Làm hình thức như hiện nay là đáng lo ngại!

Làm hình thức như hiện nay là đáng lo ngại!
TP - "Chỗ nào ngon lành thì bố trí tiếp xúc, chỗ nào gai góc lại tránh xa... thì chẳng bao giờ ĐBQH nghe được vấn đề bức xúc cụ thể trong đời sống ngoài mấy vấn đề chung chung ai cũng biết cả rồi". Trả lời phỏng vấn Tiền Phong, Chủ tịch MTTQ VN Phạm Thế Duyệt bức xúc nói.
Làm hình thức như hiện nay là đáng lo ngại! ảnh 1

Ông Phạm Thế Duyệt : Việc dân nói “ĐBQH kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách” là có thật. Ảnh : Hồng Vĩnh

>> Không nên có nhiều đại biểu Quốc hội là quan chức

>> Ý kiến bạn đọc về chuyện “ĐB Quốc hội kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách”

Lâu nay trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH lại đi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, kết quả thu được từ những cuộc tiếp xúc ấy là điều khiến nhiều người suy nghĩ.  Làm thế nào để ĐBQH không phải một năm 4 lần tiếp xúc “cử tri chuyên trách”, nâng cao chất lượng những cuộc tiếp xúc cử tri? Tiền phong có cuộc phỏng vấn Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt xung quanh vấn đề này.

Ông Duyệt nói: “Nếu làm việc gì mà chỉ mang tính hình thức thì rất thiệt hại đến thời gian, tiền của của dân và quan trọng hơn là sẽ mất uy tín, mất lòng tin nơi dân...

Nếu dân nói mấy ông ĐBQH về tiếp xúc đấy nhưng cũng chẳng được cái gì. Ông ấy nói đổi mới, nói mở rộng dân chủ, nói cải tiến thế này,  thế kia mà những vấn đề bức xúc của dân vẫn cứ lặp đi, lặp lại thì rất đáng lo ngại...”.

Tiếp xúc cử tri mà toàn gặp lãnh đạo

Làm hình thức như hiện nay là đáng lo ngại! ảnh 2

Đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh Đặng Văn Khoa, một trong số rất ít “ông nghị” thường xuyên tiếp xúc cử tri ở khu dân cư để nắm bắt thông tin. Ảnh: Trần Tiến Dũng

Nhiều ý kiến nói việc tiếp xúc cử tri hiện nay là “ĐBQH kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách” bởi lần tiếp xúc cử tri nào cũng có ngần ấy gương mặt, vẫn nêu những vấn đề tương tự lần này qua lần khác. Ông có thấy như vậy?

Thực tế cho thấy, chỉ một số ít nơi tổ chức tiếp xúc cử tri tương đối tốt còn phần lớn vẫn mang tính hình thức, đó là điều đáng lo lắng. Quan sát các cuộc tiếp xúc cử tri thì thấy đến đâu cũng thấy triệu tập lãnh đạo địa phương, thấy ông Bí thư, Chủ tịch xã, ông đại diện Mặt trận, đại diện tổ chức đoàn thể nên người dân vẫn gọi họ là “đại cử tri”.

Trong khi đó, những người thật sự tâm huyết, có những suy nghĩ về những vấn đề bức xúc đang đặt ra với người dân, hoặc những người thấy có vấn đề gì đó nổi cộm muốn trình bày có khi lại không được đến dự. Nên việc dân nói “ĐBQH kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách” là có thật.

"Mỗi năm chỉ tiếp xúc cử tri được 4 lần, mỗi lần có vài tiếng đồng hồ, cũng chỉ có 7- 8 người phát biểu... ý kiến phần đông cũng chỉ là mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách này, kia thì không thể hiện được nội dung quan trọng là người dân góp ý với những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, kể cả về mặt trái hay tính tích cực."

Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam.

Là một ĐBQH tôi cũng không vui khi đi tiếp xúc cử tri như vậy. Tiếp xúc cử tri ở đâu cũng gặp toàn lãnh đạo với nhau cả, thành ra đó là cuộc lãnh đạo cấp cơ sở gặp ĐBQH.

