Tân Chủ tịch quận 12 (TPHCM) Lê Trương Hải Hiếu:

Lấy nguyện vọng của nhân dân làm mệnh lệnh

Người dân làm thủ tục hành chính qua vân tay tại UBND phường Bến Thành (quận 1), phương thức do ông Lê Trương Hải Hiếu trực tiếp xây dựng.
Người dân làm thủ tục hành chính qua vân tay tại UBND phường Bến Thành (quận 1), phương thức do ông Lê Trương Hải Hiếu trực tiếp xây dựng.
TP - Trao đổi với Tiền Phong, tân Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu chia sẻ: Là con của Bí thư thành ủy TPHCM, anh càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn, cố gắng nhiều hơn để giữ uy tín cho gia đình.

Anh Hiếu nói: Mình xúc động nhiều, trăn trở, thấy trách nhiệm cũng rất nhiều.

Vì sao sau khi được bổ nhiệm, anh lại biểu đạt tâm tư, tình cảm qua mạng?

Mình muốn chia sẻ cảm xúc, tình cảm khi phải chia tay nơi đã từng công tác gần mười năm. Đó cũng là lời cảm ơn, sự tri ân của mình đối với các cô chú cán bộ, đảng viên đã hưu trí cũng như đang còn công tác, các đồng chí, đồng đội đã hỗ trợ mình trong suốt thời gian qua. Ngày về công tác ở Quận đoàn quận 1, mình còn là một sinh viên mới tốt nghiệp về nước, còn rất nhiều bỡ ngỡ. Nếu không có sự hỗ trợ đó thì chắc chắn mình không thể “bám rễ” và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian công tác ở quận 1, điều anh tâm đắc nhất là gì?

Điều mình thấy tâm đắc nhất là đã nhận được sự hài lòng từ người dân.

Anh đã làm được những gì để người dân cảm thấy hài lòng?

“Người dân cần gì thì mình làm cái đó, chứ không ngồi trong phòng sáng tạo”

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu

Nói tất cả người dân hài lòng thì có lẽ hơi chủ quan. Nhưng đúng là nhiều người đánh giá là hài lòng. Mình đã cùng tập thể lãnh đạo, nhân viên xây dựng bộ quy chuẩn, chuẩn mực trong quan hệ giữa cán bộ đối với nhân dân, từ đó làm chuyển biến nhận thức và góp phần làm thay đổi thái độ, cách ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức trong công việc cũng như trong quá trình phục vụ người dân. Điều đó là quan trọng nhất.

Từ nhận thức về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, mình cùng tập thể lãnh đạo, nhân viên tiếp tục xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quy trình xử lý hồ sơ công việc, sao cho vận hành khoa học nhất, tiết kiệm thời gian nhất. Sản phẩm tuy không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhưng trước mắt đã có một nền tảng, cơ sở bước đầu để có thể tiếp tục phát triển. Mình ghi nhận được sự hài lòng của người dân thông qua hệ thống đánh giá điện tử, hệ thống góp ý và qua các kênh dư luận xã hội. Kết quả đó là của tập thể chứ không riêng cá nhân mình.

Lấy nguyện vọng của nhân dân làm mệnh lệnh ảnh 1

Phương thức làm thủ tục qua dấu vân tay trước kia ở phường Bến Thành, vì sao không thấy triển khai đại trà khi anh trở thành lãnh đạo UBND quận 1? Phải chăng phương thức này chưa ổn?

Dấu vân tay là phương thức cải cách thủ tục hành chính, giúp công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh hơn, giảm tối đa phiền hà. Các phường ở quận 1 vẫn đang làm và sẽ liên thông với nhau để tạo ra một cơ sở dữ liệu. Ở cấp phường, việc cải cách thủ tục hành chính là số hóa các dữ liệu dân cư. Trong khi ở cấp quận, cải cách hành chính được tập trung ở việc cải tiến quy trình, thủ tục. Khi đã hoàn chỉnh, giữa quận và các phường liên thông với nhau, lúc đó người dân ở các phường lên quận làm thủ tục hành chính sẽ thực hiện theo kỹ thuật dấu vân tay.

Mình phải làm theo từng giai đoạn. Nếu hấp tấp đưa vào tổng thể, khả năng chương trình sẽ còn lỗi rất nhiều.

Gần đây, anh cho biết đang xây dựng đề án thành phố thông minh. Đề án đó đã hoàn thiện chưa và bao giờ đưa vào áp dụng thực tế?

Đó cũng là nhiệm vụ Thành ủy giao cho thành phố. Còn các quận huyện chỉ xây dựng chính quyền điện tử thôi. Hiện nay đề án đang trong quá trình xây dựng, có rất nhiều công đoạn, công việc.

