Lương tăng 3 lần nhưng đời sống vẫn khó khăn

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình.
Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình.
TPO - Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, từ 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung thêm 57,5%. Song, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi đến Quốc hội cho biết, từ 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở), từ mức 730.000 đồng/tháng năm 2011 lên mức 1,15 triệu đồng/tháng hiện nay. Tính chung cả ba lần điều chỉnh tăng thêm 57,5%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12/2014 so với tháng 12/2010 do Tổng cục Thống kê công bố là 36,3%.

Gần đây nhất, nhà nước cũng quyết định tăng lương thêm 8% đối với người hưởng lương có hệ số từ 2,34 trở xuống. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, hạn chế hiện tại là mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng hiện hành mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân 2,6 triệu đồng/tháng  năm 2015 của khu vực doanh nghiệp. Điều này dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng. Lương Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.

Với mức lương như vậy, Bộ Nội vụ cho rằng “đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn”. Do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp, nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, đã làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề. Ngoài ra, kinh tế tăng trưởng chậm kéo theo ngân sách cũng tăng chậm, trong khi đó nhu cầu chi đầu tư phát triển tăng, kéo theo đó là áp lực giảm bội chi ngân sách nhà nước nên khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Bình cho biết, trong thời gian tới sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế. Đồng thời sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tối thiểu của người lao động.

MỚI - NÓNG