Làm rõ việc lợi dụng xã hội hóa để trục lợi

Ông Trương Minh Hoàng.
Ông Trương Minh Hoàng.
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Trương Minh Hoàng nói cần làm rõ tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hoá để trục lợi.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, vì sau khi dừng các dự án khai thác cát, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo sở ngành đã bị nhắn tin đe dọa. Đã có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh sự việc này, còn ông thấy sao?

Theo tôi đó cũng là chuyện bình thường. Ngày còn làm ở cơ sở, tôi cũng gặp những chuyện như vậy nên tôi biết rõ. Người ta không hài lòng, hay ghen ghét nên nhắn tin đe dọa cũng là chuyện bình thường và thường xuyên xảy ra, thậm chí ngay cả người thân trong gia đình cũng còn bị đe dọa. Nếu chuyện đó xảy ra trong nội bộ địa phương, thuộc phạm vi mình phụ trách thì tôi giao trách nhiệm cho anh em ở địa phương làm. Còn nếu vấn đề liên quan đến hai huyện, hay nhiều tỉnh thì phải báo lên cấp trên.

Mặc dù vậy, qua theo dõi sự việc ở tỉnh Bắc Ninh vừa qua, tôi thấy vấn đề này cũng phức tạp. Sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tôi rất mong Bộ Công an cần phải sớm vào cuộc làm rõ.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng “cát tặc” lộng hành hiện nay?

Đâu chỉ riêng cát mới bị khai thác bừa bãi đâu. Tài nguyên rừng, rồi các loại tài nguyên khoáng sản khác như vàng, đá…cũng đang bị khai thác trái phép. Tất cả các loại tài nguyên cần sự vào cuộc quyết liệt hơn chứ không riêng gì cát. Thế nhưng điều đáng tiếc là nói mãi rồi vẫn không xử lý được.

Cá nhân tôi cũng rất bức xúc trước thực trạng khai thác cát trái phép. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT về vấn đề này. Như chúng ta thấy, tài nguyên cát bây giờ có thể khai thác quá dễ dàng. Tôi đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ TN&MT, phải kết hợp với Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN tính toán lại giá thực của cát. Khu vực nào đồng ý cho khai thác cát, cần thu ngân sách cho đúng giá thực và khi đi bán cũng phải bán đúng giá thực.

Ông có thể nói rõ hơn về tình trạng làm ngơ của chính quyền với cát tặc?

Cũng có khả năng phải có cái gì đó với nhau rồi người ta mới làm ngơ, chứ nếu làm hết trách nhiệm thì liệu có đến mức thế không? Như một phóng sự vừa qua phản ánh, ở một xã mà để các đối tượng khai thác hàng ngàn m3 lên như vậy mà lại không phát hiện ra thì có vô lý không? Tôi cho rằng có chuyện làm ngơ, có những dấu hiệu không bình thường.

Có lẽ đằng sau cái sự “làm ngơ” này còn là nhiều vấn đề. Một là vì sợ hãi mà không làm hết trách nhiệm, nếu như vậy thì nên giao cho người khác làm. Hai là họ có mối quan hệ nào đó với “cát tặc” nên mới làm ngơ. Nếu là như vậy thì cần phải điều tra, làm rõ và cần xử lý nghiêm.

Có bảo kê hay không, mức độ nào thì phải có sự điều tra mới rõ, nhưng chuyện làm ngơ là có. Chỉ nguyên chuyện làm ngơ không thôi cũng đã đủ để xử lý rồi. Tùy mức độ vi phạm, có thể xử lý về trách nhiệm công chức, còn nếu là bảo kê, có dấu hiệu tham lam, ăn hối lộ thì có thể xử lý hình sự.

Muốn xử lý “cát tặc” phải xử tận gốc vấn đề. Trước tiên giá cát phải được tính đúng giá, nộp cho ngân sách, cũng như bán giá cát đúng chuẩn như tôi vừa đề cập. Cùng với đó phải kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng khai thác lậu. Nếu cứ làm ngơ thì tình trạng khai thác cát lậu càng hoành hành khắp mọi nơi.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG