Lí giải mới về xuất hiện bất thường của rắn lục đuôi đỏ

Rắn lục đuôi đỏ do người dân huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) bắt ở gần sát khu dân cư. Ảnh: Trí Tín.
Rắn lục đuôi đỏ do người dân huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) bắt ở gần sát khu dân cư. Ảnh: Trí Tín.
Các trận lũ cuốn rắn lục đuôi đỏ từ thượng nguồn về đồng bằng, gặp thời tiết nắng ấm kéo dài, thức ăn dồi dào nên loài bò sát này sinh sôi nảy nở nhiều bất thường.

Sau gần một tháng khảo sát ở bốn tỉnh miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên, đoàn công tác Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật xác định nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ tăng bất thường trong năm qua ở khu vực này là do biến đổi khí hậu.  

Phó tổng cục trưởng Nguyễn Bá Ngãi cho biết, qua kiểm tra, phân tích mẫu, các chuyên gia xác định loài rắn xuất hiện nhiều và cắn người tại một số tỉnh Nam Trung Bộ chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ (còn gọi tên khác là rắn lục mép trắng, rắn lục tre, tên khoa học là Trimeresurus albolabris thuộc họ Rắn lục Viperidae). Loài rắn này không chủ động cắn người, người dân bị rắn cắn là do vô tình dẫm hay đụng phải rắn. 

Theo ông Ngãi, năm 2014 thời tiết ấm áp dài hơn do có tháng nhuận tạo thuận lợi cho rắn lục đuôi đỏ phát triển và sinh sản kéo dài hơn mọi năm. Mặt khác, các trận lũ lớn trước đây đã cuốn loài rắn lục đuôi đỏ từ vùng thượng lưu xuống đồng bằng, gặp điều kiện thuận lợi, nguồn thức ăn lại dồi dào đã kích thích loài này sinh sản nhiều bất thường. 

Lí giải mới về xuất hiện bất thường của rắn lục đuôi đỏ ảnh 1

Các chuyên gia Tổng cục Lâm nghiệp cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật về khảo sát ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín.

 Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận, tình trạng rắn lục đuôi đỏ nhiều bất thường và cắn người trong năm qua ở khu vực Nam Trung Bộ đã tác động đến cuộc sống người dân, thậm chí gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng. Dù nọc độc của loài rắn này không gây tử vong nhưng nếu không được cứu chữa kịp thời và đúng cách có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. 

Để ổn định cuộc sống người dân, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Chi cục kiểm lâm các địa phương phối hợp với ngành y tế ban hành quy trình, cách thức đề phòng rắn cắn và cách sơ cứu ban đầu. Vận động người dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm quanh nhà để làm mất nơi trú ngụ của rắn...

Hiện, CITES Việt Nam tiếp tục phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng các chuyên gia bò sát nghiên cứu, phân tích nguyên nhân, dự báo sự xuất hiện của loài rắn lục đuôi đỏ và các loài có nguy cơ gây hại trong thời gian tới. 

Theo Trí Tín

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG