'Làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong đầu tư BOT'

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị giám sát việc thu phí BOT để làm rõ xem có lợi ích nhóm hay không? Ảnh Như Ý
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị giám sát việc thu phí BOT để làm rõ xem có lợi ích nhóm hay không? Ảnh Như Ý
TPO - Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, cử tri và nhân dân hiện rất bức xúc về việc đầu tư, thu phí BOT. Do đó, Quốc hội (QH) cần tiến hành giám sát nhằm tháo gỡ những bất cập và làm rõ có lợi ích nhóm trong đầu tư BOT hay không?

Sáng 25/7, thảo luận về chương trình giám sát của QH năm 2017, Tổng thư ký QH – Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết,  việc giám sát chuyên đề của QH trong năm 2017 cần tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu QH, cử tri và nhân dân quan tâm.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ QH đề xuất các đại biểu xem xét lựa chọn 2 trong số 4 chuyên đề  để tiến hành giám sát gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Qua thảo luận phần lớn các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với việc tiến hành giám sát an toàn thực phẩm. Bởi đây là vấn đề đang gây ra rất nhiều lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

“Thực phẩm bẩn tràn lan đang khiến cho quyền được sống trong môi trường trong sạch của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. QH cần phải giám sát để làm rõ những hạn chế, yếu kém qua đó kịp thời sửa đổi các chính sách pháp luật để ngăn chặn các hành vi vi phạm”, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu.

Về nội dung giám sát thứ hai, ông Tám đề nghị nên tiến hành giám sát việc đầu tư, thu phí BOT. “Việc thu phí BOT thời gian qua gây rất nhiều bức xúc cho người dân. Người dân không có sự lựa chọn giữa việc đi lại miễn phí trên đường nhà nước và đi đường BOT mất tiền. Thậm chí có nơi còn xảy ra tình trạng bịt đường, chặn cầu, "ép” dân đi vào cầu, đường BOT. Nếu QH giám sát thì sẽ tháo gỡ được bất cập và làm rõ, trả lời cho dư luận có lợi ích nhóm trong đầu tư BOT hay không?”, ông Tám nói.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đề nghị cần giám sát chuyên đề về việc đầu tư và đảm bảo môi trường. Theo ông Nghĩa, mấy năm nay đầu tư và bảo môi trường hết sức bức xúc, nhất là qua vụ Formosa. “Có rất nhiều người là cán bộ công chức về hưu, lão thành cách mạng gặp tôi bày tỏ bức xúc về Formosa. Những người yêu nước luôn cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên vì Formosa xả thải. Tôi đề nghị phải có một chuyên đề giám sát về việc thực hiện đầu tư trong nước, nước ngoài về bảo vệ tài nguyên và môi trường, trong đó có việc giám sát Formosa”, ông Nghĩa nêu vấn đề.

“Nhiều người cũng băn khoăn với câu hỏi vì sao cho đến nay các đại biểu QH ở các tỉnh miền Trung và các Ủy ban của QH không thấy nhập cuộc vụ Formosa. Trong khi đó, nếu QH nhập cuộc thì sẽ giúp ích rất nhiều cho Chính phủ”, ông Nghĩa nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.