Cho dù những vấn đề mà cán bộ cơ sở nêu lên không hẳn là không đúng, nhưng đó chưa thực sự là những tiếng nói trực tiếp từ thực tiễn mà người dân muốn phản ánh.

Việc lựa chọn “đại cử tri” tham dự những buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH như ông nói là do cơ quan nào thực hiện? Ai chịu trách nhiệm về việc giới hạn cử tri trong những lần tiếp xúc ấy?

Việc này là do cấp ủy, HĐND, MTTQ cấp cơ sở. Về nguyên tắc, việc tiếp xúc cử tri là do MTTQ cấp cơ sở chủ trì nhưng trên thực tế ở xã phường nào cũng do lãnh đạo chủ trương triệu tập phạm vi đến đâu, mời những ai...

Tôi nghĩ, việc này nên để cho MTTQ được chủ động triệu tập những ai tham gia tiếp xúc cử tri là phù hợp nhất. Còn đã để Đảng, chính quyền đứng ra tổ chức, triệu tập thì khó tránh khỏi chuyện chỉ tiếp xúc được với “đại cử tri”.

Với vai trò chủ trì những buổi ĐBQH tiếp xúc cử tri MTTQ có trách nhiệm đến đâu trong việc có tình trạng “ĐBQH kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách”, thưa ông?

Việc này, MTTQ đã đề ra  và được ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ rằng việc tiếp xúc cử tri phải triệu tập thành phần rộng rãi, nội dung phải được thực hiện thế nào; việc tiếp xúc phải được thực hiện ở khu dân cư chứ không chỉ ở trụ sở huyện, xã... nhưng đến nay chưa làm được.

Tôi mong muốn và MTTQ cũng đã đề ra việc những cuộc tiếp xúc cử tri nên phát thanh trực tiếp để nhân dân ở xã đó, hoặc liên xã trong khu vực đó được nghe nhưng không hiểu vì lẽ gì mà vẫn chưa thực hiện được. Có gì mà phải giấu giếm hoặc chỉ để cho vài người dự buổi tiếp xúc đó được nghe? Làm được như thế thì rõ ràng là vừa dân chủ, vừa thiết thực.

Lâu nay, MTTQ có nhận được các ý kiến mà người dân phàn nàn về các cuộc tiếp xúc cử tri?

Người dân cũng đề cập nhiều đến việc này. Nhưng nói thật, nếu dân không đề cập thì mình cũng biết tình hình là như vậy vì là người trong cuộc. Tôi cũng muốn nói thêm là trong những cuộc tiếp xúc cử tri không nên chỉ đề cập đến những vấn đề vĩ mô như thuỷ lợi, phân bón, giá cả mà còn phải quan tâm đến những điểm đang nóng, đang sôi sục ở tỉnh, huyện đó chẳng hạn.

Ví dụ như thu hồi đất của dân mà để đó không sử dụng thì ai phải chịu trách nhiệm, đã giải quyết hay chưa, nếu giải quyết tiến độ đến đâu, vướng mắc chỗ nào...làm được như vậy thì dân rất tin.

Nhưng thường thì ĐBQH cũng chẳng được đến tiếp xúc cử tri ở những điểm sôi sục đó. Trong khi đó, những vấn đề bức xúc nhất của dân phải được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất- thì việc tiếp xúc cử tri mới có ý nghĩa.

Nên thông báo công khai việc ĐBQH về tiếp xúc cử tri để dân đến dự

Nhiều người rất mong muốn được dự những buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH, thậm chí họ gửi đơn đến Đoàn ĐBQH mà còn không nhận được hồi âm, nếu họ muốn dự thì có thể đăng ký ở đâu hoặc gõ cửa nào, thưa ông?

Tôi nghĩ nên thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng từ hàng tuần trước khi các ĐBQH tiếp xúc cử tri rằng tuần tới ĐBQH nào sẽ tiếp xúc cử tri ở địa bàn nào. Ai có nguyện vọng tham dự thì đăng ký - với cấp xã chẳng hạn - thì sẽ được mời đến. Làm được như thế thì sẽ mời được nhiều người tham dự.

