'Mạng nhện' BOT bủa vây Đồng Nai

Đường nhà máy nước Thiện Tân thu phí gần 20 năm vẫn tiếp tục được nối dài thu phí.
Đường nhà máy nước Thiện Tân thu phí gần 20 năm vẫn tiếp tục được nối dài thu phí.
TPO - Nhiều tuyến đường được nâng cấp trên cơ sở đường cũ để thu phí khiến các trạm BOT ở Đồng Nai được ví như “mạng nhện”.

Ngoài tuyến đường tránh TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây (HLD) được đầu tư xây dựng mới, còn lại là các tuyến đường được nâng cấp trên cơ sở đường cũ để thu phí khiến các trạm BOT ở Đồng Nai được ví như “mạng nhện”. 

Hết thời hạn lại có dự án mới

Quốc lộ 51 nối liền tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu  được mở rộng nâng cấp lên 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ vào năm 1997 do Cục Đường bộ-Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Sau khi mở rộng, nơi đây được đặt ngay trạm thu phí hai chiều ở xã Tam Phước, TP. Biên Hòa.

Đến năm 2008, khi dự án nâng cấp quốc lộ 51 sắp hết thời gian thu phí, bất ngờ đổi chủ là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC). BVEC mua lại quyền thu phí giá trị 400 tỷ đồng.

Sau đó, họ lập dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51 dài 73,6km với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ. Trên tuyến Quốc lộ 51, BVEC được đặt 3 trạm thu phí 2 chiều với thời gian thu phí hơn 20 năm.

'Mạng nhện' BOT bủa vây Đồng Nai ảnh 1

BOT đường tránh TP Biên Hòa miễn giảm phí.

Không chỉ tuyến Quốc lộ, mà ngay tuyến tỉnh lộ trong tỉnh Đồng Nai cũng đang đua “nối dài” BOT. Đường 768, một tuyến đường hiện hữu nối TP Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Công ty CP Sonadezi Châu Đức thực hiện nâng cấp làm lại mặt đường hơn 30km rồi thu phí.

Ngoài ra, tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân dài 6,3km kết nối với đường 768 do Cty cấp nước Đồng Nai làm chủ đầu tư sau khi hết thời gian thu phí được tỉnh Đồng Nai tiếp tục giao cho Sonadezi nâng cấp để tiếp tục thu phí. Dự kiến, cụm BOT này được thu phí hoàn vốn với thời gian 29 năm 8 tháng.

Ông Nguyễn Thanh Trung, một chủ doanh nghiệp vận có nhiều đầu xe  kinh doanh vận tải trên các tuyến đường tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Hệ thống giao thông qua địa bàn Đồng Nai đã quá tải, nhưng đi đường nào cũng bị thu phí. Nghịch lý ở chỗ doanh nghiệp không mở đường mới mà chỉ nâng cấp đường hiện hữu rồi thu phí kéo dài lên hàng chục năm”. 

Ông Nguyễn Thanh Đạm, Trưởng phòng Kế hoạch tài vụ, Sở GTVT Đồng Nai cho biết theo quy hoạch thì sẽ có tuyến đường 768B được xây dựng mới, nhưng hiện nay chưa cần thiết nên tạm chuyển qua nâng cấp tuyến đường hiện hữu. Do ngân sách của tỉnh eo hẹp nên kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Ông Đạm nhìn nhận, dự án được bổ sung thêm thì vốn đầu tư tăng thêm đồng nghĩa với việc tăng thời gian thu phí.  

BOT cầu cũng liên tục “nối dài”

Năm 2008, dự án BOT cầu Đồng Nai mới gồm các hạng mục nút giao Tân Vạn, cầu vượt Tân Vạn, cầu Đồng Nai mới, cầu vượt ngã tư Vũng Tàu do Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng BOT, chủ đầu tư được thu phí hoàn vốn trong thời gian 15 năm 2 tháng. Thế nhưng, sau khi dự án cầu Đồng Nai mới hoàn thành,  CC1 được giao thêm dự án hầm chui ngã tư Tam Hiệp và cầu vượt dầm thép nút ngã tư Amata, TP Biên Hòa. Lúc này, tổng kinh phí toàn dự án cầu Đồng Nai mới lên gần 3.130 tỷ đồng.

Sau đó, CC1 lại tiếp tục được giao thêm dự án hầm chui ngã tư Vũng Tàu. Tháng 12/2015, CC1 lại tiếp tục được giao xây dựng cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai. Sau 8 năm, tổng cộng dự án BOT cầu Đồng Nai mới được bổ sung thêm 3 hạng mục. Toàn bộ tổ hợp dự án cầu Đồng Nai mới được thu phí hoàn vốn ngay khu vực cầu Đồng Nai với 3 trạm thu phí khiến người dân và doanh nghiệp qua đây khốn đốn.

Ngoài những dự án cầu, đường BOT nêu trên, tỉnh Đồng Nai đang  bị vây chặt bởi BOT Quốc lộ 1K, BOT đường tránh Biên Hòa, BOT tỉnh lộ 16, BOT cao tốc HLD. Ngoài ra, Quốc lộ 20 qua địa bàn Đồng Nai cũng gánh thêm 1 trạm thu phí của dự án nâng cấp Quốc lộ 20 qua TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nhưng lại đặt trạm thu phí trên địa bàn huyện Tân Phú của tỉnh Đồng Nai.

MỚI - NÓNG