Mãi nhức buốt nỗi đau da cam

Lãnh đạo Hải quân thăm nạn nhân chất độc da cam
Lãnh đạo Hải quân thăm nạn nhân chất độc da cam
TP - Cho đến ngày 10/8 này, tròn 53 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2014). 53 năm qua, hậu họa chất độc da cam của cuộc chiến phi nghĩa do đế quốc Mỹ gây ra vẫn đeo bám nhiều thế hệ. Những nạn nhân chất độc da cam dioxin, trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, hơn lúc nào hết, họ oằn mình, gào thét, quằn quại trong đớn đau nhức buốt xuyên thời gian… Nỗi ám ảnh dioxin lần nữa lên tiếng giúp nhân loại cảnh tỉnh trước tội ác chiến tranh.

Kỳ 1: 33 năm sống đời thực vật

33 năm quằn quại trên tấm phản mòn cũ, 33 năm nhận biết thế giới bên ngoài bằng ánh mắt, 33 năm sống đời thực vật, và cũng 33 năm, người mẹ sống trong đớn đau tuyệt vọng, người cha khắc khoải hy vọng phép màu. Đó là tất cả những gì chúng tôi ghi nhận được về hoàn cảnh thương tâm của em Dương Thị Thu Hương ở số nhà 71 Hàn Thuyên, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu.

Chưa đêm nào ngủ yên

Theo địa chỉ của hội nạn nhân chất độc da cam dioxin thành phố Vũng Tàu, tôi đến nhà em Dương Thị Thu Hương ở số nhà 71 Hàn Thuyên phường Rạch Dừa. Ông Dương Đức Duy (bố Hương), bà Nguyễn Thị Vòng (mẹ Hương) đon đả mở cổng mời tôi vào nhà. Nhìn căn nhà khá khang trang xây dựng từ đền bù giải tỏa đường phố, không ai nghĩ rằng, phía sau bức tường sơn nước bóng láng ấy là sự nhọc nhằn đau khổ của người mẹ, là cái sống tủi buồn của người cha, và sự quằn quại đớn đau của em Hương - một hình nhân dị dạng bởi chất độc da cam dioxin, sống thực vật kể từ khi chào đời.

Chưa kịp ngồi xuống ghế, đã nghe tiếng uỳnh uỵch rồi la toáng, rên ư ử phía sau nhà. Tôi chạy theo bà Vòng xuống bếp. Trước mặt tôi là một dị nhân gầy guộc nằm sóng soài trên nền gạch, mắt trợn trừng, răng nghiến ken két, miệng sùi bọt mép, tay chân múa loạn xạ. 

Dường như đã quá quen với cảnh ấy, bà Vòng bế con trên tay nựng ngọt: “Mẹ bế nha, đưa con ra ngoài nha. Con muốn ra ngoài trò chuyện hở”. Rồi tự dưng bà Vòng bật khóc, nói: “Tôi nói vậy cho đỡ tủi thân thôi chú à, chứ nó chẳng nghe, chẳng biết gì đâu. Ngày nào nó cũng ngã vài lần như thế. Đấy là những lúc nó lên cơn đau”. Giọt nước mắt của người mẹ lăn nhòe các nếp nhăn. 

“Điều trăn trở nhất của vợ chồng tôi là khi chúng tôi già yếu chết đi, ai là người chăm sóc cháu, cháu sẽ sống ra sao”.

Chị Vòng lo ngại

Đặt con gái vào chiếc xe lăn cũ kỹ, chằng chịt vải vụn, bà Vòng đẩy ra phòng khách và bắt đầu câu chuyện về đứa con bất hạnh của bà: “Năm 1981, tôi sinh cháu. Vợ chồng mừng lắm. Nó chỉ 2,5 kg nhưng đầy đủ chân tay mặt mũi. Lúc đó, ông nhà tôi vỡ òa: “Trời thương mình thật rồi. Những năm uống nước suối trong rừng may mà không nhiễm chất độc da cam do Mỹ rải”. 

