Làm báo… thuê

Một khúc sông Xê - Xan.
Một khúc sông Xê - Xan.
TP - Lúc bấy giờ cả hai thằng mới tỉnh người: Chết thật! Chỉ có 500.000đ mà liều cả mạng sống của mình để đột nhập kho hàng lậu cho một phóng sự, liệu có đáng?

Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 15 năm vào năm 2002, có lần Cty Đường Quảng Ngãi “thuê” tôi và nhà báo Trần Đăng đi Lao Bảo để viết báo về chuyện đường nhập lậu tràn lan ở cửa khẩu này. Khi đường Thái Lan không thuế tràn qua Việt Nam, thì dĩ nhiên là “nồi cơm” của các Cty đường trong nước, đặc biệt là của Cty đường Quảng Ngãi, bị sứt mẻ nghiêm trọng. Vì thế, rất cần những bài báo “hot” tố cáo nạn buôn lậu đường xuyên biên giới này. Với tố chất của người làm thuê, chúng tôi hớn hở lên đường, cũng không hỏi nếu thực hiện phi vụ này thành công mỗi đứa “làm thuê” sẽ được trả công bao nhiêu. Cứ đi cứ đi hy vọng trời sẽ xanh thêm.

Mà trời Lao Bảo xanh thật, đúng như câu thơ của Tế Hanh: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”. Chúng tôi được anh Quí, một “yếu nhân” của Cty đường Quảng Ngãi đích thân đưa đi. Tới Lao Bảo, sau khi kết nối chúng tôi với một nhân vật rất đặc biệt ở cửa khẩu này, anh Quí để chúng tôi tự động ứng phó. Nhân vật đặc biệt này là anh Hóa, cán bộ hải quan cửa khẩu Lao Bảo. Mới gặp nhau, anh Hóa đã tỏ ra là một anh chàng rất tươi vui. Anh trổ tài “nói lái” trước chúng tôi. Anh Hóa nói lái siêu thật, anh có thể “lái đôi” rồi “lái ba” có khi anh nói lái tới…bốn lần, khiến các em gái nếu nghe được chắc cũng…bấn luôn. Bái phục. Khi chúng tôi đề nghị anh giúp đỡ để qua đất Lào, anh Hóa OK ngay. Anh đưa chúng tôi “vượt biên” một cách nhẹ nhàng, không cần giấy tờ, và sang chợ Lào bên kia biên giới để…ăn xôi. Xôi Lào dẻo và thơm, bỏ vào những cái “níp” rất đẹp, ăn là mê luôn. Nhưng nhiệm vụ chúng tôi không phải sang Lào để…ăn xôi, mà để đột nhập vào kho hàng lậu Đào Hương khét tiếng. Nhân vật Đào Hương này rất đình đám, rất có uy lực. Nghe nói, khi chợ Pắc Xế bị cháy, Miss Dao Huong đã bỏ ra cỡ 15 triệu USD để xây chợ mới, và trở thành một ân nhân của người Lào. Nhưng cái kho hàng mà chúng tôi muốn đột nhập vào là kho hàng…lậu. Trong các mặt hàng chất chứa ở kho này, thì nhiều nhất là thuốc lá và đường cát trắng, hai mặt hàng đang bán rất chạy tại Việt Nam thời điểm đó. Thực ra tôi rất ít ăn đường, còn thuốc lá thì không bao giờ hút. Nhưng đã là phận làm thuê, thì nếu việc người ta thuê cũng ích nước lợi dân, thì cứ làm thôi. Thế là tôi kêu một chiếc xe ôm, do một anh trung niên người Lào chở, đi thẳng tới kho hàng Đào Hương. Khoảng 5 km đi trong đất Lào. Dọc đường, tôi trò chuyện rất vui vẻ với anh xe ôm, vì anh này nói sõi tiếng Việt. Một cuốc xe ôm chạy hơn 5 km như thế, anh xe ôm người Lào chỉ xin tôi 5 nghìn VND. Tôi xót ruột quá, biếu luôn anh 50 nghìn, nhưng đề nghị anh chở