Anh có định đưa những phương thức, mô hình cải cách hành chính đã làm rất thành công sang áp dụng tại nơi công tác mới?

Cần phải nắm lại tình hình tại nơi làm việc mới, xem quy trình thủ tục như thế nào rồi mới nghĩ đến chuyện cải tiến. Những gì không phù hợp, gây phiền hà cho người dân thì dứt khoát mình sẽ cải tiến. Ứng dụng điện tử hay không là do mình. Điều quan trọng nhất là hồ sơ, quy trình thủ tục phải đúng quy định pháp luật. Đúng rồi mới giảm thiểu những gì không cần thiết, đưa ứng dụng điện tử vào để tăng năng suất, giải quyết công việc nhanh hơn. Ứng dụng điện tử ngay mà quy trình, thủ tục chưa phù hợp thì cũng không được.

Anh sẽ làm gì đầu tiên khi về quận 12 nhận công tác?

Mình sẽ dành nhiều thời gian để đi cơ sở, gặp gỡ người dân, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và cố gắng đáp ứng, giải quyết những nguyện vọng chính đáng. Mình phải cố gắng để làm sao đời sống của người dân ngày càng sung sướng và đầy đủ hơn.

Ở tuổi 34, còn rất trẻ, ít kinh nghiệm, anh sẽ khắc phục điều đó như thế nào ?

Còn trẻ, đương nhiên kinh nghiệm điều hành quản lý, xử lý các vấn đề chắc chắn mình không thể bằng những người đã có quá trình công tác lâu dài. Nhưng từ trước đến giờ mình luôn luôn cầu thị, học hỏi, lấy nguyện vọng của nhân dân làm mệnh lệnh. Người dân cần điều gì thì mình sẽ làm cái đó chứ không ngồi trong phòng sáng tạo được. Mỗi địa phương có đặc thù khác nhau. Đó là phương thức làm việc của mình.

Anh học chuyên ngành quản lý kinh tế, vì sao lại chọn lĩnh vực quản lý nhà nước?

Mình học đại học Luật, sau đại học thì học quản lý kinh tế. Nó cũng giúp ích được rất nhiều cho mình trong quá trình công tác. Theo suy nghĩ của mình thì làm nhà nước hay tư nhân cũng là quản lý kinh tế. Tư nhân thì quản lý kinh tế để làm giàu cho bản thân còn làm công tác quản lý nhà nước, nếu hiểu về quản lý kinh tế thì có thể có những cơ chế chính sách tạo điều kiện để người dân làm ăn chính đáng ngày càng giàu hơn. Đó là thành công của người làm công tác quản lý nhà nước. Cá nhân thành công là xã hội thành công.

Nhà ở trung tâm quận 1, nơi làm việc mới ở ngoại thành. Điều đó có làm anh e ngại?

Trước đây mình có hai tháng học ở trường quân sự Quân khu, gần trụ sở UBND quận 12. Cứ khoảng 6 giờ kém mình phải đi. Chắc bây giờ cũng phải như vậy thôi. Mình nghĩ cũng không khó khăn gì đâu vì quận 12 tuy ở ngoại thành nhưng khá đầy đủ điều kiện, có chỗ ăn (cười)

Việc làm của anh được nhiều người ghi nhận nhưng trong việc bổ nhiệm lần này anh có nghĩ là mình được ưu ái?

Ưu ái hay không mình không dám tự đánh giá, chỉ thấy các quy trình, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm của mình cũng như những người khác. Mình không có ý so sánh nhưng mười năm trước anh Võ Văn Thưởng (hiện là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) lúc ấy còn rất trẻ cũng được về quận 12 làm bí thư quận ủy.

Bố anh là Bí thư Thành ủy TPHCM, đó có phải là lợi thế của anh khi làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước?

Mình chỉ thấy bản thân càng phải trách nhiệm hơn, cố gắng hơn. Trong tất cả mọi việc, mình giữ uy tín cho bản thân thì cũng phải giữ uy tín cho gia đình.

Cảm ơn anh.

Thạc sĩ Lê Trương Hải Hiếu sinh năm 1981, trình độ cử nhân Luật, cao học Quản trị Kinh doanh tại Mỹ, cao cấp chính trị. Thạc sĩ Hiếu lần lượt giữ các chức vụ Bí thư Quận đoàn quận 1, Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành (quận 1), Phó Chủ tịch UBND quận 1, Chủ tịch UBND quận 12. Thạc sĩ Hiếu là đại biểu HĐND TPHCM khóa VIII.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.