Lại lo rớt sông vì cầu tạm mùa lũ

Cầu 1C Bình Sơn, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo
Cầu 1C Bình Sơn, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo
TP - Nhiều chiếc cầu tạm bợ, chênh vênh bắc qua sông, suối ở các thôn buôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk cứ tới mùa mưa là thành nỗi ám ảnh kinh hồn.  Phần lớn các cầu này do người dân tự đóng góp xây dựng, tới khi đã xuống cấp hỏng nặng vẫn chưa được tu sửa, tiềm ẩn nguy cơ hiểm nguy đến tính mạng.

Ám ảnh cầu tạm

Cầu tạm bằng gỗ bắc qua suối Ea H’leo ở thôn 2B, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo do dân tự đóng góp xây dựng từ năm 2013. Tháng 8/2016 cơn mưa lớn kéo dài đã cuốn trôi cây cầu chỉ còn lại mố cầu, cô lập 100 hộ dân, họ phải dùng dây cáp để vận chuyển lương thực. Ông Lê Trọng Trinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea H’leo cho biết: “Sau sự cố cầu bị cuốn trôi, xã đã phối hợp với thôn tổ chức họp dân, huy động người dân đóng góp được 50 triệu đồng và tham gia ngày công. Tỉnh và huyện cũng phân bổ kinh phí, dự kiến khoảng 100 triệu đồng để làm lại cầu. Cầu thôn 2B đã được huyện đăng ký vào danh mục cầu dân sinh thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) sẽ được khởi công trong tương lai gần. Huyện Ea H’leo hiện có tới 46 cầu dân sinh tạm bợ, xuống cấp, nguy cơ bị sập, cuốn trôi rất cao”.

Về thôn 1C Bình Sơn, xã Ea Wy cùng huyện này, đi qua cây cầu gỗ bắc qua suối Bình Sơn, ai cũng sợ rợn gáy vì đánh cược mạng sống với tử thần. Mặt cầu là những tấm gỗ được ghép lại với nhau một cách tạm bợ, hai bên néo vào hai trụ đá. Mỗi lần mưa lớn, chiếc cầu lại bị nhấn chìm bởi dòng nước đục ngầu cuồn cuộn. Vậy nhưng chiếc cầu mỏng manh xiêu vẹo này vẫn là lối đi cho người dân và học sinh thôn 1C Bình Sơn mấy năm nay.

Bà Nông Thị Hán (50 tuổi) chia sẻ: Hằng ngày hơn 50 em học sinh là người đồng bào Tày, Nùng ở đây vẫn phải liều mình qua cầu để đến lớp. Mỗi lần con đi học, bố mẹ lại phập phồng lo sợ con mình không may sẩy chân rơi xuống suối, mãi đến khi con về tới nhà mới yên tâm. Khi trời mưa lớn các con phải nghỉ học, vì nước dữ không thể qua cầu được.

Hàng trăm cây cầu chờ xây mới

Sau cơn mưa chiều, trời hửng nắng, chúng tôi cùng anh cán bộ phòng kinh tế hạ tầng huyện Buôn Đôn đến cầu thôn 16, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. Cây cầu này trước đây rách nát, từng là nỗi ám ảnh đáng sợ gần 40 năm, gần đây đã được xây kiên cố vững chắc.

Chị Cầm Thị Nguyên (41 tuổi) đang làm rẫy gần cầu cho biết: “Tại thôn 16 cánh đồng lúa của xã rộng trên 200 ha, mấy chục năm rồi mỗi lần qua cầu bà con phải nín thở, có người trượt chân rơi xuống suối may mắn cứu lên được. Từ khi cầu được làm kiên cố người dân mừng lắm, mấy đứa nhỏ đi học cũng bớt nguy hiểm hơn”.

Em Nguyễn Thị Vui (lớp 7, trường THCS Trần Quang Diệu) kể: Nhờ có cầu mới, em và các bạn không còn hoảng sợ mỗi lần qua cầu, không phải đi sớm, có nhiều thời gian để ôn bài. Bố mẹ cũng yên tâm hơn.

Cầu gỗ dân sinh thôn 16, xã Ea Bar (còn gọi cầu ông Lù) bắc qua suối Ea King được dân tự làm từ năm 1977, phục vụ cho việc đi lại sản xuất của 5 thôn và học sinh đi học qua con đường chính ra xã Ea Bar. Cầu ghép bằng gỗ không có lan can, dài khoảng 16m, ngang 4m. Qua năm tháng chiếc cầu dần mục nát, trận mưa lớn đầu tháng 8/2015 đẩy trôi mặt cầu, bẻ gãy trụ gỗ khiến hơn 100 hộ dân thôn 16 gian nan đi lại. “Sau sự cố trôi cầu, chờ tới đầu năm nay, huyện mới được phân bổ 500 triệu đồng từ nguồn vốn phòng chống thiên tai của tỉnh để sửa lại cây cầu thôn 16. Đợt này huyện đang đề xuất gia cố, nâng cấp 14 cây cầu nữa!”- ông Nguyễn Duy Hoài, Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Buôn Đôn cho biết.

Mới đây, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành rà soát các cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP (đợt 2) tại thị xã Buôn Hồ và các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Pắk, Ea Kar, Ea H’leo… Kết quả cho thấy các cầu đều có kết cấu tạm bợ, chủ yếu được làm bằng gỗ tạp, thấp hơn mặt đường, hằng năm thường bị ngập nước khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Chỉ riêng một huyện Ea Kar đã có tới 44 cầu dân sinh, cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng…

Tháng 3/2016, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP). Theo đó, tỉnh Đắk Lắk được xây dựng 122 cầu kinh phí 193 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB), ngân sách Trung ương và địa phương. Qua rà soát, Đắk Lắk được chấp thuận xây dựng 96 cầu, tổng mức đầu tư khoảng 177 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".