“Mai rùa” nặng hơn 1kg được lấy khỏi lưng bé gái

Khối bướu sau khi được lấy ra khỏi lưng “cô bé mai rùa” với đường kính hơn 22cm, nặng hơn 1kg. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Khối bướu sau khi được lấy ra khỏi lưng “cô bé mai rùa” với đường kính hơn 22cm, nặng hơn 1kg. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
TPO - Sau gần 3 giờ phẫu thuật loại bỏ khối bướu và ghép da, các bác sĩ cho biết kết quả rất khả quan. Mọi dự tính trước ca mổ đều diễn ra đúng kế hoạch, đặc biệt đã hạn chế tối đa việc mất máu cho “cô bé mai rùa”.

Trả lời báo chí ngay sau ca mổ chiều 29/8, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - khẳng định, ca phẫu thuật cho “cô bé mai rùa” Trần Thị N.T. (10 tuổi, ngụ Sóc Trăng) thành công, tình trạng bệnh nhi sau mổ ổn định. Khi tỉnh thuốc mê, “turtle girl” Việt Nam có thể uống sữa ngay trong chiều nay.

Theo bác sĩ Hiếu, ê kíp gồm 6 bác sĩ phẫu thuật, 2 bác sĩ gây mê và 4 kỹ thuật viên đã hoàn tất ca mổ lúc 13h. Toàn bộ 100% khối bướu hắc tố bẩm sinh đã được lấy ra khỏi lưng bé T. Khối bướu cân nặng 1,05kg, đường kính hơn 22cm. May mắn, độ sâu khối bướu chỉ đến cơ lưng, nên không ảnh hưởng gì đến các cơ quan khác.

“Mai rùa” nặng hơn 1kg được lấy khỏi lưng bé gái ảnh 1

Bé T. đang nằm tại phòng hồi sức sau ca mổ ngày 29/8. Ảnh: Quốc Ngọc.

Như chúng tôi đã đưa tin sáng nay, điều khiến ê kíp của bác sĩ Hiếu lo lắng nhất chính là thể trạng em bé quá ốm, việc lấy da đùi để ghép vào vùng lưng sẽ khá khó khăn. Các bác sĩ đã dự trù nếu đùi trái không đủ da, sẽ phải lấy thêm da ở đùi phải và bụng. 

Tuy nhiên, lo lắng này đã được các bác sĩ giải quyết bằng máy cán da. Thiết bị này giúp kéo dãn miếng da lấy ở đùi, giúp tăng gấp đôi diện tích miếng da dùng để ghép vào lưng bé T. Nhờ vậy, việc lấy da từ nơi khác đã được hạn chế tối đa.

Một lo lắng khác chính là vấn đề mất máu. Các bác sĩ cũng đã làm tốt khâu này. Toàn ca mổ chỉ mất chưa đến 1 đơn vị máu, giúp hạn chế tối đa tình trạng chảy máu cho bệnh nhi. Từ đó, giúp vết thương mau lành và đẹp.

“Mai rùa” nặng hơn 1kg được lấy khỏi lưng bé gái ảnh 2

Ăn vội 1 gói mì ăn liền cho bữa trưa, bác sĩ Hiếu có buổi trao đổi với báo chí ngay sau ca mổ. Ảnh: Quốc Ngọc.

Bác sĩ Hiếu cho biết thêm, sau ca mổ 7 ngày, bệnh viện sẽ kiểm tra vết mổ để biết tình trạng phục hồi của da. Sau đó 14 ngày nằm viện, bé T. có thể hoàn toàn “trở thành” một cô bé bình thường. 

“Đáng lo nhất khi chăm sóc hậu phẫu chính là vấn đề nhiễm trùng. Nếu xảy ra nhiễm trùng, xem như là một thất bại”, ông Hiếu nói.

Ngoài việc cắt bỏ hoàn toàn khối bướu khổng lồ, các bác sĩ cũng đã đốt những nốt ruồi “vệ tinh” xung quanh có khả năng phát triển. Sau 3 ngày xét nghiệm tế bào khối bướu, sẽ xác định đây là bướu lành hay ác tính.

MỚI - NÓNG