Lũ quét chưa từng có tại Yên Bái: Tan hoang Mù Cang Chải, 13 người mất tích

Toàn cảnh Tổ 8 Thị trấn Mù Cang Chải hứng chịu trận lũ quét.
Toàn cảnh Tổ 8 Thị trấn Mù Cang Chải hứng chịu trận lũ quét.
TP - Những gương mặt bàng hoàng, thẫn thờ của người dân, cũng là những nhân chứng may mắn thoát chết trong giây phút lũ tràn về vẫn đọng nguyên trước khung cảnh như một bộ phim mô tả cơn đại hồng thủy. 

Có mặt tại hiện trường lũ quét càn lướt đúng vào Tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chiều qua (3/8/2017), PV Tiền Phong chứng kiến cảnh hoang tàn và sự thiệt hại cực kỳ nặng nề của cả một vùng dân cư. Những gương mặt bàng hoàng, thẫn thờ của người dân, cũng là những nhân chứng may mắn thoát chết trong giây phút lũ tràn về vẫn đọng nguyên trước khung cảnh như một bộ phim mô tả cơn đại hồng thủy. 

Khoảng 5 giờ 30 phút sáng, dưới cơn mưa kéo dài từ lúc nửa đêm, đại lũ từ núi Kim Nọi gần đó bất ngờ đổ về dọc theo khe suối hướng thẳng vào thị trấn. Những tảng đá cỡ 5-10 tấn sạt xuống từ núi Kim Nọi bị cuốn trôi theo con lũ ống di chuyển với tốc độ lớn trong khoảng cách 4km nhưng chỉ vài phút đã càn qua 19 nóc nhà.

Những ngôi nhà bê tông hai tầng cũng bị san phẳng và biến mất, chỉ còn lại nền nhà toàn đá lớn. Ngoài 2 người chết, số người mất tích bị đá tảng vùi lấp được xác nhận là 13 người. Lũ cũng cuốn trôi 32 nhà, 6 người bị thương, 14 ngôi nhà bị sập.

Gia đình anh Lê Doãn Dũng (sinh 1985) trú tại Tổ 8 vừa mới mua đất và xây được ngôi nhà ở đây. Đẫm nước mắt, anh kể lại giây phút kinh hoàng, lúc mờ sáng anh nghe tiếng hô hoán của hàng xóm, anh bật dậy chạy ra ngoài thì đã thấy lũ tràn đến cửa.

Anh chỉ kịp hô vợ và hai con lao ra nhưng vợ con anh đã không kịp. Anh cũng bị nước cuốn trôi gần 500 m nhưng may mắn bám được cành cây ven suối nên được người dân cứu mạng. Vợ và các con anh bị cuốn mất trong lũ.

Nhà chị Nguyễn Thị Dung, chị Nguyễn Thị Luyến, Phạm Xuân Thanh… ngay cạnh cũng bị cuốn mất… Giọng anh Dũng nghẹn lại không thể kể tiếp.

Tập thể 4 hộ gia đình giáo viên trường phổ thông trung học ở thị trấn, nơi lũ đi qua, đã kịp thời chạy vọt sang đồi cách đó vài mét, thoát chết. Khu nhà học sinh ba tầng bị đá xuyên thủng toàn bộ các căn phòng tầng một. May mắn đang kỳ nghỉ hè nên đã không có học sinh thương vong. Gần đó, Trường Mầm non Hoa Lan, Trường Tiểu học Thị trấn, Trung tâm chính trị huyện, sân vận động, nhà Văn hóa thông tin huyện Mù Cang Chải bị đá và lũ phá tan hoang.

Trận lũ quét lịch sử này được người dân thị trấn và lãnh đạo huyện Mù Cang Chải mô tả là chưa từng có cả trăm năm nay. Toàn bộ hệ thống giao thông từ trung tâm huyện về các xã bị chia cắt, cô lập. Trên tuyến đường mà PV Tiền Phong vượt qua đèo Khau Phạ vào thị trấn có tới 35 điểm sạt lở vách cao nguy hiểm, mặc dù đã được lực lượng thanh niên (Tỉnh Đoàn Yên Bái huy động 300 ĐVTN) và máy móc hỗ trợ san gạt đá, đất, nhưng sạt lở ta luy mới vẫn xảy ra. Hệ thống thủy lợi các xã Lao Chải, Kim Nọi, Chế Tạo và Khao Mang bị phá hỏng hoàn toàn. Ước tính tổng thiệt hại do lũ quét ở đây đến 18h chiều qua khoảng 150 tỷ đồng.

Lũ quét chưa từng có tại Yên Bái: Tan hoang Mù Cang Chải, 13 người mất tích ảnh 1 Đoàn viên, thanh niên Yên Bái nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ.

Nỗ lực cao nhất tìm kiếm người mất tích

Ngay từ sáng, khoảng gần 1.000 người đã được Yên Bái huy động ứng cứu, khắc phục hậu quả và tìm kiếm, giúp đỡ người bị nạn. Lực lượng ĐVTN, Công an, Quân đội, dân quan tự vệ và nhân dân tại chỗ dốc sức ở tất cả các hiện trường trong toàn huyện. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đoàn công tác của một số bộ ngành, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà, đã đến hiện trường lũ quét chỉ huy cứu nạn, khắc phục hậu quả và thăm hỏi người dân.

Toàn bộ các gia đình ven suối bị ảnh hưởng đã được di dời đến nơi an toàn và phần lớn được chia ra ở tạm tại các nhà dân khác. 32 gia đình có nhà bị cuốn trôi được hỗ trợ 25 triệu đồng/nhà kèm theo 15kg gạo/khẩu/tháng và hỗ trợ đến 6 tháng tiếp theo.

Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói lời thăm hỏi và chia sẻ mất mát tới các gia đình bị nạn. Ông đánh giá cao sự vào cuộc ứng phó rất khẩn trương của Yên Bái và chỉ đạo tập trung cao độ tìm kiếm người mất tích do đá vùi, nước cuốn.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, Quân khu 2, Bộ NN&PTNT,Bộ TN&MT, Bộ GTVT… phối hợp ứng cứu dân, đồng thời đánh giá lại vùng địa chất nguy hiểm tiềm ẩn lũ quét, làm lại đường giao thông, khắc phục công trình bị phá hủy.

MỚI - NÓNG