Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Kỳ vọng sự quyết liệt của Chính phủ kiến tạo

Đại biểu Lê Thanh Vân tỉnh Cà Mau phát biểu tại phiên chất vấn Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ hai. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Lê Thanh Vân tỉnh Cà Mau phát biểu tại phiên chất vấn Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ hai. Ảnh: Như Ý.
TP - Hôm nay (22/5) kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc và sẽ diễn ra trong 22,5 ngày làm việc. Tại kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó dành 14,5 ngày xem xét, thông qua 13 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật. Cùng với đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Trước phiên khai mạc, PV Tiền Phong ghi nhận ý kiến đánh giá của các đại biểu ĐB Quốc hội (QH) và những kỳ vọng, mong muốn gửi tới Chính phủ, QH trong thời gian tới.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): Quan tâm nhiều hơn bức xúc của người dân, doanh nghiệp

Có thể thấy QH và các ĐBQH trong một năm qua đã luôn lắng nghe, thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân. Các hoạt động giám sát tối cao được tăng cường, thậm chí có ĐBQH đã chủ động đi về các “điểm nóng” để nắm bắt tình hình như vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vừa qua. Chính phủ cũng hành động kịp thời trước những vấn đề lớn của đất nước, có những chỉ đạo kịp thời, mạnh mẽ. Một số thành viên Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ của bộ ngành mình…

Song cũng có cử tri còn băn khoăn. Khi lợi ích của người dân không được đặt lên trên hết, phải gánh chịu quá nhiều chi phí vô lý và các loại thuế, khi môi trường dân sinh vẫn còn không ít những hiểm họa… thì việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động vẫn còn khoảng cách nhất định giữa nói và làm.

Quốc hội hay Chính phủ điều hành phải bắt đầu từ phương châm hành động vì dân và bắt đầu bằng sự thấu hiểu. Nếu vẫn còn những quan hệ kiểu “cả nể” nhau thì lợi ích nhóm vẫn còn sinh sôi.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách): Khởi xướng văn hóa từ chức

Tại kỳ họp trước, tôi đã góp ý vào nội dung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, trong đó có 3 nội dung cần chú trọng: Liêm chính kiến tạo phát triển trong xây dựng, ban hành thể chế chính sách đồng bộ; xây dựng, củng cố bộ máy quản lý ở các cấp và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Nhìn lại sau một năm của Chính phủ nhiệm kỳ mới thì thấy đã có những kết quả nhất định. Chính phủ đã có quyết tâm và đã theo hướng giải quyết những vấn đề trên.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách, đặc biệt là chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã chủ trì một hội nghị đối thoại với hàng nghìn doanh nghiệp, lắng nghe họ phản ánh, tiếp thu và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Kênh tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với người dân cũng được mở ra để tiếp nhận thông tin hai chiều. Đây là việc làm rất ý nghĩa, tạo nền tảng thông tin để Chính phủ tiếp thu và xử lý ngay những vấn đề mà người dân và doanh nghiệp nêu ra.

Đối với việc xây dựng, củng cố bộ máy quản lý các cấp, cả Chính phủ và Quốc hội đều có sự vào cuộc quyết liệt. Phương án sáp nhập được triển khai, tạo tiền đề cho việc xây dựng bộ máy Chính phủ gọn nhẹ, chất lượng. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã tổ chức nhiều đợt giám sát tối cao về cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương. Đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, được vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm…

Để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Do vậy, cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo từng hành vi thực thi công vụ, sát hạch định kỳ hàng năm để sàng lọc cán bộ, công chức. Đặc biệt cần khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài. Cùng với đó phải thực hiện cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức. Đồng thời, bảo đảm môi trường liêm chính để những kẻ bất tài, vô hạnh không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền, không dám tham ô, tham nhũng.

ĐBQH Trương Minh Hoàng (Phó Chủ nhiệm ủy ban KHCN&MT): Bước đầu tạo ra sự lan tỏa

Chính phủ nhiệm kỳ mới sau khi kiện toàn đã khởi xướng quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động, có sự chuyển biến rõ nét sau một năm. Sự vào cuộc thực sự của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã lan tỏa xuống nhiều địa phương. Trước nhiều khó khăn lớn như nợ công cao, các dự án nghìn tỷ thua lỗ, Chính phủ đã thắt chặt chi tiêu, cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, đồng thời thúc đẩy kêu gọi đầu tư tăng trưởng… Nhiều vụ án phức tạp cũng được giải quyết rốt ráo, nhiều vụ oan sai được đền bù thỏa đáng, cho thấy cuộc sống của dân đã được quan tâm sát sao hơn, góp phần củng cố niềm tin trong dân.

Mặc dù vậy, hiện chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, vấn đề bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ và nhiều vấn đề gây cản trở sự phát triển. Tuy nhiên chúng ta cũng cần chia sẻ, bởi nếu không có sự quyết liệt, đồng hành của Chính phủ và QH trong thời gian qua thì không thể có được kết quả như hiện nay. Với danh nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội luôn chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/5 tại Nhà Quốc hội. Theo chương trình dự kiến, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày (không kể ngày nghỉ). Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, và 5 dự thảo Nghị quyết, trong đó có nhiều dự luật quan trọng như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng... 

Bên cạnh đó Quốc hội thảo luận và quyết định về các vấn đề quan trọng như  tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội sẽ báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016...

Theo chương trình, trong phiên khai mạc hôm nay (22/5), Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.  Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Quốc hội cũng sẽ nghe các cơ quan chức năng trình về một số dự án luật như: Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật tố cáo (sửa đổi)…

Văn Kiên

MỚI - NÓNG