Chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều- Kỳ cuối:

Mãi một tuyệt tác...Kiều

Mãi một tuyệt tác...Kiều
TP - Với Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, thế kỷ 18 đã trở thành thế kỷ Phục hưng của Việt Nam khi người con gái được đặt vào vị trí tuyệt mỹ; khi quyền sống, quyền tự do yêu đương được đặt ngang với trời đất.

Truyện Kiều là một tác phẩm toàn bích, “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” nên chọn câu nào, đoạn nào hay nhất trong Truyện Kiều là rất khó. Song nếu chọn bất kỳ một câu nào để nói là câu hay nhất cũng có thể được, nếu xét theo một tiêu chí nào đó.

GS Nguyễn Đình Chú trong hồi ức Nhà văn Đặng Thai Mai chọn câu Kiều hay nhất viết năm 1992 kể: “Hè 1958, là trợ lý của GS Đặng Thai Mai tại Khoa Văn chung của hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi được giao nhiệm vụ tháp tùng “ông cụ” đi nghỉ mát ở Sầm Sơn... Hôm đó, trong không khí thầy trò thân mật như cha con, tôi hỏi “Theo thầy, trong Truyện Kiều câu thơ nào hay nhất”?  Ông cụ nhếch mép cười - vẫn cái cười hóm nhẹ, đôn hậu, thâm thúy rất Đặng Thai Mai - trả lời ngay: - “Câu ấy, chứ còn câu nào: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.

Bao nhiêu bạc ác ranh ma, bao nhiêu vùng vẫy chọc trời quấy nước, bao nhiêu khổ ải trong cõi trăm năm… cũng chỉ như gió thoảng, mây bay. Chỉ còn lại tầm vóc tư tưởng, tài sắc, lòng ham sống, tình yêu đẹp đẽ, mãnh liệt của Thúy Kiều; còn lại vời vợi thiên nhiên trữ tình và lộng lẫy! Ơn cụ Nguyễn Du biết bao khi ta lớn lên mãn nhãn, thanh tâm và khởi lòng yêu nước, yêu người với Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa; với Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng… Cha ông ta thật “tinh đời”, thật tài tình khi bỏ hẳn tên Đoạn trường tân thanh để đặt tên cho tuyệt tác này một cái tên giản dị, bản chất nhất: Truyện Kiều!

Nguyễn Du có nhiều tư tưởng lớn vượt thời đại, vượt khuôn khổ của Nho, Phật, Lão. Chỉ xét ba người tình, ba người tri âm của Thúy Kiều thôi, đã thấy Nguyễn Du thực là bậc kỳ tài. Khi ấy là thế kỷ 18, mẫu tình yêu “tài tử giai nhân” (Kim-Kiều), mẫu người quân tử được định hình tưởng không bao giờ thay đổi. Mẫu “Trai anh hùng gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”, mẫu người anh hùng ngang dọc trời đất, cũng coi như một mẫu hình lý tưởng.

Song sự tan nát của chế độ phong kiến, sự tha hóa của sĩ tử, vua quan đã làm Nguyễn Du sớm nhận ra rằng, hình mẫu người quân tử và giai cấp phong kiến đã hết vai trò lịch sử của mình. Thật vậy, suốt 15 năm, Kiều đớn đau, khổ ải, Kim Trọng không làm gì, và cũng không làm gì được để cứu Kiều. Suốt bao nhiêu năm làm quan cho Nguyễn Ánh, Nguyễn Du đều lặng lẽ không nói gì, chỉ mong sớm về Hồng Lĩnh vui thú gió trăng. Ông cũng không tin được Từ Hải, tuy “côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” nhưng chưa đủ chính danh và văn đức để có thể xây dựng được một chế độ tốt đẹp, mà chỉ giải quyết ân oán cá nhân và thỏa lòng hiệp sĩ đôi chút mà thôi. Với Nguyễn Du, Kim Trọng là mối vương vấn với quá khứ Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng; Từ Hải là thoáng một chút mơ ước tương lai; là điều làm nên chủ nghĩa lãng mạn của Truyện Kiều. Còn Thúc Sinh mới là nhân vật hiện thực, mối tình giữa anh chàng này với Thúy Kiều mới làm nên những câu thơ hay nhất trong Truyện Kiều, làm nên chủ nghĩa nhân bản, chủ nghĩa hiện thực vĩ đại của Nguyễn Du. Tầng lớp thương nhân xếp hàng cuối cùng trong “tứ dân” sĩ-nông-công-thương thời phong kiến, được Nguyễn Du trân trọng đề cao. Đó là tầng lớp đang lên, rồi đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, như chúng ta đang nhận thấy và tôn vinh hiện nay. Nhưng Nguyễn Du không nói đến loại thương nhân trọc phú, mà là thương nhân trí thức, giàu tình yêu thương và trách nhiệm Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều.

