Ký ức về Ông Khoán hộ

Bà quả phụ Lê Thị Liên và nhà biên kịch Vân Thảo.
Bà quả phụ Lê Thị Liên và nhà biên kịch Vân Thảo.
TP - Vẫn cái ngõ sâu xuyên vào những rậm rịt tre pheo mít nhãn. Bên gốc mít cổ thụ, thời khi đã hưu, ông Kim Ngọc đã ngồi đây từng lặng lẽ, lúc thở than, khi bừng bừng nhiệt huyết với bạn hữu, người quen về việc khoán hộ còn đương dang dở vì bị cấm. Nhưng chất giọng từng bao phen trầm rè vì buồn nản vẫn có lúc vang, đanh  kiểu gì rồi bà con mình cũng phải theo kiểu khoán ấy thôi! Không làm vậy thì chết đói…

Kể lại chuyện ông Kim Ngọc khi nghỉ hưu vẫn trăn trở đau đáu với việc khoán hộ... Bà vợ ông Kim Ngọc chỉ tay vào mấy gốc mít thuở chưa khép tán như bây giờ chép miệng, ban ngày thì ông ấy xoay trần với cây cối vườn tược, buổi tối hay chiều mát là ngồi với cánh cán bộ xã thường hay sang chơi... 

Ông lại say sưa mê mải, lúc thì rủ rỉ, lúc lớn tiếng bàn độc một việc khoán. Có hôm hăng quên bẵng cả cơm tối. Bà lắm bữa phải nhắc khéo cả chủ lẫn khách tôi đang khoán cho ông cái mâm trong nhà kia kìa...

Đó mấy bận qua Vĩnh Yên rồi ghé nhà ông khoán hộ thấy cái câu trời thương đúng lắm với gia cảnh bà quả phụ Kim Ngọc. May mắn ở độ tuổi cửu thập bà vẫn minh mẫn nhúc nhắc đi lại được. Bà như một nhân viên của bảo tàng Kim Ngọc, một thứ bảo tàng sống cho hậu thế muốn lật giở một công trình tầm cỡ thời đại. 

Công trình đó chính là sáng kiến của vị Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã trở thành Nghị quyết của Tỉnh ủy Vĩnh phúc tháng 9/1966 về việc khoán hộ, sau đó được ghi vào Nghị quyết của Tỉnh ủy là sự đột phá chính xác vào mắt xích chủ yếu nhất của qui trình tổ chức sản xuất tập thể là vấn đề quản lý lao động, một đổi mới quan trọng trong tư duy kinh tế. 

Rồi phát hiện quan trọng có giá trị lớn cả về lý luận và thực tiễn ấy đã bị “đình” lại cho mãi năm 1981, có chỉ thị khoán 100 và 22 năm sau tính từ thời điểm manh nha (5/8/1988) mới được thể hiện cô đọng súc tích sinh động trong Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (mà bà con nông dân vẫn quen gọi là “khoán 10”) với cốt lõi là hộ xã viên được xem là một đơn vị kinh tế tự chủ trong hợp tác xã nông nghiệp đem lại sự hồi sinh cho nông thôn Việt Nam.

Lần ghé Vĩnh Yên ấy, ngó qua vai bà, chợt giật mình bởi thấp thoáng bên hàng rào kia là những ngôi mộ xi măng... Bà cười cho biết, khi về hưu năm 1977, ông Kim Ngọc xua tay không nhận nhà xây sẵn cũng như những đám đất “ngon’’ trong thị xã mà chọn lấy mảnh thèo đảnh ngay sát bãi tha ma này. 

Hồi chiến tranh chống Mỹ, nơi đây còn là một trận địa pháo phòng không, giao thông hào chằng chịt, công sự, ụ pháo ngổn ngang...  Vợ chồng, con cái ông tốn không biết bao công sức để san lấp, trồng tỉa tắm tưới.

Ký ức về Ông Khoán hộ ảnh 1

Kim Nam (bìa trái), con trai cụ Kim Ngọc và đoàn làm phim Bí thư Tỉnh ủy viếng mộ ông Kim Ngọc.

...Như những đứa trẻ ở vùng quê nghèo khác thường mang cái tên xâu xấu cho dễ nuôi, cậu bé Kim Văn Nguộc rời một làng quê nghèo khó của huyện Vĩnh Lạc lên căn cứ địa Việt Bắc từ những năm đầu bốn mươi. Nhà cậu bé Nguộc ở Vĩnh Lạc là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ Việt Minh trong đó có đồng chí Trường Chinh. 

