Lương cho ngành y tế: Họ đã chịu thiệt nhiều năm rồi

Lương cho ngành y tế: Họ đã chịu thiệt nhiều năm rồi
Lần đầu tiên, vấn đề được tranh cãi rất nhiều này được Bộ Chính trị đề cập với nội dung rất cụ thể: “Thực hiện đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo”.

Tại Hội nghị y tế toàn quốc hôm qua, thứ Hai 18/4/2005, một lần nữa, vấn đề lương của ngành y tế lại được đề cập.

Được biết, Quốc hội và Chính phủ đang khẩn trương soạn thảo văn bản để sớm cụ thể hoá chủ trương đó của Đảng. Có ý kiến cho rằng phải tiến hành đổi mới lương ngành y tế càng sớm càng tốt nếu coi việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một trong những bức xúc lớn nhất của ngành y tế hiện nay...

Khác với các ngành nghề khác, ngành y có thời gian đào tạo dài nhất, 6 năm. Không những thế, thời gian thực tập của họ cũng dài nhất, bắt đầu ngay từ năm thứ hai, và tính chất công việc là nặng nề, ảnh hưởng rất mạnh đến tâm sinh lý. “Trừ một số bộ phận của bệnh viện phụ sản là nơi đón chào niềm vui khi một đứa trẻ sinh ra, bác sỹ ở các bệnh viện khác đều phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường bệnh tật đầy rủi ro”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đặng Ngọc Chiến, nói.

Thế mà lương của ngành y cho đến giờ vẫn xếp ở vị trí thứ 17 trong 19 ngành nghề hưởng lương. Từ khi thực hiện chế độ lương mới với mức lương cơ bản chuyển từ 210.000đ/tháng lên 290.000đ/tháng, ngành y tế không được cấp ngân sách để trả khoản tăng này. Thay vào đó, các bệnh viện phải trích 35% viện phí thu được để trả lương cho nhân viên bệnh viện và 30% cũng của viện phí để làm các khoản thưởng.

Chính những người lãnh đạo cao nhất của Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây cũng thừa nhận đầu tư cho y tế mấy năm nay quá thấp, chỉ được 5,6% chi ngân sách. Nhu cầu chi mỗi năm của ngành y không dưới 7000 tỷ đồng, ngân sách chỉ đáp ứng được 3000 tỷ.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Uy, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, sau khi thực hiện chế độ lương mới, y bác sỹ ở BV Phụ sản vẫn vô cùng vất vả mà thu nhập tăng không là bao. Ngay ở bộ phận được xem là đem đến niềm vui lớn nhất cho bệnh nhân, thụ tinh nhân tạo, sự căng thẳng của bác sỹ không hề giảm. Khi làm kỹ thuật chuyển phôi, chỉ cần bác sỹ run tay chạm vào thành âm đạo là hỏng cả cái phôi trị giá 30 triệu đồng...

Với sức ép cả về kỹ thuật và tài chính như thế, bác sỹ phẫu thuật không cho phép mình có dù chỉ một sai sót. Thế mà họ làm thụ tinh trong ống nghiệm thành công cho hơn 700 bà mẹ, chiếm hơn 30% tổng số ca thực hiện, cao hơn nhiều so với mức thành công trung bình trong khu vực là 23-25%.

Bản thân Giám đốc Bệnh viện không ít lần phải mổ cho những ca như một phụ nữ mới đây có ba con thì hai con chết tai nạn và một tàn tật. Với trường hợp như thế, theo quy định của Nhà nước, chi phí cho cuộc vi phẫu thuật vòi tử cung là miễn phí. Bệnh viện không có nguồn thu, bác sỹ vẫn phải làm, không được phép sai.

Đã thế, lương cộng phụ cấp cao nhất là của giám đốc cũng chỉ 1,2 triệu đồng/tháng. Với y tá, chỉ 400.000 đồng/tháng. Không chỉ căng thẳng ban ngày, họ còn phải trực với tần suất 52 ca đẻ/đêm và chỉ có 4 nữ hộ sinh, 2 bác sỹ. Tại BV Từ Dũ, số ca đẻ đêm lên đến 120. Để giảm áp lực tâm lý cho cả bác sỹ và sản phụ, BV Phụ sản Hà Nội phải cho lắp hệ thống nghe nhạc trong phòng mổ và phòng đẻ.

Chủ tịch Công đoàn Y tế, PGS.TS Nguyễn Đình Phương, nói, lương và phụ cấp “ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề y đức”, một trong những lĩnh vực nóng bỏng nhất của ngành y tế hiện nay. Là một trong những nơi thực hiện tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe và chế độ thu chi tài chính, một trong những bệnh viện trung ương đầu tiên nộp Bộ Y tế kế hoạch thí điểm thực hiện Nghị định 10 về tự chủ tài chính, BV Phụ sản Trung ương cũng chỉ gồng mình bổ sung phần thu nhập đời sống cho y tá được 400.000đ/tháng và cao nhất là cho bác sỹ 800.000đ/tháng.

Bác sỹ kiêm giảng viên ở các trường y còn khổ hơn. Ngành giáo dục mỗi năm mỗi giáo viên có ít nhất 1 tháng nghỉ hè. Môi trường giảng dạy của họ cũng không bao giờ khó hơn so với giáo viên trường y. Giáo viên ngành y hầu như không có thời gian nghỉ vì, ngoài giờ dạy, lại phải đi trực bệnh viện.

Với khối lượng công việc như thế, chí ít lương và phụ cấp của họ phải bằng giáo viên các trường khác nếu không muốn nói là hơn. Nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Các bác sỹ làm giáo viên trường y, số này chiếm rất đông do đặc thù bệnh viện đồng thời là trường học, không được hưởng chế độ dành cho giáo viên mà là cho nhân viên y tế vốn thấp hơn ngành giáo dục...

Tuần trước, có kiến nghị tăng chi từ ngân sách cho ngành y tế gấp đôi so với hiện nay, tức sẽ chiếm 12% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Cũng có ý kiến đề nghị lương của ngành y tế không chỉ dừng ở mức tương đương như ngành giáo dục, v.v... “Đột phá” như thế còn gì bằng. Song, gì thì gì, vẫn mong cửa ải thứ nhất vượt qua đã. Mà phải vượt qua sớm.

MỚI - NÓNG