Loài hoa mang tên chúa sơn lâm

Loài hoa mang tên chúa sơn lâm
TP - Hoa móng cọp được coi là một trong 10 loài hiếm gặp nhất trong số hơn 270 ngàn loài hoa trên thế giới. Nó đang có mặt tại vườn hoa của TS Hà Ngọc Mai ở Đà Lạt.

> 10 loài hoa hiếm nhất trên thế giới
> 'Hoa xác chết' khổng lồ bốc mùi hôi thối

Gam xanh giữa khu vườn trắng

Biệt thự số 9 Phù Đổng Thiên Vương TP Đà Lạt của Tiến sĩ (TS) Hà Ngọc Mai. Khu vườn toàn màu trắng. Những sóng hoa hồng dại trắng ngà bao quanh tường. Ban công biệt thự điểm xuyết những khóm cúc trắng xuất xứ từ Úc trông; những cụm tiên yên, bạch hoa xà rất hiếm gặp ở Việt Nam.

Nhiều loài hoa trắng xinh xắn khác như arapang, lài tây, cánh bướm...?được bài trí khéo léo trong khu vườn khá rộng; đặc biệt là cây phượng duy nhất ở Việt Nam với sắc hoa trắng tinh khôi thu hút mọi ánh nhìn.

“Vì chồng tôi hợp với màu trắng nên tôi chỉ chọn sắc hoa này để tăng vượng khí nơi sinh sống và cầu mong mọi điều may mắn cho anh ấy” - TS Mai nói. Tuy nhiên có một loài hoa màu xanh đã lạc vào biệt thự hoa trắng ấy. Đó là hoa móng cọp xanh với tên khoa học Strongylondon macrobotrys.

Giàn hoa móng cọp hơn 10 năm tuổi của TS Mai đang trổ những chùm hoa thuôn dài duyên dáng đung đưa trong gió, mỗi chùm dài gần 1m đơm hơn trăm cái hoa. Khi mới thành hình, cánh hoa cong cong với đầu nhọn hướng lên phía trên trông giống chiếc móng của mãnh thú; đến khi nở, hoa bung ra như cánh bướm.

Hoa có màu chủ đạo là ngọc bích nhưng có thể đổi sắc mấy lần trong một ngày: Đón bình minh với màu cẩm thạch, mặt trời đứng bóng thì chuyển sang xanh lơ và khi hoàng hôn xuống lại đổi màu xanh lục trông khá huyền bí. Bởi thế ở Việt Nam, hoa móng cọp xanh còn có những cái tên ấn tượng như cẩm thạch, mắt mèo xanh...

Cây móng cọp của Việt Nam trồng ở dinh tổng thống

Lúc sinh thời, kỹ sư (KS) Lương Văn Sáu - cây đại thụ trong nghề trồng hoa ở Việt Nam - từng du học nhiều nước và tốt nghiệp Trường Canh nông ở Versailles (Pháp) cho biết: Hoa móng cọp thuộc họ đậu, có nguồn gốc từ những cánh rừng mưa ở Philippines; là loại thân mộc lâu niên nhưng có thể leo lên giàn hay vòm cổng. Loài này rất khó thụ phấn và phát tán hạt trong tự nhiên nên phải nhân giống bằng kỹ thuật chiết cành.

Cũng theo lời kể của KS Sáu, năm 1962, giáo sư Tôn Thất Trình (Bộ trưởng Bộ Canh nông) cử ông lên Đà Lạt chăm sóc vườn thượng uyển ở dinh tổng thống Ngô Đình Diệm. Đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy cây hoa móng cọp xanh. Ông cũng đã dày công tìm kiếm thông tin và khám phá đây là cây độc nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ, có lẽ đã được người Pháp di thực đến Đà Lạt trong quá trình xây dựng đô thị ôn đới này.

Sợ mai một nguồn gene quý hiếm, KS Sáu đã chiết cành để nhân giống loài hoa này cho Đà Lạt, tuy nhên ông phải tiến hành một cách âm thầm và khéo léo để không bị quở trách vì làm ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của cây.

Đầu thế kỷ này, móng cọp xanh được trồng ở một số địa phương ngoài Đà Lạt, là lựa chọn hàng đầu cùng tigon, hồng leo, hoa sao, kim ngân, sử quân tử...nhằm làm tăng vẻ sang trọng cho các biệt thự.

“Các cây hoa leo này cũng là lựa chọn tối ưu cho những căn nhà thuộc khu đô thị hiện đại. Sự duyên dáng, mềm mại của chúng giúp hồi sinh các góc chết của ngôi nhà” - kiến trúc sư Văn Hùng nói.

Vì là cây họ đậu nên móng cọp xanh cần nhiều chất đạm (N) để phát triển; nếu thiếu đạm, cây sẽ yếu dần, còi cọc, lá rụng và không thể đơm hoa. Ngày nay hầu như không thể tìm thấy móng cọp xanh trong thiên nhiên hoang dã nên nó được xếp vị trí thứ 9 trong số 10 loài hiếm gặp nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.