tôi vào thẳng khu nhà kho. Vào trong sân kho, tôi tươi cười vẫy tay chào các anh hải quan, biên phòng, công an người Lào đang gác kho, và đưa máy ảnh nhờ anh xe ôm bấm hộ mấy kiểu. Tôi mang ba lô, như một khách du lịch bụi, đứng ở tiền cảnh cốt để lấy hậu cảnh là cái…kho hàng. Xong tôi lững thững ra mé bờ sông Xê-Xan. Nhìn xuống sông, thấy cơ man nào là thuyền chở…hàng lậu đang chờ xuất phát. Sông Xê-Xan chảy xuôi về…Lào, còn đoàn thuyền chở hàng lậu thì ngược về…Việt Nam, nơi “Biển Đông sóng vỗ dạt dào”. Tôi vội lấy máy ảnh chụp mấy kiểu, thì lập tức, các anh biên phòng hay công an Lào ra chặn lại ngay. Tôi rất vui vẻ nói với các anh: “Anh là bộ đội Trường Sơn cũ, ngày xưa anh vượt sông Xê-Xan ở đúng bến sông này, giờ anh muốn ghi lại hình ảnh con sông để làm kỷ niệm”. Mấy anh chiến sĩ Lào nghe tôi nói rất ấm áp nên tuyệt đối không hỏi thêm gì nữa. Tôi trở lại sân kho, kêu anh xe ôm, nhảy lên xe và đưa tay vẫy chào các anh giữ kho một cách vô cùng thân thiết. Xe ôm lao vun vút trên đường Lào, chợt nhớ bài hát ngày chống Mỹ “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” có câu “Những người chiến sĩ yêu nước Lào” mà chúng tôi thuở ấy hay hát là “Những người chiến sĩ yêu nước…nào” (hát ngọng). Nhà báo Trần Đăng cũng đi lộ trình như tôi, nhưng máy ảnh của anh bị các chiến sĩ yêu nước…nào tịch thu, họ lấy và hủy phim, xong trả lại máy ảnh cho Trần Đăng rất đàng hoàng. Biết chuyện, tôi càng tự khen tài…láu cá của mình, nhờ khéo mồm khéo miệng mà giữ nguyên được cuộn phim chụp những cảnh rất có giá trị đối với một phóng sự “không phải dạng vừa” như thế. Về gần tới nhà ở Quảng Ngãi, anh Quí “yếu nhân” Cty đường dúi vào tay hai thằng tôi hai cái phong bì, mỗi phong bì có 500.000đ (một “con ba ba mùa xuân” theo cách nói của chúng tôi). Lúc bấy giờ cả hai thằng mới tỉnh người: chết thật! Chỉ có 500.000đ mà liều cả mạng sống của mình để đột nhập kho hàng lậu cho một phóng sự, liệu có đáng? Nhưng đằng nào cũng xong rồi, mình cũng đã thoát rồi, tư liệu và cả ảnh đã có rồi, coi như mình vừa đi “phượt mạo hiểm” một chuyến chơi, thế thôi. Về nhà, tôi và Trần Đăng lại bò ra viết phóng sự. Trần Đăng in ở báo Lao Động, còn tôi in ở báo Thanh Niên. Sau hai phóng sự đó, tỉnh Quảng Trị đã mở “chiến dịch” truy quét hàng lậu qua đường sông Xê-Xan. Chúng tôi đã có thể kể công với Cty đường Quảng Ngãi là “nhiệm vụ làm thuê” đã hoàn thành xuất sắc. Chả thấy Cty đường Quảng Ngãi nói gì, coi như “hợp đồng” đã “hoàn thành tốt đẹp”. May quá, báo Thanh Niên trả nhuận bút phóng sự ấy của tôi được 1 triệu đồng. Anh em hể hả uống bia. Sau Trần Đăng nghe anh em báo chí Quảng Trị nói, “hai ông đúng là vào…hang hùm. May mà không sao”. Làm thuê khổ như thế, làm báo thuê cũng khổ như thế, chứ không phải như ai đó nói…

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.