Mạo muội về một cuộc thăm của Tổng thống

Tổng thống Barack Obama thăm chùa Phước Hải (Ngọc Hoàng) ở quận 1, TPHCM.
Tổng thống Barack Obama thăm chùa Phước Hải (Ngọc Hoàng) ở quận 1, TPHCM.
TP - Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chùa Phước Hải (Ngọc Hoàng) ở TPHCM trong vòng hơn mười phút. Khó biết thực sự là vì sao.

Ngài Tổng thống chỉnh tề dừng một chút trước chùa. Chẳng hay ngài lĩnh hội điều chi qua ngữ nghĩa gì ở đôi câu đối chữ đỏ ở cửa chính chùa. Tu tích huyền phương trấn pháp tham thiên địa/Thiện quả chân tâm chính đạo chấn càn khôn (Tạm hiểu: Tu tích huyền phương có phép trấn giữ cùng với trời đất/Thiện quả bởi chân tâm, chính đạo uy chấn khắp càn khôn).

Ngọc Hoàng? Ngước lên tít tắp uy nghi đồ thờ tự cùng sáng choang đèn nến của gian chính điện thờ Ngọc Hoàng, tôi thử ngược về tít tắp thượng cổ. Người Trung Quốc đã tôn thờ một vị vua trên trời cai quản tiên giới gọi là Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng Thượng đế là vị vua của Thiên đình cai quản toàn bộ bầu trời, mặt đất, biển cả và cõi âm phủ. 

Phải vậy không vì trong chùa có bức điêu khắc mô tả (khắc) lại bộ tranh Thập điện Diêm vương với 10 tầng địa ngục, mỗi tầng do một vị Diêm vương ghê sợ cai quản. Từ tầng một Tần Quảng Minh vương đến kiếp nạn được coi là tạm hanh thông siêu thoát như tầng thứ chín Bình Đẳng Minh vương cho đến tầng cuối, tầng 10 Chuyển Luân Minh vương.

Ngọc Hoàng đứng trên các thần, tiên, thánh có quyền lực tối cao với quyền năng tự nhiên như mây mưa sấm chớp, nước lửa... Ngọc Hoàng có quyền ra lệnh cho các vị thần thực hiện các ý định của mình, thường là những điều tốt đẹp. 

Ngọc Hoàng cũng là người xét phong cho các vị thần, hoặc xét phạt các thần tiên và thánh nhân. Gần hơn như Đạo Cao Đài, Ngọc Hoàng Thượng đế còn được gọi với nhiều danh từ khác như Chúa Trời, Ông trời, Đấng Tạo Hóa, Đức Chí Tôn..., là đấng tạo hóa sáng lập ra càn khôn vũ trụ và vạn vật, làm chủ cả thần, thánh, tiên, phật.

Nhưng trong Tây du ký, Ngọc Hoàng được mô tả như một vị vua không có tài năng, không có chính kiến, chỉ biết trông chờ sự giúp đỡ của các thần tiên khác. Chính vì vậy, nhân vật Tôn Ngộ Không đòi phế bỏ Ngọc Hoàng để mình lên thay. Rồi trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Ngọc Hoàng được gọi là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là đấng thần chủ tối cao, tuy nhiên lại không được thờ cúng nhiều?!

Ngọc Hoàng? Trong nghiêm cẩn khói hương tự dưng thoáng trách mình không kịp ghìm cương ý nghĩ khi liên tưởng đến ca dao của người Việt mình hơi bị hí hước hơi bị bạo về đấng tối cao Ngọc Hoàng.

Ngồi buồn đốt một đống rơm

Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào

Khói bay đến tận Thiên tào

Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?

Cái sự umua cạnh khóe diễu cợt này chẳng phải là không có nguyên cớ như trên đã dẫn?

Lẩn thẩn vậy nhưng chợt hồi tâm, nhớ thêm chùa Ngọc Hoàng còn cái tên nữa khá thuận tai như cái biển hiệu tên chùa bây giờ là Phước Hải do người Việt sau này đặt. Tên ấy không phải không có nguyên cớ cùng ý nghĩa. Phước - Phúc (kỵ húy tên gọi của chúa Nguyễn Phúc Chu, nên người phương Nam từ thuở ấy đã gọi Phúc thành Phước). 

