Lo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 'đổi mới nửa vời'

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thời gian qua ĐB HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ảnh: Infonet.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thời gian qua ĐB HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ảnh: Infonet.
TP - Thảo luận về Luật Tổ chức chính quyền địa phương chiều 1/6, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng Đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) kiêm nhiệm quá nhiều, dễ dẫn đến “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đặc biệt quy định Trưởng ban kiêm nhiệm, còn Phó Trưởng ban chuyên trách chỉ là “sự đổi mới nửa vời”, chưa khắc phục được “bệnh” hình thức của HĐND.

Thảo luận về dự thảo luật này, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng tình với quy định, tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, không phân biệt ở nông thôn hay đô thị. Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), quy định trên phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đúng với chủ trương của Đảng về quan điểm phân cấp, phân quyền, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp. Theo bà Thủy, việc phân cấp, phân quyền trong dự thảo chưa rõ về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, dẫn đến các nội dung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương còn lẫn lộn. ĐB Thủy đề nghị làm rõ hơn quy định này để bảo đảm tính minh bạch trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nêu ý kiến: Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền địa phương có phù hợp với Hiến pháp? Bà Tâm đề nghị xem lại quy định này, đồng thời có giải trình cụ thể với Quốc hội trước khi thông qua luật. “Trong các điều luật hiện nay có đề cập đến thẩm quyền, nhiệm vụ quyết định của HĐND, nhưng thực chất HĐND quyết định được những vấn đề gì? Luật có khắc phục được tình trạng chồng chéo, HĐND chỉ quyết những điều đã được Chính phủ, QH, hay bộ, ngành đã quyết rồi? Hay có khắc phục được tình trạng quyết những vấn đề cấp ủy địa phương đã quyết rồi không? Quyết định như vậy có thiếu thực chất hay không?”, ĐB Tâm nêu, đồng thời đề nghị quy định rõ hơn, để khắc phục được tính hình thức của HĐND.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thời gian qua ĐB HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc sửa đổi lần này được thực hiện theo hướng tăng số lượng ĐB chuyên trách, nhưng dự thảo lại cho thấy số lượng ĐB chuyên trách không thay đổi.

“Dường như Ban soạn thảo né tránh vấn đề này”, ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, nếu quy định như vậy sẽ lại đâu vào đấy. “Tôi đề nghị quy định ít nhất 30% ĐB hoạt động chuyên trách cấp tỉnh, 20% cấp huyện, 15% ở cấp xã”, ông Nghĩa góp ý và đề nghị, ở cấp tỉnh, mỗi ban nên có 1 trưởng ban, 2 phó trưởng ban và một ủy viên hoạt động chuyên trách.

Cùng quan điểm, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng nhìn nhận, cơ cấu tổ chức HĐND chính là nguyên nhân dẫn đến “căn bệnh” hình thức. Việc dự thảo quy định trưởng  ban hoạt động kiêm nhiệm, phó trưởng ban hoạt động chuyên trách là “sự đổi mới nửa vời”, chưa khắc phục được tính hình thức của HĐND.

MỚI - NÓNG