Lớp học '3 trong 1' nơi vùng sâu

Điểm trường đội 2 bị bỏ hoang.
Điểm trường đội 2 bị bỏ hoang.
TP - Để đưa con chữ đến những ngôi trường nằm lọt thỏm giữa rừng, cheo leo trên những quả đồi, các thầy cô giáo phải vượt hàng chục cây số đường rừng, trèo đèo, lội suối, có giáo viên phải “cắm buôn” từ tháng này qua tháng khác. Cá biệt có điểm trường chỉ có 5 học sinh và các thầy cô đã phải gộp thành lớp học “3 trong 1”.

Để đến điểm trường thôn Noh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) nơi sinh sống của đồng bào Mông di cư, chúng tôi phải băng qua đoạn đèo vốn chỉ là một lối mòn lầy lội, trơn trượt, qua chiếc cầu gỗ tạm bợ do dân trong thôn tự làm vượt đoạn sông Krông Ana chảy xiết.

Nhọc nhằn vùng cao

Điểm trường được thành lập năm 2001, gồm 3 cấp từ mầm non đến trung học cơ sở, 4 phòng học kiên cố và 9 phòng tạm thưng vách bằng gỗ. Năm học này, có 35 thầy cô giáo được phân công vào thôn dạy học.Thầy Bùi Qúy Hiểu, phụ trách điểm trường THCS ở thôn Noh Prông cho biết: Đoạn đường vào thôn bị cày xới, lầy lội không thể đi được, buộc chúng tôi phải đi tắt qua rẫy cà phê. Trời nắng còn có cầu tạm để đi. Đến mùa lũ cầu bị cuốn trôi, thầy cô phải liều mình đi trên những chiếc bè được người dân kết từ mấy bó nứa lồ ô.

 Cô Phan Thị Sâm kể: Chuyện thầy cô phải xắn quần xách dép lội bộ, bị sụt chân, té xuống sông hay giáo án nhúng bùn xảy ra như cơm bữa. Nhiều thầy cô phải mang theo cơm, có hôm đi về muộn, người dân rút cầu không về được phải ở lại ngày mai dạy tiếp.

Cô Trương Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng trường Mầm non Hòa Phong cho biết: Trường có 3 cô giáo được cắt cử vào thôn giảng dạy. Vất vả lắm mới đến được điểm trường, có khi không còn đủ sức khỏe đứng lớp. Nhưng tấm lòng của người dân nơi đây và ý thức học tập của các em lại giúp các cô có thêm động lực, xua tan mệt mỏi.

Điểm trường Đắk Sar, một phân hiệu của trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm (xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) có 199 học sinh với 8 lớp học. Do mới được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên trường phải mượn thêm 2 phòng học của điểm trường mầm non Hoa Cúc để dạy. Nhà nội trú cho giáo viên chưa có nên chỗ ngủ, chỗ ở của các thầy cô giáo là mấy bộ bàn ghế ghép lại.

Cô H’Diệu Triếk (25 tuổi) nhớ lại những ngày đầu về điểm trường Đắk Sar: Nhà ở cách xa trường hơn 40 km nên cô “cắm buôn” cả tháng mới về nhà một lần. Lúc bấy giờ chưa có điện, tối đến buôn chìm trong không gian tĩnh mịch, chỉ có mấy ngọn đèn dầu le lói. Nước sinh hoạt khan hiếm, các cô phải đến nhà người dân xin dùng, các thầy phải đi bộ ra suối cách trường 1 km để tắm giặt. Nhiều lúc  khổ quá nên chạnh lòng, muốn bỏ nghề, nhưng rồi nhìn những đứa trẻ với ánh mắt trong veo ngây thơ, khát khao được học chữ, lại không nỡ...

Trường hoang, lớp ghép

Điểm trường đội 2 (nay là thôn Hòa An) thuộc trường Tiểu học Cư Pul (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) được đưa vào hoạt động từ năm 2004. Dãy nhà khang trang với 3 phòng học, 1 phòng giáo viên, nhà vệ sinh và giếng nước. Thế nhưng 7 năm nay, điểm trường này bị bỏ hoang, bàn ghế xếp đống không sử dụng. Ngoài một phòng được ban tự quản thôn mượn để làm nơi sinh hoạt tập thể, còn lại phòng bị bỏ trống, phòng bị một số người dân chiếm dụng chứa phân bón, nông cụ. Nhà vệ sinh, công trình nước sạch rêu mốc, cỏ mọc um tùm. Khuôn viên quanh trường trở thành rẫy hoa màu. 

Lớp học '3 trong 1' nơi vùng sâu ảnh 1

Thầy cô phải đi qua cầu tạm để đến trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cư Pul cho biết: Sau khi xây dựng xong, điểm trường được đưa vào hoạt động ngay với 3 trình độ từ lớp 1 đến lớp 3, mỗi lớp 3 - 5 học sinh. Điểm trường duy trì đến năm học 2010-2011 thì ngừng vì không tuyển được học sinh. Những năm sau đó, chỉ có 1-2 học sinh nên phụ huynh tình nguyện chở con em mình ra tận trường chính để học. Năm học này, điểm trường đội 2 có một em học sinh lớp 1 cũng được gia đình đưa đón ra trường chính, nên địa phương mượn để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Năm nào tuyển được học sinh, điểm trường mới mở lại.

Điểm trường tiểu học Nà Ven, phân hiệu của trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được thành lập cách đây 5 năm với 2 phòng học, 1 phòng nghỉ cho giáo viên, xây kiên cố nằm giữa bãi đất trống, xung quanh cỏ mọc um tùm, cũng trong tình trạng khan hiếm học sinh. Năm học 2016-2017, điểm trường chỉ có 5 trò gồm 1 học sinh lớp 1, các lớp 2 và 3 mỗi lớp 2 học sinh. Trường đành gộp thành một lớp “3 trong 1”, hai tấm bảng ở hai đầu. Mỗi buổi học, cô giáo cùng lúc dạy gộp cả 3 lớp, phải chạy qua chạy lại giữa hai tấm bảng.

Ông Hoàng Quốc Hội, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết: giáo viên được điều động luân phiên qua các năm, hưởng chế độ lớp ghép. Dù mỗi năm điểm trường chỉ tuyển được vài học sinh khiến giáo viên phải dạy lớp ghép quá vất vả, khó khăn, nhưng vẫn cứ phải duy trì điểm trường này.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.