Chính đồng chí Trường Chinh là người trực tiếp giác ngộ và giới thiệu cậu bé Nguộc lên chiến khu và khi gia nhập Giải phóng quân, Văn Nguộc mới trở thành Kim Ngọc! Đơn vị của Kim Ngọc đóng quân gần căn cứ Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương. Tại khu vực đóng quân, Kim Ngọc đã làm quen với một cô gái địa phương là Lê Thị Liên thuộc diện mỏng mày hay hạt... 

Gia đình  là cơ sở cách mạng là nơi đi về của nhiều cán bộ Việt Minh. Người gần gũi nhất với gia đình cô là đồng chí Hoàng Quốc Việt. Cô được giác ngộ khá sớm và tham gia công tác đoàn thể thoát ly gia đình từ năm 1943. Cuối năm 1946, Tân Trào có một đám cưới tổ chức theo lối đời sống mới vui nổ trời. Chú rể là Kim Ngọc đẹp duyên cùng cô Lê Thị Liên. Chủ hôn là đồng chí Hoàng Quốc Việt.

…Thoáng trong tôi một thống kê

Tổng kết cả năm 1967, cả tỉnh Vĩnh phúc có 243 hợp tác xã áp dụng phương thức khoán hộ đạt hơn 5 tấn thóc một ha, gấp 4 lần so với năm 1965. Tổng sản lượng qui thóc 409.500 tấn tăng 29.000 tấn so với năm 1966 vv... và vv... 

Nhưng đau thay, những con số ấy lại chẳng có sức thuyết phục cũng như ông Kim Ngọc không đủ sức thuyết phục phương thức khoán hộ của mình. Phương thức, cách làm của ông đã bị đình lại. Và việc ông bị kiểm điểm loang nhanh. 

Nhớ lần gặp anh Kim Sơn, trưởng nam ông Kim Ngọc. Trong câu chuyện tôi cứ “ám ảnh” mãi về câu nói bộc trực của anh “Các đồng chí lãnh đạo Đảng nhà nước, người thì tôi nghe trực tiếp hoặc gián tiếp hết thảy đều đánh giá cao, đều biểu dương công lao của bố tôi nhưng đến tận bây giờ những cơ quan có trách nhiệm chưa có một văn bản chính thức giấy trắng mực đen về vấn đề khoán hộ của ông Kim Ngọc trong thời gian là Bí thư Tỉnh ủy!”.

Thấy chồng rộc đi nhanh. Có đêm đã khuya, ông về muộn cứ ngồi lật giở những giấy tờ... Mà động thái của ông như muốn dứt khoát điều gì khủng khiếp lắm. Bà sợ ông nghĩ quẩn... Vài ba tấm ảnh kỷ niệm một thuở một thời với người này người khác... Bà vội níu lấy “ông cứ để  lại...”. Rồi bà hỏi thẳng ông chuyện phải kiểm thảo này khác. Ông chỉ ừ hữ và nhắc lại lời một đồng chí lãnh đạo mà vợ chồng bà vốn nể quí như người anh “Sai mình không sợ. Kiểm điểm phê bình thậm chí kỷ luật hay tù tội xử bắn  mình cũng không sợ... Chỉ sợ Dân sợ Đảng hiểu lầm mình”.

Hiểu lầm thì phải thanh minh, phải tường trình, phải bảo vệ đến cùng quan điểm của mình chứ? Gia đình ta khi ấy vốn quen biết thân tình với nhiều vị lãnh đạo cơ mà? Ông bạn cùng đi vẻ gấp gáp đặt câu hỏi… Nghe vậy bà chỉ lặng lẽ thở dài cái thời ấy nó thế…

Bà cho hay, tính ông nhà vốn ít nói. Lại thẳng thắn gan lỳ… Nói gì đến chuyện chạy chọt?

Cái thời ấy nó thế? Lần ấy, khi ông đã hưu, một lãnh đạo ở Hà Nội  mời vợ chồng ông về chơi... Cùng đi có bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên là Phó Chủ tịch tỉnh. Bà nhớ hôm đó ở nhà cụ Trường Chinh, bà Đồng, vốn là cơ sở cách mạng ở Đình Bảng từng nuôi giấu cụ Trường Chinh. 

Bà Đồng thẳng tính, lại là chỗ thân gần nên bà hỏi thẳng “Trung ương đã quá rõ việc khoán hộ trên Vĩnh Phú rồi. Nếu không để cái khoán hộ của anh Ngọc được thực hiện thì dân khéo mà chết đói. Cứ cái đà trên chẳng thông với dưới, dưới tắc ở trên, ai còn dám nói thẳng, ai còn dám đến thăm các anh...” Cụ Trường Chinh mỉm cười nhẹ nhàng: “Chị cứ nói thoải mái, nhưng  chớ có đập tay lên bàn như thế, với lại nói vừa đủ nghe thôi...” Mọi người cất tiếng cười vui vẻ...

