Lên/xuống, ở/về

TP - Bí thư tỉnh Quảng Nam vừa khiến báo chí, dư luận có dịp để mắt, khi nộp đơn xin nghỉ hưu trước một năm. Trước đó, ông Bí thư Hội An cũng của tỉnh này xin từ nhiệm về nghỉ trước hơn 2 năm so với tuổi cũng đã gây xôn xao.  

Rồi hàng loạt quan cấp quận, huyện, phường xã của Thủ đô cũng mới lục tục đâm đơn xin về…

Người bảo đó là chuyện thường. Trước thềm đại hội đảng các cấp, không đủ tuổi tái cử vào cấp ủy thì về thôi, lăn tăn gì. Nhưng cũng không ít người coi đó là sự lạ. Bởi nghiệm lại, những mùa đại hội trước, cũng với cơ chế tuổi tác, bầu bán như vậy, mà báo đài có phát hiện ra trường hợp nào chịu trả ghế về sớm đâu? 

Ít ra cũng cứ cắp ô đến cơ quan trà nước ngày đôi lần, dù chỉ còn chân chuyên viên. Chẳng phải vì lợi lộc kia nọ, mà nhiều lúc chỉ như một thói quen khó dứt ra sớm, một nỗi “sợ” khó gọi tên của những ai từng suốt đời làm cán bộ. Tất nhiên, cũng còn một tâm lý, như phát biểu của vài quan chức Hà Nội. Rằng đang làm quan, nay tụt xuống làm lính đợi đủ năm đủ tuổi rồi về, không chơi!

Cái sự lên/xuống - ở/về chốn quan trường, mà người xưa gọi là “xuất xử” xem ra cũng không đơn giản chỉ là đôi đường. Cứ chiểu theo cơ chế bầu bán nhiệm kỳ kiểu này, những ai tuổi tác dạng “đầu thừa đuôi thẹo” buộc phải chọn lựa. Về sớm một đôi năm trong tình thế ấy, kể ra cũng không hẳn là “dũng thoái”, nhưng dù sao chấp nhận được. 

Còn hơn có những ông phải xuống rất nhanh, có khi còn về thẳng vườn, như ông Bí thư thị trấn Lăng Cô ở miền Trung, vừa thú nhận làm cho hai nữ nhân viên cơ quan cùng dính…bầu ! Có ông sai phạm nặng khi điều hành một ngân hàng. Nhưng không những không phải “về”, mà còn được cất nhắc lên vị trí đứng đầu một tập đoàn lớn của quốc gia. Để rồi không lâu sau đó bị bắt vì cái tội khi còn ở đơn vị cũ?! 

Về và ở, lại nói đến chuyện đi, trong công tác cán bộ gọi là luân chuyển. Một dạo, có tỉnh đến 3, 4 đời liên tiếp bí thư tỉnh ủy được điều từ nơi khác đến. Mỗi ông mỗi nhiệm kỳ, mỗi kiểu riêng. Chẳng phải quê hương bản quán để mà tha thiết. Chủ yếu giữ mình cho an toàn còn lên tiếp. Nên công việc ở tỉnh chẳng đâu vào đâu, dậm chân một chỗ. Cán bộ luân chuyển tầm nhỏ hơn tại các địa phương chưa rõ thế nào. 

Nhưng hiện tượng nhiều nơi ngầm vận động không bầu cho cán bộ diện được điều động, luân chuyển về cơ sở như đang diễn ra là đáng suy ngẫm. Ngoài tâm lý cục bộ địa phương như đánh giá, thì ngược lại, nó phản ánh một đòi hỏi bức thiết từ thực tế khách quan. Đó là cán bộ đứng đầu, ngoài khả năng quản lý, còn rất cần sự thông thuộc, máu thịt với chính nơi mình đang công tác và cống hiến, chứ không thể bổ nhiệm theo kiểu áp đặt, máy móc. 

Cái sự lên xuống, đi ở của mỗi đời người, đổ tại “con Tạo xoay vần” thì dễ, cũng chẳng sai. Nhưng kỳ thực, vòng lợi danh không ai có thể dừng, ngoài chính mình. 

MỚI - NÓNG