Làng giàu lên nhờ… đồng nát

Đường làng ở thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình
Đường làng ở thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình
TP - Thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có 400 hộ, thì có đến gần 150 người ly hương vào TPHCM để làm nghề buôn ve chai. Phần lớn trong số họ có đời sống khấm khá, lo được cho con cái học hành.

Bỏ ruộng, bỏ nghề đi buôn ve chai


Ông Thủy Hòa - Trưởng thôn Liễu Thạnh, nói: “Người đi buôn ve chai ở đây nhiều lắm, gần như là cả làng. Có nhiều nhà nhờ buôn ve chai mà làm nhà, xây lầu, hoặc ít ra cũng cải thiện đời sống”. Riêng tổ 5 của thôn này hầu như nhà nào cũng đi buôn ve chai, họ tập trung lại với nhau ở quận 6, TPHCM.

Chị Thủy Thị Tài (58 tuổi, tổ 5, thôn Liễu Thạnh), kể ngày trước chị nhà cửa không có, vợ chồng sống được vài năm thì li hôn, cảnh khổ vô cùng. Chị có 2 con gái, chồng ly hôn khi đứa nhỏ mới 3 tháng tuổi. Bế tắc, rồi chị quyết định rời quê. Chị theo nhiều người ở thôn vào quận 6, thuê nhà trọ giá 1 triệu đồng/phòng đi buôn đồng nát. Hai đứa con dần lớn lên, đứa học ở Đồng Nai, đứa ở Tam Kỳ (Quảng Nam) đều nhờ người thân trông hộ.

Chị Lê Thị Ngọc Mai, 42 tuổi, nhà gần bên, cho biết: “Ngày trước tôi làm tổ trưởng tổ phụ nữ xã Bình Nguyên, rồi ở nhà cũng làm nghề cắt tóc, trang điểm. Thế rồi bỏ cả công, cả việc theo chồng đi… lượm ve chai”. Năm 2011, chị Mai bước chân vào thành phố, cùng với nhiều người ở thôn, tập trung ở quận 6. Khi ấy chồng chị đã có “thâm niên” buôn ve chai được cả chục năm. Thuê căn phòng giá 1,5 triệu đồng/tháng, chị Mai cùng chồng tiếp tục mưu sinh. Hơn 1 tuần đầu, cả hai vợ chồng chỉ có 1 chiếc xe đạp, anh chở chị “rao”, nhưng chẳng có ai kêu bán. Thế rồi đến năm 2013, căn nhà cấp bốn của gia đình ở quê bị cháy, gần như không còn bất kỳ tài sản nào. Thứ còn lại chính là chiếc xe đạp. 

Làng giàu lên nhờ… đồng nát ảnh 1

Chị Mai và 2 con trước căn nhà mới xây năm 2014. Ảnh: Nguyễn Trang 

Những ngày sau, chị Mai một mình gánh gồng đi rao khắp các ngả đường. Cuối cùng phải sau hơn vài tháng, mọi chuyện mới bắt đầu thuận lợi, có bán, có mua. Chị Tài khổ hơn vì xe đạp cũng không có. Chị Tài kể, lần đầu vào Sài Gòn chị đi bán vé số, nhưng cứ bị người ta cướp hoài, nên chuyển sang đi buôn ve chai. Theo nhiều người buôn ve chai ở thôn này, không ít lần họ bị lừa. Nhiều lúc, người ta trộn cát, đá vào dây đồng. Ai không biết mua về, đổ ra toàn sạn, đá. Thế là lỗ…

Mưu sinh vì con cái 

Từ hơn 2-3 năm nay, người dân thôn Liễu Thạnh bắt đầu thi nhau xây nhà, rất nhiều ngôi nhà mới được dựng lên, làm thay đổi bộ mặt của thôn. Năm 2014, chị Lê Thị Ngọc Mai đập bỏ ngôi nhà tạm ở xã Bình Nguyên, để mua đất xây dựng ngôi nhà 2 tầng này trị giá hơn 350 triệu đồng. Theo chị Mai, riêng việc đi buôn ve chai, cả vợ và chồng, mỗi tháng dư cũng được 10 triệu đồng. Chị cho biết: Những ngày đầu không có mối, việc thu mua rất vất vả, sau này, những nơi họ có, họ điện thoại mình đến lấy. Tôi thường đi đến công trình, nhà hàng để lấy ve chai về bán lại cho chủ vựa. Mỗi ngày chị Mai thu được trung bình 200 nghìn đồng, những ngày trúng đồng nát cũng thu gần cả triệu. “Thế nhưng để có đồng bạc cũng lắm cơ cực. Khổ nhất là trời mưa, đường sá đạp xe đi lại khó khăn. Nếu đi lấy ở xa thì phải đạp gần 20-30 km” - chị Mai nói. Chị Tài, sau khi li hôn chồng, cũng nhờ có tiền buôn ve chai, ít nhất mỗi tháng chị cũng góp được vài triệu, rồi có tiền cất căn nhà ở thôn Liễu Thạnh để sinh sống.

“Ai không muốn sống ở quê mình, nhưng cơ cực quá, đành phải cắn răng đi xa buôn bán đồng nát. Chịu nhọc nhằn vì mưu sinh, cũng để lo cho con cái ăn học bằng người”, chị Mai tâm sự. Cả 3 đứa con của chị Mai đã lớn và học rất giỏi. Em Nguyễn Thị Dạ Lý là sinh viên năm 1 ĐH Tài chính - Maketing TPHCM, Nguyễn Thị Thu Hương 11 năm liền là học sinh giỏi của trường THPT Tiểu La, huyện Thăng Bình, em út là Nguyễn Lê Huỳnh Nhi, 6 tuổi. Chị Tài cũng có 2 người con trưởng thành. Con gái đầu là Phạm Thị Thu Lợi hiện làm trợ lý cho một Ban quản lý dự án ở TPHCM, cô em Phạm Thị Danh hiện là giáo viên dạy mầm non.

Ông Thủy Hòa trưởng thôn, cho biết: Những người ở làng đôi khi chỉ gặp lại nhau vào dịp tết, bắt đầu từ khoảng 27 âm lịch. Sau cái tết ở quê nhà, cứ đến mùng 10 hay 12 âm lịch tết, mọi người lại rời quê vào thành phố tiếp tục buôn ve chai, bán vé số. Nhiều nhà cả năm mới về một lần.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.