Ký ức về Ông Khoán hộ ảnh 2

Từ trái sang: Bà quả phụ Kim Ngọc, đạo diễn Quốc Trọng. Ảnh: Xuân Ba.

Bữa đó được bà Đồng “khơi mào”, ông Kim Ngọc trình bày thêm nhiều góc cạnh và sắc thái khác nhau của việc khoán hộ say sưa như thể những buổi ông ngồi với cánh cán bộ xã nhà...

Cụ Trường Chinh chịu khó lắng nghe thêm một buổi nữa… (Tôi chợt nghĩ có lẽ từ những thực tế “khoán chui” và cả những buổi như thế mà sau này trong cương vị Tổng Bí thư khoá V và thời gian cuối những năm tám mươi, đồng chí Trường Chinh là một trong những người chủ động khởi xướng việc đổi mới mang lại sinh khí cho Đảng, cho Đất nước trong đó có việc khẳng định khoán hộ bằng Nghị quyết 10?).

Sáu người con ông Kim Ngọc tất cả đều phương trưởng. Hồi còn cương vị Bí thư Tỉnh ủy hay khi đã nghỉ hưu, có dằng dịt các mối quan hệ nhưng ông Kim Ngọc không “lót ổ” cũng như gây dựng cho người con nào. Hồi ông ốm, xã nọ tới thăm biếu ông mấy con cá... Ông không nhận “Tôi đang ốm, chẳng ăn uống gì được...”. Người đến thăm nài “Anh không ăn thì để cho các cháu nó ăn...”. Ông nói “Chúng nó ăn khác gì tôi ăn!”.

Nhớ năm đã xa, tôi có dịp ngồi lâu lâu với người con trai thứ Kim Nam. Một người chịu khó học. Tốt nghiệp Đại học An ninh, anh về công tác tại thị xã quê nhà ở công an Vĩnh Phúc. Một thời gian sau là Bí thư thị xã, rồi phụ trách dân vận của tỉnh, rồi giám đốc Sở Tư pháp. Kim Nam cho tôi xem bút tích của cụ nhà. Lá thư bằng văn vần anh nhận được thời gian đang chiến đấu ở chiến trường B2.

Hôm nay nhận được thư con/Khác nào nắng hạn gặp cơn mưa rào/Bao mùa chinh chiến gian lao/Nhưng con đã lớn cùng cao với đời/Mênh mông trái đất vòm trời/Vừa qua mới chỉ bước đời phải đi/Khuyên con giữ chí kiên trì/Ta đi đâu phải chỉ vì mình ta/Tin vui ta viết vài câu/Gửi người đồng chí bấy lâu xa nhà...

“Trước lúc cụ mất có trăng trối hay di chúc gì không?” Anh Kim Nam lắc đầu “Ông cụ tôi gan lắm... Bệnh dạ dày rồi bệnh mật phải mổ đau đớn lắm nhưng cắn răng không rên... Bố tôi mất ở bệnh viện Việt Đức ngày mồng 1 tháng 5 âm lịch tức là ngày 26 tháng 5 dương năm 1979”. Bà Kim Ngọc cười mà như mếu “Buồn cười cho ông lão nhà tôi, đau đớn là thế, sắp mất rồi mà chốc chốc còn gượng hỏi “thế tình hình biên giới yên hàn chưa...” Tôi phải gắt lên rằng ông cứ nằm nghỉ đi, đâu khắc có đó...”.

Lại nhớ thêm lần tôi theo đoàn làm phim Bí thư tỉnh ủy (Biên kịch nhà văn Vân Thảo, Đạo diễn Quốc Trọng, diễn viên Dũng Nhi; Phim 50 tập toàn chiếu vào giờ vàng) đi chạp mộ ông Kim Ngọc có ghé thăm nhà. Đoàn làm phim cũng bộc bạch lại với bà Kim Ngọc rằng có nhiều ý kiến dân cũng như lãnh đạo đề nghị nên chiếu lại bộ phim…

Và nữa, cũng phải chăm chú lắng nghe thêm dư luận lâu nay rằng, không ít những tiếng nói của người dân đề nghị nên phong tặng ông Kim Ngọc danh hiệu Anh hùng Lao động! Ông khoán hộ Kim Ngọc xứng đáng ở vị trí tiên khởi danh hiệu Anh hùng thời đổi mới? Danh hiệu ấy như quá chậm, muộn cho một người mà hàng triệu nông dân nước Việt đã mang ơn?

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.