Làng nghề đậu bạc chỉ còn 2 nghệ nhân

TP - Nói về 4 nghề tinh hoa nhất kinh thành Thăng Long xưa có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Trong đó, nghề kim hoàn ở Định Công có lịch sử lâu đời nhất (hơn 1.000 năm) nhưng lại là nghề ít được biết đến, có nguy cơ mai một.
Làng nghề đậu bạc chỉ còn 2 nghệ nhân ảnh 1

Quách Phan Tuấn Anh với công việc

Để tạo nên một sản phẩm đậu bạc, trước tiên cần nguyên liệu là bạc khối (trên 95%), nấu chảy thành thoi rồi cán kéo, rút thành từng sợi bạc nhỏ như sợi chỉ. Công đoạn tiếp theo là se hoặc bện các sợi bạc lại với nhau, uốn thành những họa tiết nhỏ. Để “se chỉ dệt bạc” thành sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ mất cả tháng trời. “Công phu là thế, nhưng ngay ở đất Hà Nội lại ít người thích những sản phẩm thủ công tinh xảo. Trong khi đó, hàng đậu bạc Định Công chủ yếu được người miền Nam và người nước ngoài đặt mua” - anh Hòa chủ cửa hàng vàng bạc 224 Định Công cho biết. Sản phẩm đậu bạc làm ra cầu kỳ, mất nhiều thời gian, nhưng giá không thể quá cao khiến nghề đậu bạc ở làng Định Công dần mai một. 

  

Tìm đến xưởng đậu bạc tại phố Định Công Thượng, chúng tôi gặp anh Quách Phan Tuấn Anh, con út của nghệ nhân Quách Văn Trường. Anh là một trong hai người còn làm nghề tại làng Định Công. 

Đã có lúc anh làm tất cả các mặt hàng bạc, từ những đồ trang sức đại trà như: Nhẫn, hoa tai, vòng cổ... đến những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao như: Rồng Triều Nguyễn, trâu bạc, tàu thủy... Trong đó chiếc tàu thủy tinh xảo kích cỡ 30 x 30 cm giá cao nhất tới 40 triệu đồng. Để hoàn thành con tàu, Tuấn Anh bỏ ra gần 1 tháng trời cùng 5 nhân công làm việc liên tục. 

UBND quận Hoàng Mai cũng đã quan tâm, duy trì nghề đậu bạc bằng việc tổ chức các lớp học nghề hằng năm. Nhận được sự quan tâm, nhưng Tuấn Anh vẫn trăn trở: “Mỗi năm chính quyền tài trợ một lớp học 3 tháng, nếu muốn tiếp tục, học viên phải tự bỏ tiền học. Nhưng với nghề đậu bạc, muốn thành nghề phải mất vài năm”. 

Cùng là nghệ nhân theo đuổi nghề đậu bạc, nghệ nhân Quách Văn Hiểu chia sẻ: Trong kỹ thuật làm kim hoàn, làm đậu được giới trong nghề đánh giá cao và đòi hỏi công phu nhất. Những người trẻ học nghề, nếu không “say máu” với bạc, chắc hẳn sẽ chọn nghề đầu tư ngắn hơn, dễ kiếm tiền hơn để học. 

Bài toán làm sao để tạo ra một thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm đậu bạc, cùng việc phát triển đội ngũ thợ kim hoàn kế cận xem ra vẫn còn cần lời giải. Trong khi đó, nghề đậu bạc nức tiếng kinh thành Thăng Long xưa đang dần biến mất.

MỚI - NÓNG