Luật xa thực tế, cán bộ xa dân

Luật xa thực tế, cán bộ xa dân
TP - Ngày 7-11 thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, các đại biểu (ĐBQH) đều chỉ ra những bất hợp lý trong chính sách đền bù khi thu hồi đất, có nơi giá chênh lệnh gấp 5 lần dù chỉ cách nhau bờ ruộng, một số cán bộ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của nhân dân.

> Khuyến nghị sửa Luật Đất đai để kiểm soát tham nhũng

Vô cảm

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu rõ, nguyên nhân quan trọng dẫn đến khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, đông người là do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa yếu vừa thiếu.

Có nơi còn có thái độ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của nhân dân. Nhiều địa phương công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, để xảy ra vi phạm nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời hoặc cố tình bao che vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) dẫn báo cáo của Chính phủ nêu, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có hành vi vụ lợi trong thực thi nhiệm vụ quản lý đất đai; năng lực cán bộ yếu, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ.

“Trong nhiều báo cáo khi đề cập những tồn tại hạn chế khuyết điểm của đội ngũ cán bộ chúng ta thường sử dụng cụm từ “một bộ phận không nhỏ”.

Vậy một bộ phận cán bộ được nêu ở đây được xác định như thế nào, nhỏ hay không nhỏ chỉ có ở cơ sở hay ở nhiều cấp, nhiều ngành” - Ông Học nói.

Báo cáo giám sát cho thấy, từ năm 2003 đến 2011, thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người, chuyển cơ quan điều tra 380 vụ, 665 đối tượng.

Từ số liệu này cho thấy số cán bộ làm sai liên quan đất đai nhiều, gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa rõ có bao nhiêu cán bộ công chức thực sự đã bị xử lý chứ không chỉ là “kiến nghị xử lý hành chính và chuyển cơ quan điều tra”.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) kiến nghị, phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Với quá nửa số vụ tố cáo đúng và đúng một phần – tức là có bấy nhiêu vụ việc đã bị làm sai.

Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người, bao nhiêu cán bộ bị xem xét trách nhiệm? “Cùng với hoàn thiện chính sách, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức vi phạm” – ĐB Huệ kiến nghị.

“Gần đây, nhiều vụ việc đau lòng liên quan đất đai như cha mẹ, con cái thưa kiện, đâm chém nhau. Thế nhưng, cán bộ lại thờ ơ, vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm. Những người như vậy, phải loại khỏi vị trí công tác” - ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nói.

Lấy vụ việc Tiên Lãng làm ví dụ và qua phân tích một số vụ việc gần đây, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, có tình trạng bất chấp tình người, vi phạm pháp luật trong thu hồi đất. Đằng sau những vụ việc cưỡng chế trái pháp luật như thế, ai hưởng lợi?

“Vụ cưỡng chế đầm tôm (Tiên Lãng) nếu không được Thủ tướng chỉ đạo, công luận lên tiếng thì không biết sẽ ra sao. Thế nhưng, chỉ khởi tố phó chủ tịch huyện này liệu đã đúng người, đúng tội hay chưa?” – Ông Sinh băn khoăn.

Cách một con mương, giá gấp 5 lần

ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhận định, sự bất cập của các chính sách pháp luật về đất đai thể hiện ở sự thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, chưa sát thực tế.

Từ năm 2004 đến 2009 đã có 3 nghị định ban hành dẫn đến người dân so sánh thiệt hơn giữa người được đền bù trước với người đền bù sau trong cùng một loại đất nông nghiệp. Giá đất đền bù cho nông nghiệp thấp, người dân chưa yên tâm, nhất trí với mức giá mà nhà đầu tư cũng như nhà nước đền bù.

“Một số nơi đền bù cho 2 địa phương cùng một dự án, chỉ cách nhau một con mương nhưng giá đất chênh lệch nhau gấp 5 lần”- Bà Duyền chỉ rõ.

ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, Điều 5 Luật Đất đai quy định các quyền của nhà nước như định giá đất, thu hồi đất. Thế nhưng, chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả các quyền nhà nước về đất đai.

“Hệ quả là người dân không có đủ điều kiện hợp pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với quyền sử dụng đất của mình, trong khi nhà nước cũng không thu được lợi ích về kinh tế tương xứng”- Bà Lan nói.

Theo ĐB Nguyễn Thái Học, trong một số trường hợp khiếu kiện do quy hoạch mục đích sử dụng đất không rõ ràng, xâm phạm lợi ích của người bị thu hồi đất.

Một số dự án sau khi giải tỏa bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên, đất đai.

Lỗi tổng hợp, hệ thống

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) .Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) .Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) nhận định, những sơ hở của các văn bản pháp luật đã dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. “Dưới thì đẩy lên trên, cơ quan này đẩy lên cho cơ quan khác. Điều này làm bức xúc của người dân tăng lên, có những việc nhỏ tạo thành việc lớn”- Ông Hùng nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, do thiếu tầm nhìn và chưa lường hết mọi vấn đề, dự báo kém nên văn bản vừa ban hành đã lỗi thời, lạc hậu cần văn bản khác thay thế, chưa có một lĩnh vực nào mà văn bản pháp luật nhiều, nhanh đổi mốt như lĩnh vực đất đai.

Việc ban hành nhiều văn bản cũng kéo theo hệ lụy là nhiều cán bộ không kịp cập nhật, nhiều công dân lại lấy chính sách điều chỉnh của văn bản sau để khiếu kiện, tố cáo văn bản trước, nhiều người gương mẫu chấp hành thì thua thiệt, người chây ỳ thì hưởng lợi gây ra dư luận xấu làm phát sinh mâu thuẫn, tạo kẽ hở cho khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhiều người dân oan sai, nhưng cũng không ít cá nhân, tổ chức thu được lợi nhuận lớn, làm mất công bằng và gây ức chế trong nhân dân, nhiều ý kiến phát biểu có ý nhấn mạnh về nguyên nhân cán bộ.

“Tôi cho rằng đây là lỗi tổng hợp và lỗi hệ thống. Tính chất phức tạp của lĩnh vực đất đai mà bắt nguồn từ Quốc hội đến Chính phủ và cả hệ thống của chúng ta. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để có trách nhiệm trong việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới.

Luật Đất đai phải lấy ý kiến toàn dân, phải lường hết mọi tình huống để khi mình bấm nút thông qua khỏi kèm theo nhiều văn bản hướng dẫn điều chỉnh rất phức tạp”- Ông Phương nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG