm không, nếu có, ai chịu trách nhiệm và Quốc hội có xem xét quyết toán không?”- ĐB Dung kiến nghị.

Các ĐB cho rằng, không ít dự án, chương trình mục tiêu đầu tư từ ngân sách hiệu quả thấp. ĐB Danh Út (Kiên Giang) nhận xét, không chỉ lãng phí chi thường xuyên, chi sai chế độ khá nhiều, có nơi, có lĩnh vực vượt tới 30%, nhưng có nơi kết dư hàng nghìn tỷ đồng. Quá nhiều khoản chi vượt nhưng chi đầu tư xã hội đạt thấp, ví dụ chi giảm nghèo chỉ đạt 52%, khắc phục ô nhiễm môi trường đạt 17%.

“Năm 2012 - dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, các địa phương, bộ ngành vẫn mua sắm mới trên 1.700 xe công, mỗi xe trị giá cả tỷ đồng. Đành rằng xe đã mua rồi, nhưng phải làm rõ việc đó có vi phạm không, nếu có, ai chịu trách nhiệm và Quốc hội có xem xét quyết toán không?”.

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM)

“Tình hình biển Đông hiện nay đòi hỏi chúng ta chắt chiu từng đồng ngân sách, đầu tư hỗ trợ ngư dân góp phần phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ chủ quyền trên biển. Chính phủ cần có chiến lược, có thể điều chỉnh nguồn thu năm nay đầu tư cho ngư dân. Đồng thời, phải hết sức tiết kiệm, kiên quyết xử lý vi phạm kỷ luật tài chính, xử nghiêm lãng phí, tham nhũng, tránh gây bức xúc trong dân” - ĐB Dung đề nghị.

Nói về cơ chế quyết toán ngân sách, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phàn nàn: “Chúng ta cứ phát biểu, kêu ca, rồi chúng ta vẫn thông qua thôi, thế thì làm sao quyết toán ngân sách không hình thức. Chúng ta quyết cái đã tiêu xong từ mấy năm rồi. Để chi tiêu minh bạch, phải minh bạch giữa ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương. Quốc hội phải siết chặt kỷ cương, phải giám sát việc chi tiêu chặt chẽ hơn”.

 ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhận xét, quản lý chi tiêu vẫn trọng về hồ sơ hơn hiệu quả thực tế. Nếu không quyết liệt đổi mới, tình trạng mua sắm xe công vẫn lặp lại, bởi năm nào cũng nói, nhưng không sửa.

Dùng tiền ngân sách làm quà biếu, ai kiểm soát?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Trần Đình Nhã cho biết, tình trạng dùng tiền ngân sách làm quà tặng, quà biếu, tặng thưởng khá phổ biến, nhưng dường như không ai kiểm soát.

“Bộ Tài chính cho biết là không nắm được mỗi năm các cấp, các ngành chi bao nhiêu cho quà tặng, quà biếu, nhưng tôi nghĩ con số đó chắc phải đến nghìn tỷ đồng. Chi lớn thế nhưng chúng ta không có quy chuẩn gì cả, mỗi nơi một cách. Theo quy định về quà biếu, cán bộ nhận quà trên 500 nghìn đồng phải nộp lại ngân sách. Tôi tò mò hỏi từ năm 2007 đến nay, nhà nước thu được bao nhiêu tiền cán bộ nộp lại, nhưng không ai trả lời được. Cử tri bảo là hay không có ai trả lại?”.

Vị ĐB này cũng cho rằng, nước ta có khoảng 139 nghìn đơn vị thụ hưởng ngân sách, tức là có 139 nghìn người đứng đầu có thể được nhận quà biếu, chưa kể cấp phó. “Giả sử những người này sẵn sàng nộp lại quà tặng, ít nhất từ 5-10 triệu đồng/người/năm (tùy cấp trưởng hay phó), ngân sách sẽ có thêm khoảng 4 nghìn tỷ đồng, không hề nhỏ” - ĐB Nhã phát biểu.

MỚI - NÓNG