Cái câu hơi bị sáo nhưng người Việt từng nằm lòng Thọ tỷ Nam Sơn, Phúc như Đông hải (Thọ lâu dài như núi Nam Sơn. Phúc dồi dào như nước bể Đông). Vậy nên bên tả và hữu chùa có hai chữ dạng điêu khắc cỡ khá lớn (trên một mét) hai chữ Thọ và Phúc.

Thọ cùng Phúc. Khái niệm ấy đơn sơ nhưng cao cả lại thực dụng gần gụi với người và đất phương Nam. Chợt nhớ ca dao Nam bộ có hai câu rất cô đọng, hàm súc Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu. Phải chăng để toát yếu lên tính cách người phương Nam là năng động, sáng tạo, không cố chấp, tùy tình thế mà ứng biến?

 Những cuộc người Việt hành phương Nam, di dân xuống phía Nam từ thời Lê Thánh Tông rồi kế tiếp sau này từ thuở mang gươm đi mở cõi..., nếu không có tư duy và lối ứng xử chân chất, thực tế, nếu viển vông, mơ hồ siêu hình thì dân mình khó tồn tại trong môi trường khắc nghiệt đỉa lềnh bềnh tợ bánh canh, muỗi kêu như sáo thổi. Tôn giáo đấy, siêu hình đấy nhưng là thứ gần gụi với đời sống. Rằng ăn ở gian ác bạc phước thì sẽ bị tống xuống dưới các tầng địa ngục để Diêm vương hành tội.

Mạo muội về một cuộc thăm của Tổng thống ảnh 1

Mười tầng địa ngục - mảng điêu khắc trong chùa Phước Hải.

Khi nghe tin Tổng thống Obama động thái đầu tiên đến Thành phố Hồ Chí Minh là ghé chùa Ngọc Hoàng, trên mạng từ mấy ngày trước đã ầm cả lên và giăng chật thông tin về ngôi chùa Ngọc Hoàng những là bí ẩn màu nhiệm này khác trong đó có việc cầu duyên, cầu tự. 

Màu nhiệm chứ, tại sao không? Đấng tối cao cụ thể, sinh sắc bằng Phúc bằng Thọ. Ngũ Phúc lâm môn (năm điều quý cái lành vào nhà) những Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh thì tại sao thiếu cái sự dưỡng loại chi công kế tổ tông chi nghiệp được? Đời sống sẽ thê lương như thế nào nếu bặt vắng đi tình yêu đôi lứa gái trai và sự sinh nở? 

Nghĩ xa chút, di duệ người Minh hương chạy tít sang tận phương Nam của Đại Việt luôn được người Việt che chở, bao dung (chắc rồi sẽ nhiều công trình nghiên cứu về vùng đất hứa đặc thù thời điểm ấy?). Việc xây chùa Ngọc Hoàng nằm trong kế hoạch phản Thanh phục Minh (lật đổ nhà Thanh phục hồi nhà Minh) của người Minh hương thế nào thì chẳng biết. 

Nghĩ tiền nhân (gọi vậy cho trang trọng nhưng cũng mới nhỉnh hơn một thế kỷ chứ mấy) khi xây cất chùa đã hơi bị khéo tay cái sự bài trí cùng xây cất. Đành một nhẽ, việc xây cất chùa toát lên cung cách bài trí đậm chất cùng tín ngưỡng Trung Hoa nhưng vô tình đã trở thành địa chỉ tâm linh cho người phương Nam trú ngụ gửi gắm?

Trong diện tích hơn 2 ngàn mét vuông, có ba gian chùa là khu vực chánh điện thờ những cao siêu Phật, Ngọc Hoàng, Kim Thoa Thánh Mẫu… Trong cung cách xây cất bày biện, người ta đã không quên việc phối thờ những ông Tơ bà Nguyệt cùng 12 bà Mụ và tiện thể thờ luôn ông thần Tài. Tài đây không phải tài năng, mà là tiền tài, đồng nghĩa với công danh sự nghiệp. 