Nguyễn Du phải để cho Kim Trọng mất tích vì đó là một hình ảnh đã qua; để cho Từ Hải chết đứng vì đó là một mơ ước mong manh. Chỉ một Thúc Sinh còn lại và trả giá cùng Kiều! Nhìn nhận như thế, ta cũng hiểu Kim Kiều không thể tái hợp theo nghĩa vợ chồng là có lý, là chủ ý của Nguyễn Du.

Mãi một tuyệt tác...Kiều ảnh 1

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên     

Tranh: Bùi Xuân Phái

Thật không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du lại cho Thúc Sinh - người biết trân trọng phụ nữ và sống hết mình vì tình yêu được thấy cảnh Kiều tắm. Và phải là Thúc Sinh mới thấy được rõ ràng, rỡ ràng, vẹn vẻ cái tòa thiên nhiên ấy, trong sự gần gũi, hấp dẫn, rất đời mà cũng rất tuyết, rất tiên.

Đặng Thai Mai chưa kịp nói với Nguyễn Đình Chú đoạn thơ ấy vì sao hay nhất. Nhưng Nguyễn Đình Chú bình rằng: “Trong muôn vàn thực thể tự nhiên, con người là thực thể đẹp nhất, vô song. Đó là chân lý tuyệt đối. Nhưng nhân loại không phải ở đâu lúc nào cũng dễ phát hiện được chân lý đó, kể cả hôm nay”.

Xuân Diệu “treo giải nhất” cho Nguyễn Du, coi đây là bức tranh khỏa thân đầu tiên trong văn học Việt Nam, vì Hồ Xuân Hương còn để lại cái yếm. Thật ra, không chỉ có yếm mà có cả quần váy (mấn). Hồ Xuân Hương đã khéo mượn sự trễ nải của người con gái, khéo mượn cơn gió nồm hây hẩy để lộ toàn bộ sự ngọc ngà: Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông, còn chỗ nào che đậy nữa đâu! Chế Lan Viên cũng so sánh câu thơ Nguyễn Du với câu thơ Hàn Mặc Tử: Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe … Nhưng vấn đề không chỉ là lõa thể bao nhiêu phần trăm, càng không phải tả sâu, tả kỹ cái bồng đảo, cái khuôn vàng mới là hiện đại, mới là hay. Vấn đề là nhận thức cái đẹp. Bức tranh thiếu nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương cũng tuyệt đẹp, tuyệt vời trinh trắng nhưng nó cụ thể quá và có phần gợi dục, gợn đục vì thái độ “vụ lợi” của người “quân tử” nọ.

Thúy Kiều đã thất thân với Mã Giám Sinh, đã “bướm chán ong chường” ở lầu xanh, còn sương tuyết thân thể và lành lặn đạo đức nữa không? Thói thường, Kiều sẽ bị nhìn nhận như ông quan phủ xử vụ Thúc Sinh - Thúy Kiều, coi Kiều là tuồng “hoa thải hương thừa”. Đến cả một người được coi là tài tình như Nguyễn Công Trứ cũng mạt sát Kiều Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm. Nhưng Nguyễn Du thì khác. Qua Thúy Kiều, ông khẳng định cơ thể người phụ nữ là cái đẹp tuyệt vời nhất của tạo hóa. Trong chế độ phong kiến, đây là một cuộc cách mạng của mỹ học, đạo đức học. Cái đẹp này không cần phải giấu giếm, cần phải được cả thiên hạ trông thấy Rõ ràng trong ngọc trắng ngà. (Nhiều bản chép là “Rõ màu trong ngọc trắng ngà” nhưng tôi cho những bản chép “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà” hay hơn).

