Lạc rừng ở tỉnh Ánh Trăng

Giống cá sinh sôi nảy nở thoải mái theo suốt dòng suối dưới chân thác Phliu.
Giống cá sinh sôi nảy nở thoải mái theo suốt dòng suối dưới chân thác Phliu.
TP - Khi đang lập kế hoạch đến Thái Lan, Chanthaburi thu hút tôi bởi những danh xưng như “thành phố trái cây”, “thủ phủ đá quý”… Nhưng rút cuộc, chưa cần dùng đến những thế mạnh đó, thành phố Ánh trăng (Chantha là “ánh trăng”, buri  là “tỉnh”) đã đủ hấp dẫn để trở thành một điểm dừng chân gây thương nhớ, nhất là sau buổi tối bị lạc trong rừng ngập mặn.

Chưa mặc cả đã được giảm giá

Đón chúng tôi ở bến xe thành phố là cô lái xe bán tải U60 với nắm lá thơm trong tay. Chúng tôi ngồi trong thùng xe của cô cùng con cá, quả đu đủ… Cô đang trên đường về chuẩn bị bữa tối. Lái xe nữ ở Thái Lan rất phổ biến, Chanthaburi cũng thế.

Việc đầu tiên là ra chợ khám phá ẩm thực địa phương. Tom-yum đúng điệu cay và mặn vẫn ngon song không quá hấp dẫn. Còn chè Thái xịn hóa ra hơi ngấy bởi nhiều đường và nước cốt dừa. Tuy nhiên sự thú vị ở chỗ được hòa mình vào sinh hoạt của người bản địa, ăn đúng những gì họ đang ăn. Người Thái hòa nhã và hiếu khách. Tuy nhiên ở những điểm du lịch đông đúc, không phải ai cũng được như thế. Nhưng ở Chanthaburi, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về điều này.

Chúng tôi ghé vào một hiệu thuốc mua các loại xà phòng và dầu gội thảo dược. Cô bán hàng lớn tuổi dáng vẻ phúc hậu không biết tiếng Anh. Chúng tôi cũng chưa có ý định mặc cả. Nhưng cô cứ nhìn chúng tôi cười rõ tươi rồi tự động giảm giá. Chẳng hạn giá dán trên chai dầu gội là 390, cô chỉ lấy 300 baht (1 baht bằng 700 VND). Trường hợp này đúng là tôi chưa gặp bao giờ và cũng không biết tại sao.

Chúng tôi quyết định chinh phục các thắng cảnh nơi đây bằng xe máy. Thực tế khẳng định đây là lựa chọn đúng. Vì những chỗ cần đến cách thành phố toàn vài chục cây, quá đắt nếu thuê các phương tiện khác. Mặt khác đường rất tốt với hệ thống biển báo phản quang hoàn hảo, chạy đêm vô tư.

Điểm thuê xe ở trung tâm thành phố của một người đàn ông U60 gốc Việt, nói được tiếng Việt, mở cửa từ 8h sáng đến 20h tối. Thuê xe 24h hết 300 baht, đắt gấp đôi Chiang Mai. Ông làm thêm cả nghề buôn đá quý và cho hay hầu hết các loại vòng, lắc bằng đá ở chợ đá quý Chanthaburi đều được nhập từ Myanmar.

Lạc rừng ở tỉnh Ánh Trăng ảnh 1 Nghi lễ buổi sáng trên đường phố Chanthaburi. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

Rừng thiền

Chỉ trong một ngày, chúng tôi kịp đi 3 điểm. Mất khoảng một tiếng đi xe, đã tới vườn quốc gia Phliu. Qua cổng, thay vì chọn con đường rải nhựa rộng thoáng, tôi bị thu hút bởi tấm biển báo một lối đi dành cho những người thích leo trèo (trek). Biển báo vẽ nhiều loại chim thú hấp dẫn nhưng trên đường đi chả gặp con nào.

Nửa đoạn đầu, tôi chuẩn bị hối hận vì leo mệt mà cảnh sắc chả có gì thú vị, cho đến khi gặp tảng đá to bị rễ cây bao bọc. Không gian mở ra một lòng suối cạn chỉ còn lại đá. Những tảng đá to bằng cả gian nhà. Ngồi trên đó ngước mắt nhìn vòm lá thưa không che nổi trời xanh. Những chiếc lá nhạt màu quá nhỏ và mỏng để rơi, nên cứ bay ngang ngang. Nếu người Nhật Bản phải đổ tâm trí làm nên những khu vườn thiền thì nơi đây, chúng tôi lạc vào cả một rừng thiền của thiên nhiên.  

Cứ thuận theo dòng nước chảy mà đi, vẫy gọi phía xa là chỗ vách đá rực lên vì nắng. Đi thêm vài bước nữa, chúng tôi ồ lên vì cảnh trí mở ra trước mắt. Một phần của thác Phliu buông xuống sau vòm lá, tạo thành bức rèm nước cho những vỉa đá lóng lánh phía sau. Không thể nghĩ rằng chỉ cách đó mấy trăm mét thôi, chân thác được be đắp thành lối đi với cả trăm người vãn cảnh, lặn ngụp và ngâm chân.

Phải ngâm chân là vì dòng suối từ chân thác chảy trong phạm vi vườn quốc gia đen đặc những cá. Những con cá to bằng bắp tay ve vẩy bộ vây một cách nhàn nhã (theo quy định ở đây, chả ai dám động đến cái vẩy của chúng). Nhưng chỉ cần thả một chiếc lá khô xuống xem, cả đàn xông vào cắn xé nhiệt tình. Nhưng thả chân xuống lại được chúng massage. Tất nhiên là nước thì trong vắt.

