Dọc miền chân sóng - Kỳ 1:

Lại về Ngư Thủy

Những con thuyền gác bờ lâu ngày, ngư dân phải tha hương kiếm sống.
Những con thuyền gác bờ lâu ngày, ngư dân phải tha hương kiếm sống.
TP - “Bãi ngang” - cụm từ chỉ những làng, xã nằm ven biển nhưng không có sông, lạch chảy qua. Bao đời nay, cư dân bãi ngang sống bằng nghề biển nhưng ngư cụ đánh bắt của họ thường gần bờ và vẫn thô sơ như muôn năm cũ, bằng những thúng, mũng, bơ nan… Cuộc sống của họ vốn khó khăn so với những vùng biển có cửa lạch, nay thêm bội phần vất vả khi ngư trường truyền thống của họ chưa biết đến bao giờ bình yên trở lại.

Những cô gái Ngư Thủy năm xưa

Lừng lẫy, anh hùng trong chiến tranh là vậy, nhưng thời bình Ngư Thủy vẫn ì ạch, nghèo khó. Để Ngư Thủy phát triển, tỉnh Quảng Bình đã quyết định chia thành 3 xã: Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Bắc. Chia nhỏ để dễ quản, nhưng hình như phép chia ấy vẫn chưa thể tìm ra hướng mở, vì cái khó của hai chữ “bãi ngang”.

Trong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi đi dọc những triền cát tìm về nhà của “Những cô gái Ngư Thủy” năm xưa. Thời gian,  nghèo khó… đã làm những con người một thời lừng lẫy, nay bệnh tật, tiều tụy. Bà Nguyễn Thị Tuất (75 tuổi), một mình, ngồi bệt dưới nền trong ngôi nhà cấp 4 trống hoác. Tuổi thanh xuân của bà hiến dâng cho cuộc kháng chiến vĩ đại mà “quên” mất việc lấy chồng. Hòa bình, không chồng, không con bà thui thủi một mình với bao khó khăn chồng chất.

Ở cái làng biển này, đa số phụ nữ sống dựa vào chồng con lặn lội kiếm ăn ngoài biển. Bà Tuất một mình chỉ biết trông cậy vào bà con chòm xóm. Cái ăn của bà nhờ vào diện trợ cấp người tàn tật, còn bà con làng xóm thay nhau giúp bà nấu cơm nước.“Mấy chú lại về Ngư Thủy đó à? Lâu rồi o không đi ra ngoài được, nhưng nghe bà con nói thì biết dân làng rất khó khăn do cá chết. Cũng lâu rồi không ai đến cho o cá, họ nói cá chết hết không đi biển được. Nghe rứa là biết dân làng khó lắm rồi” - bà Tuất nói.

Cạnh nhà bà Tuất là nhà bà Trần Thị Sô (72 tuổi), cũng là một trong những cựu pháo binh Ngư Thủy năm xưa. May mắn hơn nhiều đồng đội, bà Sô có chồng và 2 con trai nhưng cuộc sống cũng không khá hơn là mấy. Hai con của bà đã lập gia đình, vì cuộc sống khó khăn ở quê nhà họ phải vào miền Nam kiếm sống. “Hai đứa đưa cả gia đình vô miền Nam ở hẳn. Làm thuê, làm mướn nên cuộc sống cũng chỉ đắp đổi qua ngày, không giúp gì được cho cha mẹ ở nhà. Vợ chồng o sống được là nhờ bà con làng xóm” - bà Sô tâm sự.

Lại về Ngư Thủy ảnh 1

Vợ chồng bà Sô kể về cuộc sống của mình.

Chồng bà Sô năm nay cũng trên 70 tuổi, lại bệnh tật nên đã lâu ông không ra biển đánh cá được. Hai vợ chồng bà không lương hưu, không trợ cấp, không ruộng vườn, cuộc sống dựa vào con cá, con tôm của làng xóm sau mỗi chuyến đi biển về. Thường ngày, gà vừa gáy, bà Sô xách giỏ ra đứng ở bến cá của làng, biết hoàn cảnh của bà, ai cũng tự nguyện góp vài con cá, con tôm. Ngày ít thì đủ làm thức ăn, hay phơi khô để dành; ngày nhiều bà Sô mang ra chợ bán kiếm tiền mua gạo.

Bà Sô buồn rầu nói: “Từ bữa cá chết đến chừ, vì đói nên nhiều nhà đánh liều ra biển bắt cá. Họ cũng cho o đó nhưng chỉ để ăn, còn bán thì không ai mua. May có gạo trợ cấp của Chính phủ, không thì vợ chồng o không biết lấy tiền mô mà mua gạo. Nghe nói cá nhiễm độc chi đó, sợ, nhưng vợ chồng o có sự lựa chọn mô khác”? Ở làng biển mà không ăn cá thì biết ăn chi đây. Mình già rồi răng cũng được, nhưng lại sợ cho mấy đứa trẻ, ăn cá rồi, về lâu dài không biết có can chi không?”.

Bà Sô cho biết, gần cả trăm nữ pháo binh Ngư Thủy năm xưa giờ ở rải rác  3 xã, người mất, người còn nhưng cuộc sống gia đình ai cũng chung chữ khó khăn. Hầu hết mọi người sống bám vào biển, không đi biển được như đàn ông, thì các bà ở nhà buôn bán cá, chế biến cá, hay làm các loại mắm ruốc. “Làm nước mắm nổi tiếng như o Phường, nhưng chừ thì chum vại chi cũng đều lật úp cả rồi. Cá chết, nước mắm cũng không ai mua?” - bà Sô day dứt.