Thế nhưng, niềm vui ấy chỉ tồn tại đến ngày thứ 13 thì vụt tắt. Một đêm mưa gió như bão lốc, nhà vụt tắt điện. Nó khóc thét lên nghe rất sợ. Nghĩ con giật mình vì tiếng sấm, tôi ôm chặt nó vào lòng, nhưng nó càng khóc dữ dội. Ông nhà tôi đốt nến, soi xem con có bị con gì đốt không, thì tự dưng thấy cả người nó đỏ như quả gấc... Ngay sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng tôi đưa cháu xuống bệnh viện Lê Lợi Vũng Tàu, rồi chuyển bệnh viện Nhi Đồng 1 Sài Gòn. 

Đưa vào phòng cấp cứu, bác sĩ nói nó đã chết khai tử (tức là chết lâm sàng). Bác sĩ nói anh chị nên đưa cháu về lo hậu sự. Tôi òa khóc ôm con đi trong bệnh viện. Lúc đó tôi không còn hi vọng nào nữa. Vội bắt xe đem con về nhà, thì tự nhiên nó sống lại. Lúc đó cả nhà tôi mừng rỡ vô cùng. Vợ chồng động viên nhau: “Con mình bé có 2,5 kg, chậm lớn là bình thường”. Nhưng không phải thế chú ơi, nuôi mãi mà nó không hề lớn. 7 năm đầu, nghĩ con mình bị tật nguyền, đến năm cháu lên 8 tuổi mới biết bị nhiễm chất độc da cam qua một đợt xét nghiệm máu”.

Mãi nhức buốt nỗi đau da cam ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Vòng đút cháo cho con. ảnh: TC

Bà Vòng nói trong nước mắt. “Từ lúc đẻ nó đến bây giờ, nó oặt ẹo như rễ khoai. Mọi sinh hoạt không kiểm soát được. Chú biết không, hơn chục năm nay răng cháu bị mòn không nhai được cơm. Chủ yếu là uống sữa và ăn cháo loãng. Tất cả vệ sinh, ăn uống đều cuộc sống thực vật. Răng nó mòn là do mỗi lần lên cơn đau, nó nghiến vào nhau. Từ ngày sinh nó cho tới bây giờ, chưa bao giờ tôi có một giấc ngủ trọn đêm…”. Giọt nước mắt cô quạnh, nén chặt rịn ra chầm chậm lăn trên khuôn mặt khắc khổ của bà Vòng. Và mỗi lần có người đến thăm là mỗi lần gợi thêm trong tim bà về nỗi xót xa của người mẹ.

Nhớ lại những lần uống nước suối rừng

Nghe vợ kể chuyện về con gái, ông Dương Đức Duy nhìn ra khoảng sân trước nhà buồn rười rượi. Như minh chứng thêm lời nói của vợ, ông Duy quay sang nói với tôi: “Tất cả là do tôi. Tôi bị nhiễm chất độc da cam nên mới đẻ ra đứa con tật nguyền như thế”. Rồi ông kể cho tôi nghe về những năm tháng hành quân xuyên rừng cùng đồng đội vào Nam chiến đấu trên rừng Trường Sơn những năm 1965-1968 của thế kỷ trước.

Mãi nhức buốt nỗi đau da cam ảnh 2

Ông Dương Đức Duy thời trai trẻ trên chiến trường Trường Sơn (ảnh tác giả chụp lại tư liệu gia đình)

Năm 1965, như bao chàng trai làng khác, Dương Đức Duy xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, đầu năm 1966, ông đi chiến trường B, rồi chiến đấu trên các chiến trường miền Đông, miền Tây nam bộ. 

“Tôi không nhớ bao lần hành quân xuyên rừng, bao lần uống nước suối nữa. Khi ấy đói rét lắm. Thức ăn dự trữ hành quân chủ yếu là lương khô. Ăn lương khô xong, rất khát nước. Mà nước trong bi – đông sao mà đủ được. Lệnh nghỉ dừng chân là anh em chạy ngay xuống suối. Nhiều khi, đang hành quân, thấy vũng nước cũng cúi xuống vục một mũ cối, mấy thằng chia nhau uống cho đỡ khát. Rất nhiều lần cả đại đội hành quân đến cánh rừng, những hàng cây đứng trơ trụi lá. Chúng tôi mắc võng ngủ giữa rừng Trường Sơn. Sáng ra tóc người nào người đó đỏ hoe, trên đầu tăng võng đọng nước trắng đục như nước vo gạo. Anh em hò nhau xuống suối tắm, gội đầu. Chúng tôi đã uống luôn cả nước suối mà không hề biết dòng nước ấy đã bị Mỹ rải chất độc nhằm phát quang rừng rậm, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của bộ đội”.