Du khách trước khi bước vào khu du lịch của vườn quốc gia đều phải để đồ ăn thức uống ở ngoài. Không hiểu sao lúc chúng tôi đến, không một ai đi theo con đường bộ này trong khi nó hoàn toàn dễ đi, mất chưa đầy tiếng là xong. Có những đường trek hùng vĩ như Doi Inthanon (đỉnh núi cao nhất xứ Thái) nhưng đi cứ phải rảo chân vì hàng đoàn người thúc sau lưng. Vì thế càng thêm quý những giây phút được độc chiếm Phliu.

Trưa hôm đó, chúng tôi quay về Nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh ở trung tâm thành phố để… ăn. Nhân ngày lễ nên một hội chợ đồ ăn vặt diễn ra ở đây. Cạnh đó, người dân xếp thành hàng dài để bốc thăm chơi trò trúng rất nhiều quà tặng từ chiếc khăn mặt cho đến quạt, xe đạp, tủ lạnh…

Nhà thờ do cộng đồng người Việt di cư đến đây từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh xây dựng cách đây đúng 111 năm. Vòm thánh đường thiết kế mô phỏng lòng thuyền bằng gỗ để tưởng nhớ chuyến vượt biển. Đây là nhà thờ Thiên Chúa lớn nhất Thái Lan, nổi tiếng với tượng Đức Mẹ khảm đá quý tinh xảo.

Lạc rừng ở tỉnh Ánh Trăng ảnh 2 Tượng Đức Mẹ dát ngọc quý.

Vị cứu tinh

Buổi chiều lên đường ra biển, chắc mẩm sẽ sớm được giỡn sóng và phơi nắng. Ai ngờ đến Hat Chao Lao, gặp bãi biển dài hàng cây số với cát pha bùn xám xịt. May mà đi thêm chút nữa cũng gặp cát trắng ngà và mịn. Định bụng dấn thêm chút nữa tới trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Ao Kung Kraben rồi quay về tắm biển. Nhưng hóa đó là điều không thể, vì rừng ngập mặn hóa ra có nhiều thứ hấp dẫn hơn.

Khu rừng ở ngay bên đường cái với những cây đước thuộc loại cổ thụ. Tôi thoải mái leo trèo trên bộ rễ vòng cung cắm chắc xuống bùn. Không thể dùng tay mà lung lay chúng được, chúng cứng như… sắt. Nói chung là lạc vào một thế giới thực vật hoàn toàn khác so với những gì mà người trên bờ có thể hình dung ra.

Du khách thăm rừng theo những con đường lát gỗ cao chừng 1m. Chúng tôi tới được điểm ngắm cảnh trên đỉnh tháp cao độ hơn chục mét làm hoàn toàn bằng gỗ đúng lúc mặt trời lặn. Vượt lên trên những tán cây để có một cảnh hoàng hôn khoáng hoạt giữa mênh mông trời nước. Cảm giác thật đáng giá. Nhưng rồi mặt trời lặn xuống nhanh chóng và khi mò ra được khỏi khu rừng thì chúng tôi nhận ra mình đang ở… đâu đó.

Vừa tự lần mò chúng tôi vừa vẫy bất cứ chiếc xe máy nào đi qua con đường mòn xẩm tối. Người phụ nữ chở theo hai đứa trẻ dừng lại, nhiệt tình chỉ đường… bằng tiếng Thái. Chúng tôi đành cười tươi cảm ơn đi đại theo hướng chị chỉ. Lúc đó tôi đã thấy chị nói gì với đứa bé chỉ khoảng 3-4 tuổi ngồi phía trước. Phải chăng chị bảo con xuống xe để quay lại dẫn đường cho bọn tôi? Nhưng ai lại thả đứa trẻ xuống giữa đường vắng lúc tối trời bao giờ. Thôi thì đường ai nấy đi...

Ai dè lát sau, chị rà xe tới thật, hẳn là sau khi đã đưa con về nhà. Không chỉ đường mà chị ra hiệu cho chúng tôi lên xe, chị đèo đến tận cổng trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn. Trời lúc đó tối mịt. Chiếc xe máy chúng tôi đi thuê vẫn ở đó.

Nói chung Thái Lan không có khái niệm trông xe. Bạn chỉ việc đậu phương tiện của mình đúng nơi quy định rồi muốn đi đâu thì đi. Và toàn bộ khu bảo tồn rừng khi chúng tôi đến chỉ thấy du khách, không một bóng nhân viên. Chính vì thế mà không ai nhắc nhở chúng tôi về giờ đóng cửa rừng.

Phải nói là khi đó chúng tôi rất xúc động, chỉ biết chắp tay cảm ơn người phụ nữ Thái Lan. Dĩ nhiên nếu không có chị, chúng tôi vẫn có thể mò mẫm bằng bản đồ trên điện thoại. Nhưng ngay cả có mò được, chắc chắn cũng phải rất lâu mới đến nơi. Vả lại vấn đề không chỉ ở chỗ tìm được đường ra, mà là tình người nơi đất khách khiến chúng tôi thực sự cảm thấy ấm lòng.

Ngồi trên đó ngước mắt nhìn vòm lá thưa không che nổi trời xanh. Những chiếc lá nhạt màu quá nhỏ và mỏng để rơi, nên cứ bay ngang ngang. Nếu người Nhật Bản phải đổ tâm trí làm nên những khu vườn thiền thì nơi đây, chúng tôi lạc vào cả một rừng thiền của thiên nhiên.

MỚI - NÓNG