Tha hương kiếm sống

Mặc dù thời điểm này đang vào chính vụ đánh bắt của ngư dân bãi ngang, nhưng bờ biển của Ngư Thủy Nam vắng lặng. Những chiếc thuyền nan nằm trơ trọi trên bờ cát, không một bóng người. Nếu trước đây ai đã từng về Ngư Thủy vào những sáng sớm mùa hè giờ mới cảm nhận hết sự ảm đạm. Còn đâu tiếng hò kéo thuyền lên bến, còn đâu tiếng vợ gọi chồng, con gọi cha vào mỗi rạng đông nơi bến cá.

Lại về Ngư Thủy ảnh 2

Khi chợ của Ngư Thủy Nam vắng bóng người mua bán.

Ngư dân Trần Đức Nghĩa ở xã Ngư Thủy Nam buồn bã: Sau 3 tháng đợi tìm nguyên nhân, cha con ông cùng các ngư dân trong thôn bắt đầu đi biển trở lại nhưng tâm trạng ai cũng buồn khi biết đích xác biển đã bị nhiễm độc. Thực tế, từ 3 tháng lại đây, hải sản ở tầng đáy gần bờ đã không còn nữa. 

Ông lo lắng cậu con trai Trần Đức Sơn vừa ở độ tuổi 20, đã dần quen việc biển, rồi đây có còn sống được bằng nghề của cha ông? Ở thôn Liêm Bắc quê ông, đã có khoảng 40% ngư dân rời quê vào Nam làm ăn, kể từ ngày biển không còn là sinh kế. Không ít những người phụ nữ cũng phải tha hương kiếm sống.
  

Gặp hai em Trần Thị Thơm và Lê Thị Hòa (lớp 7) ngồi trên bờ cát ngóng ra biển, hỏi chuyện mới biết, hai em ra đây để ngóng cha đang lênh đênh trên biển và cũng là để vơi đi nỗi nhớ mẹ đang xa nhà. Từ ngày biển bị ô nhiễm, không còn việc làm, mẹ của hai em đã phải khăn gói rời làng vào miền Nam làm thuê kiếm sống.

Lại về Ngư Thủy ảnh 3

Hai em Hòa và Thơm ra bờ biển ngóng cha và để vơi đi nỗi nhớ mẹ đang xa nhà.

Trước đây, sau một đêm ra biển trở về, cha của các em cũng đánh bắt được gần 10 kg cá các loại. Cứ sáng sớm, khi con thuyền nhỏ của cha cập bờ, mẹ các em đón ở bến và mang số cá đó về chợ Đồng Hới để bán. Cá vùng bãi ngang thường tươi, ngon nên dân thành phố rất thích, chỉ cần mang đến chợ là có tiền trăm, tiền triệu mang về. Đã hơn 3 tháng qua, cha không đi biển được, mẹ đành rời xa các con chỉ vì cuộc mưu sinh. “Mọi bữa mẹ ở nhà bán cá, giờ không còn cá để bán, mẹ phải vào miền Nam làm kiếm tiền nuôi gia đình, đóng học phí cho em. Nếu cá không nhiễm độc thì có mẹ ở nhà chăm sóc tốt hơn, em đỡ nhớ mẹ hơn” - Thơm ngậm ngùi.

Ông Trần Thanh Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam cho biết: Khi chưa xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, người dân Ngư Thủy Nam mặc dù không giàu có lắm nhưng cũng không đến nỗi thiếu ăn. Chỉ cần có sức khỏe, ra được biển là có cá mang về, thứ ăn, thứ bán, mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào con cá. Nhưng nay,  cá có đánh được bán cũng không ai mua.

Theo ông Lâm, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng người dân Ngư Thủy Nam đã rời làng đi vào Nam làm ăn khá đông. Ngoài ra, còn có gần 100 hộ khăn gói lên vùng Khe Sanh, Hướng Hóa (Quảng Trị), người thì làm thuê, người thì mua lại đất trồng cà phê. Dân biển, không quen với việc nông trang, nên thu nhập cũng thất bát.

Ông Lâm cho biết, nguyên nhân cá chết đã rõ, nhưng với tình trạng này ngư dân còn lâu mới có thể trở lại nghề biển bình thường như trước. Bao nhiêu kế hoạch, dự định cho việc về đích nông thôn mới của địa phương gần như đổ vỡ. Hộ nghèo tăng nhanh đột biến, nhưng chính quyền vẫn đang lúng túng chưa tìm ra giải pháp nào hữu hiệu để ổn định đời sống cho người dân.

            _____________

(Còn nữa)

Xã Ngư Thủy, thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nổi tiếng một thời không chỉ trong nước mà nhiều nước trên thế giới. Chiến tranh chống Mỹ, Ngư Thủy có một đại đội pháo binh toàn những nữ ngư dân, nhưng họ đã dũng cảm, mưu trí bắn tan xác nhiều tàu chiến, máy bay giặc.

Ông Trần Thanh Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam cho biết: Khi chưa xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, người dân Ngư Thủy Nam mặc dù không giàu có lắm nhưng cũng không đến nỗi thiếu ăn. Chỉ cần có sức khỏe, ra được biển là có cá mang về, thứ ăn, thứ bán, mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào con cá. Nhưng nay, cá tầng đáy chết sạch, còn cá vùng nước mặt cũng thưa thớt, có đánh được bán cũng không ai mua.

MỚI - NÓNG