Sau những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, ông Duy tiếp tục chiến đấu ở Tân An, Long An, Đồng Nai, Sông Bé. Qua ngày giải phóng miền Nam, cuối năm 1976, ông về quê, rồi lấy vợ: “Lúc đó tôi không nghĩ mình lại nhiễm chất độc da cam dioxin. 8 năm sau khi sinh con Hương, tôi mới biết mình bị nhiễm. Chất độc ấy ngấm sâu vào cơ thể tôi chưa đủ, mà còn gieo rắc lên đứa con đau khổ tội nghiệp này. Nhìn con, mình như người mắc lỗi. Tủi thân lắm chú ạ”.

Ông Duy khóc. Giọt nước mắt của người cựu binh năm xưa khóc tiễn đưa đồng đội hi sinh trên chiến trường, và bao lần nuốt vào lòng những đêm dài không ngủ vì thương con, thương cho số phận mình, hôm nay trào ra mặn đắng. Ông Duy nói trong tột cùng đau khổ: “Thôi thì đành chấp nhận. Biết là đau đớn lắm nhưng biết làm sao bây giờ. Biết bao đứa trẻ khác cũng giống như con tôi... Gia đình tôi chỉ có một cháu bị nhiễm, có gia đình 5, 7 người, có dòng họ 3 đời bị nhiễm. Nỗi đau truyền kiếp này có gì lấp đầy được”.

Nếu tôi chết, ai là người nuôi nó

Nói về sức khỏe, sinh hoạt của cháu Hương, bà Vòng cho biết: “33 năm qua, tôi đút cháo cho cháu. Gia đình tôi làm riêng cho cháu một tấm phản để cháu lết trên ấy. Tất cả sinh hoạt phải có người giúp đỡ. Một ngày tôi phải tắm thay áo quần cho cháu không biết bao nhiêu lần. Hiện nay răng cháu bị mòn dần, cả hàm chỉ còn hai cái nên việc ăn uống rất khó khăn dù thức ăn hằng ngày là sữa và cháo loãng. Một ngày nó lên cơn 4-5 lần. Mỗi lần như thế nó co quắp, rên ư ử, sùi bọt mép. Tôi đã xin nghỉ việc để chăm sóc cháu”. Bà Vòng lo ngại “điều trăn trở nhất của vợ chồng tôi là khi chúng tôi già yếu chết đi, ai là người chăm sóc cháu, cháu sẽ sống ra sao”.

Hỏi về chế độ trợ cấp của cháu Hương, ông Duy ngậm ngùi: “Con Hương tháng được một triệu hai, tôi được một triệu rưỡi. Số tiền ấy chẳng thấm gì cả. Ngày nào con Hương cũng uống thuốc giảm cơn co giật. Tôi ngày một yếu đi…”. Ông Duy không hói hết câu vì nghẹn lại. Tôi hiểu, ông muốn nói, dù số tiền trợ cấp có bao nhiêu chăng nữa, cũng không bù đắp được nỗi mất mát mà gia đình ông đang gánh chịu.
Chiều cuối tuần, hàng ngàn du khách từ Sài Gòn đổ về Bãi Trước, Bãi Sau tắm biển, vui chơi. Những gia đình đủ đầy viên mãn. Tôi chạnh nghĩ đến em Hương nằm chèo queo trên chiếc xe lăn mòn cũ và những giọt nước mắt cố nén cứ âm ỉ lăn trên má vợ chồng cựu binh...

Đón đọc kỳ tới: Hơn 34 năm qua vợ chồng người cựu thanh niên xung phong không ngửng mặt lên được, phần vì nỗi đau da cam luôn hành hạ và ám ảnh, phần vì quá khổ với miếng cơm manh áo. “Ngày nối ngày, cuộc sống của ông bà là chuỗi thời gian vật lộn với muôn vàn gian khó”. Vợ chồng người cựu thanh niên xung phong ấy là Phạm Văn Án và Nguyễn Thị Tiều, con gái tật nguyền của họ là Phạm Như Ý ở xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

MỚI - NÓNG