Lấy ân cởi oán

Bob Kerrey, năm 1969 và nay. Ảnh: TTXVN.
Bob Kerrey, năm 1969 và nay. Ảnh: TTXVN.
TP - Thành phố Hồ Chí Minh trưa 25/5. Khách sạn REX Bến Thành được trang hoàng rực rỡ để đón một sự kiện. Dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Tổng thống Mỹ Barack Obama bận việc đột xuất không đến được) đã diễn ra lễ trao quyết định thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

Tham dự lễ có nhiều quan chức Việt Nam và Mỹ, nhiều cộng sự đã bền bỉ theo đuổi và thúc đẩy việc hình thành một trường đại học đẳng cấp Mỹ tại Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua.

Buổi lễ thêm trang trọng và ý nghĩa với sự có mặt của Ngoại trưởng John Kerry - người bảo trợ đầu tiên của Chương trình Học bổng Fulbright và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TPHCM tại Thượng viện Mỹ.  Quá trình từ ý tưởng thành hiện thực được đẩy nhanh một cách ngoạn mục để hôm nay FUV chính thức ra đời. Truyền thông đã đề cập nhiều về FUV - cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động không vì lợi nhuận…

Có thủ tục dành cho giới truyền thông. Một thoáng, chỉ một thoáng thôi, khoảng hai phút cho một cuộc hỏi và đáp. Có cảm giác không khí buổi lễ như chùng xuống khi một nhà báo trẻ hướng cái nhìn về phía cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey - người được lựa chọn cho ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. “Thưa ông Bob Kerrey, ở vị trí Chủ tịch FUV, ông có hối hận về cuộc thảm sát ông từng tham gia vào năm 1969 tại Bến Tre?”. Ông Kerry, tóc bạch kim dong dỏng đứng ngay lên, trả lời ngắn gọn  “Có” và từ chối bình luận thêm. Cách vị trí REX không xa, khoảng mươi phút sau, Tổng thống Obama ngỏ lời cảm ơn cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey như “một trong những người chủ chốt giúp dẫn dắt nỗ lực” xây dựng FUV sẽ khai giảng vào mùa thu này.

Sau sự kiện ở REX và khi Tổng thống Obama đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, một làn sóng bùng lên trên mạng xã hội với những quan điểm khác nhau.

Năm 2001, loạt bài điều tra của báo Mỹ New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” của đài CBS đã phanh phui tiết lộ nhiều chuyện về ông Bob Kerrey. Ông sinh năm 1943, từng làm thống đốc bang Nebraska, là ứng viên tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 1992. Trước khi theo đuổi con đường chính trị, ông chỉ huy một đơn vị biệt kích hải quân Mỹ (Navy SEAL) tham gia Chiến tranh Việt Nam. Một đêm tháng 2/1969, đại úy hải quân Kerrey dẫn đầu vụ thảm sát khiến 14 trẻ em và phụ nữ ở làng Thạnh Hòa (Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre) thiệt mạng. Theo một bài viết đăng trên báo New York Times cách đây 15 năm, ông Kerrey đã nhận trách nhiệm cho vụ thảm sát năm xưa. Trong một bài phát biểu năm 2001, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ nói rằng, cuộc thảm sát ấy đã “ám ảnh” ông suốt 32 năm.

Xin lẩy ra vài cái mắt bão trên báo mạng. Tờ Financial Times mới đây dẫn lời luật sư Thai Bao Anh: “Tôi thắc mắc rằng, liệu ông Kerrey có bao giờ tự hỏi việc ông ấy đảm nhận vị trí đó sẽ khơi lại một vết thương cũ trong tâm trí người Việt Nam hay không? Tôi hoàn toàn ủng hộ sứ mệnh nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam của FUV, nhưng không thể bỏ qua cho cựu Thượng nghị sĩ Kerrey”. Ông Viet Thanh Nguyen, tác giả cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer “The Sympathizer”, nói rằng, ông cảm thấy bất ngờ trước việc một người “có vấn đề” như ông Kerrey lại được chọn làm lãnh đạo trường. “Người ta có thể dễ dàng tìm một người khác thích hợp hơn để dẫn dắt tổ chức”, ông Viet nhận định.

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines, thổ lộ trên mạng rằng mình “đã quá sốc và choáng váng”  khi đọc được bài báo về Bob Kerrey. Ông nói “thật dễ để căm ghét và kêu gọi ông từ chức Chủ tịch FUV”. Nhưng sau nửa ngày suy nghĩ, ông Nam đã quyết định tha thứ. Ông Nam nhớ đến lời Tổng thống Obama khi đến thăm, dâng hoa ở Hiroshima. Những câu đó của Obama cho thấy phần đông người Nhật đã tha thứ cho viên phi công Mỹ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật, giết chết hàng trăm nghìn người Nhật. Nó cũng nói lên việc người Mỹ, thông qua ông Obama, cám ơn người Nhật về sự tha thứ.

Ông Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam - TUIV (TUIV là tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ, chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư trường FUV), trả lời một tờ báo: “Mặc dù những quyết định của ông ấy (cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey) thường táo bạo và gây tranh cãi, nhưng chúng tôi tin rằng, một dự án như FUV rất cần týp người như Bob. Bởi sự thành công của FUV sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo dựng những mối liên kết bền chặt, cùng có lợi với cả khu vực công và tư”.

Cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey chia sẻ với Financial Times rằng, ông “sẵn lòng rút lui” nếu sự tham gia của ông ảnh hưởng cơ hội thành công của FUV. ““Tôi đã đối mặt với quá khứ của mình một cách thẳng thắn và trung thực. Tôi đã làm những điều tồi tệ và sẽ sống với nó suốt cuộc đời mình. Nhưng tôi không sống trong quá khứ. Tôi sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói rằng, những ý kiến cho rằng không được để ông Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV vì những gì ông ấy đã gây ra ở Bến Tre năm 1969 là không nên. Có thể những người phản đối họ có suy nghĩ riêng hoặc từng chứng kiến những nỗi đau quá lớn. Nhưng chúng ta phải nhìn về tương lai và nhìn việc lựa chọn người làm chủ tịch hội đồng một cách khoan dung hơn.

Xứ Việt có câu ơn đền oán trả. Trả, chẳng phải kiểu trả thù vặt mà bằng những động thái ứng xử, hóa giải đượm chất nhân văn lấy ân cởi oán, chứ không lấy oán báo oán sẽ chồng chất oán. Nhiều thế hệ người Việt từng xúc động khi dõi ánh nhìn xa xăm vào lịch sử khi biết đoàn tù binh dài dặc những Nguyên, những Minh không những được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Bình Định vương Lê Lợi tha tội chết mà lại còn được cấp lương ăn cho về lại cố quận. Lại nhớ và gẫm thêm cái câu biết trồng tre để đợi ngày thành gậy/ đi trả thù mà không sợ dài lâu của một quan chức kiêm thi sĩ thời nay. Một cô giáo dạy văn đã giải mã câu ấy là dân tộc mình biết lo xa, biết tìm và nuôi dưỡng phương kế giữ nước để Tổ quốc không bị bất ngờ, chứ không phải dùng những gậy tre cụ thể nào đó để dành cho những thời điểm trả thù vặt. 

MỚI - NÓNG