Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Trụ cột của an sinh xã hội

Luật BHXH năm 2014 có thêm nhiều chế độ linh hoạt và công bằng với NLĐ. Ảnh: Phong Cầm
Luật BHXH năm 2014 có thêm nhiều chế độ linh hoạt và công bằng với NLĐ. Ảnh: Phong Cầm
TP - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, thể chế hóa những quan điểm của Đảng, Nhà nước về BHXH, hoàn thiện chính sách trong trụ cột an sinh đất nước.

Mở rộng đối tượng tham gia

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, với 9 chương và 125 điều, so với Luật BHXH cũ, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: Nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn đủ từ 1 đến dưới 3 tháng. Với nhóm đối tượng này, bắt đầu từ 1/1/2018 sẽ được chính thức tham gia đóng BHXH.

Nhóm người hoạt động không chuyên trách (ở xã, phường, thị trấn) bắt đầu tham gia từ ngày 1/1/2016. Theo đó, từ năm 2016, sẽ có khoảng 230.000 cán bộ chuyên trách cấp xã được tham gia vào hệ thống BHXH. Nhóm người lao động (NLĐ) nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cũng sẽ tham gia đóng BHXH bắt đầu từ 1/1/2018.

“Cuộc sống mưu sinh hằng ngày của người nông dân vất vả lo từng bữa ăn, làm sao họ nghĩ được đến tương lai 10-20 năm sau. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, giúp họ đóng BHXH để đảm bảo cuộc sống về sau này”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH,

Phạm Minh Huân

Theo bà Nga, với những quy định của Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng được mở rộng hơn. Nhóm đối tượng này sẽ được mở rộng theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Theo đó, người 40 tuổi hay 50 tuổi đều có thể tham gia BHXH tự nguyện và đóng sớm hưởng sớm, đóng muộn hưởng muộn.

Để thu hút được đối tượng là người nông dân tham gia BHXH tự nguyện, Luật BHXH mới cũng quy định hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng. Nếu như Luật BHXH hiện hành quy định mức sàn thu nhập bằng mức lương cơ sở, Luật BHXH năm 2014 đã hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng xuống còn là mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, các hình thức đóng cũng đa dạng hơn. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho nhiều năm ở cả tương lai và trong quá khứ. Mức đóng một lần cho tương lai có thể thấp hơn so với đóng hằng tháng. Với đối tượng này, Nhà nước sẽ có hỗ trợ tiền đóng hằng tháng tùy theo từng thời kỳ và điều kiện ngân sách.

Theo một số chuyên gia, điểm mới của Luật BHXH năm 2014 là với những trường hợp thai sản mà chỉ có cha tham gia BHXH, cũng được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con.

Về chế độ hưu trí, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH, tiến tới NLĐ có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm với nữ và 35 năm với nam, được hưởng lương hưu tối đa 75%. Với những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi quy định, sẽ giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu lên 2% (quy định hiện hành là 1%) cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Theo lý giải của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, quy định này nhằm tránh tình trạng NLĐ muốn nghỉ sớm.

Đối với những trường hợp giải quyết BHXH một lần, Luật BHXH 2014 cũng quy định theo hướng thắt chặt, chỉ giải quyết với những NLĐ đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài định cư hợp pháp. Với những lao động còn tuổi lao động có thể chuyển sang hình thức tham gia BHXH tự nguyện đến khi đạt đủ số năm đóng BHXH để nhận lương hưu. Điều này thể hiện tính ưu việt và nhân văn của Luật BHXH mới bởi bảo đảm NLĐ khi về già sẽ có lương hưu để duy trì chất lượng cuộc sống.

Thêm nhiều chế độ linh hoạt và công bằng

Mới đây, tại buổi tọa đàm giới thiệu về Luật BHXH sửa đổi do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Luật BHXH sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2016) nhiều chế độ chính sách được hoàn thiện đem lại lợi ích thiết thực cho NLĐ. Đặc biệt, NLĐ nghèo sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHXH; chế độ thai sản linh hoạt hơn, tỷ lệ đóng hưởng BHXH công bằng hơn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, hiện có khoảng 20% lao động tham gia BHXH. Trong cơ chế thị trường, mở rộng đối tượng tham gia để tăng quyền lợi cho NLĐ và đồng thời cũng tiến tới hoàn thành mục tiêu có 50-60% số NLĐ được đóng bảo hiểm, Luật BHXH sửa đổi đã mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia.

Theo ông Huân, Luật BHXH mới còn mở rộng sang khu vực lao động phi chính thức, thu nhập không ổn định. “Cuộc sống mưu sinh hằng ngày của người nông dân vất vả lo từng bữa ăn, làm sao họ nghĩ được đến tương lai 10-20 năm sau. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, giúp họ đóng BHXH để đảm bảo cuộc sống về sau này”, ông Huân nói.

Trao đổi với PV, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - ông Điều Bá Được cho biết, Luật BHXH sửa đổi còn hoàn thiện nhiều chính sách có lợi cho NLĐ, nhất là việc tăng trợ cấp chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất... Trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (thay cho mức hiện nay là 26 ngày).

Với NLĐ mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, sẽ được nâng mức trợ cấp từ 45% hiện hành lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ngoài ra, còn tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau một ngày từ 25% lên 30% mức lương cơ sở.

Về chế độ thai sản, bà Nga cho biết, trong trường hợp mang thai hộ vì lý do nhân đạo, cả người mẹ mang thai và người mẹ nhờ mang thai đều được hưởng chế độ thai sản. Với trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định của bác sỹ, chỉ cần đóng đủ BHXH từ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh (quy định hiện hành là 6 tháng). Lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày với sinh thường; nghỉ 7 ngày nếu phẫu thuật và sinh con dưới 32 tuần tuổi.  Nếu vợ sinh đôi, chồng được nghỉ 10 ngày; sinh 3 trở lên, cứ thêm mỗi người con, được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. 

MỚI - NÓNG