Tả về gái đẹp là khó lắm. Thơ cổ Ấn Độ có câu: Tôi không biết tả về vẻ đẹp của nàng như thế nào, chỉ biết lấy nửa này so với nửa kia mà thôi. Tả người đẹp là người ngọc, nghiêng nước nghiêng thành… và như Nguyễn Du tả Thúy Vân, Thúy Kiều ở đầu truyện như khuôn trăng, thu thủy, xuân sơn cũng chỉ là mơ hồ, ước lệ. Chỉ đến đoạn Kiều tắm mới thật là đẹp, khi người ta nhìn  thấy được màu sắc, đường nét, ngửi được mùi hương, nghe được hơi nóng, sờ được độ mỏng dày, cảm nhận được sự gần gũi và thánh thiện… mới thật kỳ tài; mới là bức tranh có một không hai!

Mãi một tuyệt tác...Kiều ảnh 2

Trong sao châu nhỏ duyềnh quyên 

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông   

Tranh: Nguyễn Tư Nghiêm

Nhà thơ Mai Văn Hoan trong bài viết “Bức tranh khỏa thân trong Truyện Kiều” cho rằng “Từ láy “dày dày” đặt trước cái tòa thiên nhiên tuyệt mỹ đó theo tôi có phần hơi thô. Tôi thử tìm vài từ để thay thế nhưng từ nào cũng thấy không tương xứng với cái tòa thiên nhiên tuyệt mỹ ấy”. Tôi cho rằng Nguyễn Du vô cùng cao diệu ở chỗ “dày dày” ấy. Nó không khuyết, không mỏng, nó hoàn mỹ và thể hiện sự ưu ái, kỳ công của tạo hóa đúc nên người phụ nữ ở mỗi bộ phận đến cái toàn thể. Nó hoàn hảo ở cả nội dung và hình thức. Nó không chỉ cho ta nhìn thấy mà xúc giác được.

Ở đây có ba điều vĩ đại: Nguyễn Du đã thấy được một chân lý, thấy được cái đẹp nhất trong cuộc đời mà không ai, kể cả đến nay, thấy được, thừa nhận được như GS Nguyễn Đình Chú nói. Thứ hai, Nguyễn Du trân trọng và dạy ta biết trân trọng cái đẹp, khi vây trướng đào tẩm hương, khi cho nàng Kiều của mình tắm nước ấm ướp hoa lan (thang lan) và không có cái nhìn trần tục, trần trụi như người “quân tử” trong thơ Hồ Xuân Hương. Thứ ba, dù đời Kiều đã chầy chã mà Nguyễn Du vẫn thấy Kiều trong suốt như pha lê, như kim cương, không một vết nhơ. Với cảm nhận “trong ngọc trắng ngà”, “một tòa thiên nhiên”, cái đẹp của Kiều hiện lên không chỉ trong suốt và lộng lẫy, mà quan trọng là thể hiện một tư tưởng lớn của Nguyễn Du: Cái đẹp (trong đó có cái tài, người tài) dù bị vùi dập, cũng không gì, không ai có thể làm lu mờ và hủy hoại được vì nó vốn kết tinh, trong suốt, nó đã trở thành thiên nhiên. Ai hủy hoại được trời đất mới có thể hủy hoại được cái đẹp!

Tài mệnh tương đố chỉ là lẽ thường. Cho Kiều bị vùi dập đến tận cùng để rồi cuối cùng vẫn khẳng định “Cái đẹp không thể bị hủy hoại mới là tư tưởng lớn của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Đó là sự thật, đó cũng là khát vọng. Sự tồn tại của Truyền Kiều trong sự yêu mến vô hạn của bạn đọc qua mọi thời đại đã chứng minh điều đó.

Truyện Kiều là một bi kịch về thân phận con người, một bản án chế độ phong kiến thời Lê mạt, một tráng ca về tự do…, nhưng quan trọng nhất là một bài ca bất hủ ngợi ca cái đẹp và quyền sống của con người. Trong Truyện Kiều chỉ có một nhân vật mà thôi, đó là Thúy Kiều. Còn tất cả chỉ là râu ria, là cái cớ để thể hiện con người Kiều.

MỚI - NÓNG