Làm gì với loa phường? - Kỳ 6: Tiếng ồn cần giám sát

Loa phường trên phố cổ Đinh Liệt. Ảnh: Như Ý.
Loa phường trên phố cổ Đinh Liệt. Ảnh: Như Ý.
TP - Doãn Chí Nghĩa là cái tên hàng đầu được nhắc tới khi các chương trình hòa nhạc lớn cần một đạo diễn âm thanh. Anh là một trong những chuyên gia hiếm hoi của Việt Nam được đào tạo đúng ngành này tại Đức. Anh thường xuyên làm việc khuya nhưng sáng sớm vẫn phải dậy nghe hết chương trình loa phường rồi mới đi ngủ tiếp. Hơn ai hết, anh có nhiều chia sẻ về loại hình phát thanh này.

Anh nghĩ sao về chủ trương giữ hệ thống loa phường có điều chỉnh cho hợp lý hơn?

Đài phường dùng loại loa đó để tập trung và phóng âm thanh giọng nói ra tương đối xa. Gọi là loa nén là vì thế. Ai ở gần đúng hướng loa chĩa vào thì không thể chịu được. Trong khi người đứng ngay phía dưới chân loa thì nghe lại hầu như không rõ. Những người muốn giữ loa đưa ra mục đích liên quan đến quốc phòng an ninh không phải không có lý. Nhưng nếu chỉ sử dụng cho mục đích ấy thì tránh phát nhạc, phát những thông tin mà người dân có thể tiếp cận trên rất nhiều kênh rồi.

Và người ta phải điều chỉnh bố trí loa và hướng loa tránh gây ảnh hưởng đến dân. Nếu âm thanh không mang lại thông tin hoặc thông tin vô bổ thì thành một dạng ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng về lâu dài sức khỏe của chính người dân. Nếu nói phải giữ loa phường để truyền tải thông tin thì hơi vô lý, đặc biệt với thành phố. Thậm chí làng xã giờ cũng có internet, truyền hình 24/24h rồi.

Anh nhận xét gì về việc bố trí loa phường ở Hà Nội?

Nếu loa phường được sử dụng đúng - có quy hoạch, bố trí đúng theo công năng của loa- ngay từ đầu thì không đến nỗi ảnh hưởng tới mọi người như thế. Nhưng thiết kế tổng thể đó tôi nghĩ cũng thiếu, nghĩa là người ta treo một cách rất vô tội vạ, thành phản tác dụng. Với những loại loa đấy, nhà sản xuất chỉ định, điểm nghe gần nhất để có thể tiếp nhận được thông tin mà không gây cảm giác khó chịu là trên 8m. Thực tế trong nhiều ngõ phố ở Hà Nội, loa phường cách nhà dân dưới 1m.

Làm gì với loa phường? - Kỳ 6: Tiếng ồn cần giám sát ảnh 1

Đạo diễn âm thanh Doãn Chí Nghĩa.

Nếu âm lượng loa phường vượt chuẩn quy định, nó có nên bị phạt?

“Loa phường hiện tại có hiện tượng lạm dụng, sử dụng sai mục đích gây phản ứng cũng đúng thôi. Nếu chỉ sử dụng loa phường cho mục đích an ninh quốc phòng thì tốt. Nhưng khi đó, chi phí tăng tương đối lớn vì liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng hệ thống liên tục. Nếu không, đến lúc mang ra sử dụng nó lại hỏng mất”. 

Đạo diễn âm thanh Doãn Chí Nghĩa

Việt Nam có tiêu chuẩn tiếng ồn nhưng lại không có cơ quan, chế tài nào để giám sát, xử lý hành vi vi phạm. Tiêu chuẩn đặt ra gần như để cho có, cho giống với quốc tế. Tôi có anh bạn chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống tiêu âm, tán âm, cách âm cho sân bay ở Pháp. Hằng ngày nhân viên của anh phải đi đo độ ồn của sân bay Charles de Gaulle. Nếu độ ồn vượt mức cho phép mà người của chính phủ đi đo phát hiện được trong một chu kỳ nào đấy thì công ty của anh sẽ bị phạt. Thậm chí, nếu đến ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe người dân, người ta có thể kiện để anh đi tù.

Loại âm thanh không mang lại thông tin có ích cho người nghe thì đó là tiếng ồn. Nhưng những người bảo vệ loa phường có thể sẽ phản ứng rằng, thông tin về giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêm phòng chó dại… sao lại không có ích được. Thực tế: thông tin hữu ích là thông tin người ta cần nghe và hướng sự chú ý vào đấy. Nếu thông tin đó người ta đã tiếp nhận ở đâu đấy hoặc không quan tâm thì coi như nó không có ích. Chẳng hạn, người di chuyển trên đường chẳng để ý cái gì cứ văng vẳng trên loa, chúng thành những thông tin âm thanh không có ích, đồng nghĩa với ồn. Một ví dụ dễ hiểu là trong những buổi hòa nhạc ngoài trời, người trong vùng giới hạn âm thanh nghe nhạc rất sung sướng, phấn khích. Nhưng khi âm thanh không rào cản phát tán ra xung quanh thì dân cư gần đấy lại phàn nàn vì âm thanh đó với người ta là tiếng ồn.

Nhà anh cách loa phường bao xa?

Khoảng 5-6m, đúng ngoài cửa sổ. Tôi lại mắc bệnh nghề nghiệp, bình thường tĩnh không sao, có tiếng động gì đấy lập tức thành phản xạ lắng nghe. Tiếng gì văng vẳng càng nghe không rõ, thần kinh lại càng tập trung vào. Mệt là vì thế. Mà cũng không biết phản ánh thế nào với những người phụ trách loa phường. Họ chả có lỗi gì, chỉ làm đúng nhiệm vụ được trả lương.

Như báo chí đã đưa, một số phường ở Hà Nội đã lắp loa không dây nhưng lại phát ra tiếng rú như còi ô tô, khiến người dân bức xúc. Anh có thể lý giải hiện tượng này?

Đấy chính là biểu hiện lỗi vận hành. Vì loại loa này chỉ nhận được tín hiệu trong bán kính nhất định, ngoài vùng phủ sóng hoặc ảnh hưởng thời tiết sẽ phát ra tiếng rú. Do hiện tượng âm thanh phát ra quay ngược lại micro.

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ mới đây trả lời báo Tiền Phong có nói về ý tưởng đưa nhiều loa nhỏ giống như máy ga-len thời xưa, gắn trong nhà dân để phát đài phường và tiếp âm đài Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Kỷ khẳng định ý tưởng này thiết thực mà lại rẻ. Anh thấy sao?

Tôi thấy không khả thi lắm vì như thế ảnh hưởng đến sự riêng tư của từng gia đình. Để người dân chấp nhận đưa loa vào nhà đã khó, ai biết thiết bị đấy là thiết bị gì?! Ví dụ người ta cho lắp nhưng không muốn nghe, lại tắt đi hoặc rút dây ra thì có phải nhà nước lại tốn một đống tiền. Khả năng người dân đóng góp để lắp thêm loa trong nhà rất khó. Giờ người ta không đói đến mức phải lắp một thiết bị vào nhà chỉ để nghe thông tin, tìm hiểu thông tin qua đấy. Trong khi hầu hết các gia đình đều đã có tivi, đài phát thanh, chưa kể internet, điện thoại thông minh.  Không phải tự nhiên mà loại loa này đã biến mất khỏi đời sống xã hội. Nay đưa nó trở lại khác nào đi ngược lại sự phát triển của thế giới, gây lãng phí không cần thiết.

Cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.