Làm hình thức như hiện nay là đáng lo ngại! ảnh 3 Làm hình thức như hiện nay là đáng lo ngại! ảnh 4
ảnh: Hồng Vĩnh

Còn ĐBQH đến tiếp xúc cử tri thì làm sao biết được ai muốn dự, ai đang cần gặp mình để trình bày vấn đề gì. Vấn đề là các cấp có muốn làm và dám làm như thế không? Hay là lại có suy nghĩ chủ quan rằng nếu để mấy ông X, ông Y đến nói, đến “móc” ra thì chết dở...

Nếu cứ để cấp dưới bố trí ĐBQH tiếp xúc cử tri ở đâu thì ĐBQH đến đó, rồi bảo ai đến dự thì đến, chỗ nào ngon lành thì bố trí tiếp xúc, chỗ nào gai góc lại tránh xa... thì chẳng bao giờ ĐBQH nghe được vấn đề bức xúc cụ thể trong đời sống ngoài mấy vấn đề chung chung ai cũng biết cả rồi.

Là ĐBQH nhiều khoá, cá nhân ông thấy việc tiếp xúc cử tri nên được tổ chức thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực?

Ngoài việc phải mời được thành phần rộng rãi nhân dân tham dự, ĐBQH nên đề nghị địa phương cho tiếp xúc cử tri ở những nơi đang có điểm nóng... theo tôi cần làm tốt những việc sau đây: Trước mỗi kỳ họp Quốc hội thường thì có rất nhiều việc bức xúc nhưng phải dựa vào trọng tâm của từng giai đoạn để thiết kế sao cho nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri thật phù hợp và thiết thực.

Ví dụ kỳ họp này Quốc hội sẽ bàn về những vấn đề gì; sẽ quan tâm xử lý những vụ việc bức xúc gì... Như thế sẽ có hướng để người dân tham gia tiếp xúc cử tri đóng góp được nhiều vấn đề thiết thực cho quốc kế dân sinh.

Vậy cá nhân ĐBQH Phạm Thế Duyệt có cách làm riêng gì mỗi lần đi tiếp xúc cử tri?

Cá nhân tôi mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, tôi thường đề nghị Bí thư, Chủ tịch của tỉnh, của huyện, xã cùng dự. Vì tôi thấy thường thì trong các buổi tiếp xúc cử tri những vấn đề nổi cộm ở địa phương hay được cử tri nêu lên và đó là việc Đảng bộ và chính quyền địa phương phải giải quyết trước tiên. Chứ ĐBQH về tiếp xúc biết làm sao được ở địa phương đó người dân phải đóng bao nhiêu tiền thuỷ lợi phí, quy định đó có đúng hay không?

Nhưng thông thường, mấy vị có trách nhiệm ở tỉnh, ở huyện thường không đi dự cùng ĐBQH, chỉ cử những ông như Phó Chủ tịch HĐND hoặc những ông chẳng có quyền quyết sách gì cả cùng dự với ĐBQH...

Trong khi đó, theo tôi, những buổi tiếp xúc cử tri rất hữu ích với những cán bộ lãnh đạo toàn tâm toàn ý vì dân.

Nếu tôi là Chủ tịch UBND tỉnh, thì nhất định phải bám bằng được những cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH trên địa bàn tỉnh mình quản lý để nghe, từ đó có cách giải quyết những vấn đề bức xúc đó.

Xin cảm ơn ông!

Tôi rất sợ

Ông Duyệt nói: MTTQ Việt Nam là cơ quan được giao phản ánh nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cả nước tại mỗi kỳ họp Quốc hội, nói thật là tôi rất sợ khi nghe nội dung lần sau cũng giống lần trước, do còn nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chỉ mang tính hình thức.

Nếu không cải tiến cách tiếp xúc cử tri thì bản tập hợp nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri cũng sẽ nhàm chán, không mang lại lợi ích gì lớn.

Vì tiếp xúc cử tri (như đã nói) thì làm gì có nguồn thông tin chính xác từ thực tiễn mà báo cáo một cách sâu sắc những bức xúc, những nguyện vọng chính đáng đang đặt ra mà cả Đảng và nhân dân đều mong mỏi phải giải quyết đến nơi, đến chốn.

Hữu Khôi
Thực hiện

MỚI - NÓNG