Vậy nên, bao năm nay, thiện nam tín nữ không thôi việc thành kính lui tới chùa để cầu duyên, cầu tự và không ít người đến cầu danh, cầu lợi.  Không kể ngày sóc vọng (rằm, mồng một âm lịch), thường nhật chùa Ngọc Hoàng - Phước Hải vẫn luôn rộng cửa cho thiện nam tín nữ có nhu cầu tìm đến ông Tơ bà Nguyệt, bà Mụ mong được chắp nối duyên lành, những cái cùng con và công danh sự nghiệp.

Để ý những bà Mụ mà các bà, các cô đến chiêm bái, nhiều người bạo gan xoa tay lấy thảo lấy phước được các nghệ nhân chế tác cũng khá gần gũi hiền lành? Sở dĩ Tổng thống Obama đến chùa là muốn thưởng thức kiến trúc độc đáo (như nhà chức việc từng thông tin cho báo chí) hơn 300 pho tượng  chùa. 

Kiến trúc ấy độc đáo như thế nào, có lẽ xin kính chuyển cho giới chuyên môn. Nhưng thiển nghĩ, sự tinh khéo trong hàng trăm pho tượng ấy nếu thiếu đi thông điệp nhân văn thì có lẽ mọi đường nét đục chạm tỉa tót sinh động sẽ trở nên vô hồn và khéo thành khiếp hãi với trẻ con cùng người yếu bóng vía?

Một thứ lạ, phong phú nữa cũng phải nói tới là chữ của chùa. Ngọc Hoàng-Phước Hải gần như hội đủ những kiểu những lối chữ. Những chân, khải tại bức hoành hay câu đối cổng, còn nội thất thôi thì triện lệ, hành, khải, thư có cả. Lại còn có thứ đá thảo vốn của địa hạt thư pháp cũng lạc vào đây. 

Như chữ trên bức hoành gian chính điện Tiên Phật giá lâm (Tiên Phật cùng vào chùa) nom hơi bị lạ! Xôm tụ đông chật nhưng được cái chữ kiểu gì cũng đạt độ chuẩn, đúng, chứ không rơi vào tình trạng nguệch ngoạc, sai lạc như một số chữ giăng tại không ít chùa mới xây đây đó.

Thấy vui vui ngồ ngộ lúc lọt thỏm trong dòng người ken đặc trước cổng chùa, không biết bà nào bạo miệng cứ bô bô rằng ổng tới chùa là để cầu tự đó. Nghe nói Tổng thống chưa có con trai mà. Sau này biết thêm Tổng thống Obama khi thăm chùa từng được giải thích rằng, chùa có tục cầu tự, nhất là cầu con trai. Tổng thống đáp ngay Tôi thì thích con gái.

Có lẽ sẽ chẳng ít những chẹp miệng than tiếc đây đó rằng xứ mình, Nam cũng như Bắc thiếu chi chùa với nhiều kiểu dáng kiến trúc Phật giáo phong phú, độc đáo và thuần Việt mà dẫn Tổng thống vào một ngôi chùa đậm kiểu Trung Quốc như thế?

Nhưng chả nên vội lẫn khẳng định điều gì với một chính khách đặc biệt từng có những ứng xử, diễn ngôn và hành động khác hoàn toàn với những gì mà trước nay ta vẫn thường chứng kiến ở các chính khách? 

Với lại như ngài Tổng thống từng bộc bạch là sẽ thử cái việc mạo hiểm băng qua đường sau này khi ông và gia đình trở lại thăm Việt Nam. Thời điểm nào đó thì không thể biết, nếu dư dả thời gian, ông sẽ có dịp thưởng lãm bao thứ tài khéo về kiến trúc Phật giáo khác vốn dĩ phong phú của nước Việt.

Với lại, một chuyến đi mà còn nhiều thứ tiếc nuối, thòm thèm thường là những chuyến đi được. Sự tử tế cùng lòng tốt đích thực thì chả bao giờ là muộn. 

MỚI - NÓNG