Dự án xây mới nhà chung cư B6 Giảng Võ:

Loay hoay chọn chủ đầu tư

Loay hoay chọn chủ đầu tư
TP - Đến thời điểm này, 100 hộ dân tại nhà chung cư B6 Giảng Võ vẫn chưa được di chuyển sang nơi an toàn, còn dự án xây mới nhà B6 thì vẫn đang giẫm chân tại chỗ vì chưa chọn được chủ đầu tư...
Loay hoay chọn chủ đầu tư ảnh 1
Chấp nhận nhà sập bất kỳ lúc nào, chỉ để kinh doanh trên vỉa hè và đất công bị lấn chiếm

Sau hàng loạt bài báo phản ánh về sự nguy hiểm cũng như một số vướng mắc khi một số hộ dân ở nhà B6 Giảng Võ không đồng thuận với chủ trương phá bỏ, xây mới khu nhà này, ngày 4/3 vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội mới có buổi làm việc với UBND quận Ba Đình và các cơ quan hữu quan về việc dỡ bỏ, xây mới nhà B6 Giảng Võ.

Cũng mãi đến lúc này, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội mới vỡ lẽ về những rắc rối trong việc chậm trễ của  dự án.

Tiếp xúc PV, bà Cát Thị Quý (phòng 409 B6) nói: “Việc này các cơ quan chức năng đã biết từ nhiều năm qua. Thế nhưng, họ không chịu làm vì phường thì đẩy lên quận, quận lại đẩy lên thành phố”.

Điều khiến một số hộ dân chưa đồng ý với phương án xây mới của TP Hà Nội chính là do phương án này chưa đảm bảo quyền lợi của họ. Bằng chứng là, những hộ gia đình ở tầng 4 và tầng 5 đều ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội trong việc xây mới khu chung cư dột nát này. Thế nhưng, đa phần các hộ dân ở tầng 1 lại kịch liệt phản đối. Nguyên nhân họ đưa ra là do UBND phường Giảng Võ và phía nhà đầu tư chưa thống nhất về quyền lợi của họ khi dự án hoàn thành.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số hộ dân được giao nhà ở tầng 1 hiện không còn ở tại đây nữa mà cho người khác thuê để kinh doanh với lợi nhuận không nhỏ. Một số hộ dân cơi nới, lấn chiếm với diện tích không nhỏ. Nếu xây nhà mới thì sẽ ảnh hưởng “quyền lợi” (?) của các hộ dân này.

Đến nay, UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa có quyết định chính thức giao chủ đầu tư dự án dỡ bỏ, xây mới nhà B6 Giảng Võ cho đơn vị nào. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước đó, TP Hà Nội đã giao cho Cty cổ phần Hà Nội - ITC làm nhiệm vụ lập dự án xây lại nhà B6. Công việc này đã được Cty hoàn thành. Hiện, Cty này đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp nhận nhiệm vụ chủ đầu tư. Thế nhưng, UBND TP Hà Nội vẫn chưa giao nhiệm vụ này cho đơn vị này.

Trước đó, TP Hà Nội chủ trương cho các hộ gia đình và chủ đầu tư trực tiếp bàn bạc, thoả thuận với nhau trong dự án xây mới nhà B6. Nhưng thực tế, đơn vị tư vấn và lãnh đạo phường Giảng Võ đã tổ chức tới 25 cuộc họp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện những hộ dân nhà B6 Giảng Võ vẫn chưa chọn được người đại diện của mình để triển khai dự án.

Được biết, ngày 4/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp khẩn với một số ban ngành chức năng tìm biện pháp giải quyết. Tại cuộc họp này, ông Đỗ Hoàng Ân - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đưa ra một số tiêu chí để chọn chủ đầu tư, trong đó có yêu cầu chủ đầu tư phải có sẵn quỹ nhà ở để tạm di chuyển 100 hộ dân trong thời gian xây mới nhà B6. Đây là yêu cầu được hầu hết các ban ngành nhất trí, vì có như thế mới đảm bảo quyền lợi của người dân.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân:

“Cần và có thể nhanh nhất, sớm nhất tìm ra tiếng nói chung”

Luật nhà ở đã nêu rõ, phải xóa cơ chế bao cấp về nhà ở; không còn khái niệm Nhà nước bỏ tiền ra làm nhà cho một hộ hoặc cá nhân nào đó ở. Nhà nước kêu gọi, mời chào các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho dân; thông qua các dự án mà huy động nguồn vốn. Nhà nước nên để các doanh nghiệp tự tính toán và đề xuất.

Doanh nghiệp nào cũng vậy, phải có lời thì người ta mới làm; cho nên, muốn mời gọi được các doanh nghiệp vào đây thì phải hài hòa được các lợi ích và phải có cơ chế. Cụ thể, như trường hợp này, các chi tiết về mật độ, hệ số, chính sách thuế... đều do chúng ta đặt ra (tất nhiên, trên cơ sở các đạo luật hiện hành). Bởi thế, cần và có thể nhanh nhất, sớm nhất tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu:

Trường hợp này có thể chỉ định chủ đầu tư

Rất nhiều nhà chung cư được làm trong điều kiện kỹ thuật và nguyên vật liệu chưa thật tốt trước đây, nay đã xuống cấp nặng. HĐND TP đã ra nghị quyết, các khu đó sẽ được cải tạo trên tinh thần xã hội hoá, có sự hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật của Nhà nước, có đóng góp của dân, đặc biệt có thể điều chỉnh quy hoạch để tạo nguồn kinh phí ban đầu cho nhà đầu tư và để dân đỡ phải chi phí lớn.

Với nhà nguy hiểm, đứng trước nguy cơ sập đổ, chết người, luật pháp và Nghị quyết HĐND cho phép chỉ định chủ đầu tư, trên cơ sở đã bàn bạc với dân và thẩm định kỹ năng lực của chủ đầu tư.

Sự đồng thuận ở đây được hiểu, hơn 80% là có thể quyết định, bởi thông thường số hộ tầng 1 lấn chiếm đất công rất không muốn cải tạo, vì nếu cải tạo thì diện tích lấn chiếm đó sẽ không còn. TP sẽ chọn nhà đầu tư nào có đủ năng lực, thực sự coi đây chỉ là “công ăn việc làm” chứ không đặt mục đích lợi nhuận là chính.

Nguyên Bảng - Đức Kế

MỚI - NÓNG