Mất dần cánh đồng Đông Nam Á

Đê biển bị sóng đánh tan ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Sáu Nghệ
Đê biển bị sóng đánh tan ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Hàng trăm cây số bờ sông và bờ biển ĐBSCL đang bị sạt lở nghiêm trọng, mỗi năm cuốn trôi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc-ta đất. Đang mất dần nơi được mệnh danh cánh đồng Đông Nam Á, hằng năm sản xuất 24-25 triệu tấn lúa (xuất khẩu 6-8 triệu tấn gạo) và 1,2 triệu tấn cá tra, 500.000 tấn tôm chủ yếu chế biến xuất khẩu.

Như thường lệ, sáng sớm, cậu học sinh lớp 5 Đinh Hoàng Hưng đạp xe trên đường Võ Tánh dọc bờ sông Cần Thơ để đến trường. Con đường thuộc phường Lê Bình (Cái Răng, Cần Thơ) mới được tráng nhựa, nhảy nhót ánh bình minh cùng chợ nổi Cái Răng kề bên. Đột ngột, con đường rùng mình nứt gãy và tụt xuống. 

Xung quanh nhà cửa nghiêng đổ, tiếng người la thất thanh. Cậu cuống cuồng đạp nhanh nhưng không kịp, phải bỏ xe, lao thục mạng về phía trước, may mắn kịp chộp được những bàn tay trên cao với xuống. Cậu ngoảnh lại, kinh hoàng thấy đoạn đường đã biến mất dưới dòng nước đang nuốt chửng 3 căn nhà. Hàng chục căn nhà sát đường bấy giờ toang hoác bên miệng vực.

Sạt lở khắp nơi

Cái xe đạp Hưng bỏ lại, bị đất đá dồn đến bẻ gãy trong nháy mắt. Chính quyền phường đã cho cậu chiếc xe đạp khác, còn hố sạt lở chưa biết bao giờ khắc phục được. Chủ tịch UBND phường Lê Bình, ông Nguyễn Văn Tám, cho biết đoạn đường bị khoét hàm ếch phía dưới nên sụp nhanh, sâu hàng chục mét.

“Việc khai thác nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông phải đi đôi với trách nhiệm về mọi biến động trong toàn bộ lưu vực mà việc khai thác này gây ra. Lợi ích của một quốc gia trong lưu vực không thể tách rời lợi ích của các quốc gia khác trong cùng lưu vực. Hợp tác để cùng phát triển bền vững là cần thiết”.

 GS.TSKH 

Nguyễn Ngọc Trân

Nhà của ông Tám cũng bị vụ sạt lở làm nứt nhiều chỗ. Năm nay 53 tuổi, sinh ra lớn lên ở đây, ông kể, vài chục năm trước, bờ sông còn thoai thoải “cạn ều”, dễ dàng cho con nít tập bơi và đứa con trai lớn Nguyễn Thành Trung của ông bị liệt hai chân đã trở thành vận động viên khuyết tật bơi lội, giành nhiều huy chương vàng châu Á. “Dăm năm nay, biến đổi khí hậu đẩy thủy triều dâng cao, xói lở hết bờ sông”, ông nói.

Vụ sạt lở may mắn không chết người như ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) cũng bờ sông Cần Thơ, nhấn chìm 3 căn nhà, làm chết 2 người. Sạt lở lúc mờ sáng, bà Cao Thị Thu 49 tuổi và cháu ngoại Nguyễn Đình Trí 5 tuổi, phía sau nhà không kịp chạy lên trước để thoát ra. Cũng tại Cần Thơ, sạt lở bờ rạch Cam lúc mọi người còn ngủ ở phường Long Hòa (Bình Thủy) làm 2  người chết, 5 người bị thương.

Sạt lở bờ sông gây thiệt hại tài sản lớn ở Tổng kho xăng dầu, phường 11 (Cao Lãnh, Đồng Tháp), sáng 5/7/2015. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Kỹ thuật của doanh nghiệp cho biết, sạt lở nhấn chìm cầu cảng phụ, một bồn chứa, nhà văn phòng, tổng thiệt hại trên 15 tỷ đồng. Cầu cảng phụ từng bị cuốn trôi trong vụ sạt lở hơn trăm mét bờ sông hồi tháng 5/2014, mới làm lại.

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 100 điểm sạt lở bờ sông, dài 191 km; đầu năm nay, phải di dời 3.600 hộ, những năm trước đã di dời 3.400 hộ. Mạn sông Hậu, tỉnh An Giang có 48 đoạn bờ sông dài hơn 156 km, mỗi năm sạt lở làm mất 15-20 ha đất.

Vùng ven biển, thống kê của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, trong 20 năm qua, xói lở mất gần 50.000 ha đất với rừng ngập mặn. Khu giồng cát hiếm hoi của ĐBSCL làm nên địa điểm nghỉ mát Ba Động nổi tiếng từ xưa ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã lở mất, bờ biển hiện nay lùi sâu vô đất liền khoảng hai cây số so với chục năm trước.

Thiên tai, nhân tai

Ông Kỷ Quang Vinh, phụ trách Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, cho biết số liệu quan trắc trên sông Hậu, nước biển dâng đẩy thủy triều tăng cao liên tục trong 30 năm qua, tổng cộng đến 0,52 m. “Ngập lụt đang là vấn đề lớn nhất của Cần Thơ, vấn đề thứ hai là xói lở bờ sông”, ông Vinh nói.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lụt tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Trưởng nói, cần xem xét thêm “nhân tai” là nạn khai thác cát. Bờ biển huyện Duyên Hải (Trà Vinh) sạt lở dữ dội từ ngày mở ra Trung tâm Điện lực Duyên Hải, rộng 641 ha (306 ha lấn biển); khởi công ngày 19/9/2010, cần hơn 26 triệu m3 cát san lấp mặt bằng và nhiều doanh nghiệp không có giấy phép cũng hút cát biển.

Bà Nguyễn Thị Thu đã định lao xuống sông Tiền, may con cháu kịp giữ lại, khi kinh hoàng chứng kiến 6 bè nuôi cá điêu hồng của bà bị nhấn chìm trong vụ sạt lở tối 29/10/2012. Bờ sông có con đê sừng sững dài hơn 200 m, rộng 20 m đổ ụp xuống, đập tan 25 lồng bè nuôi cá thịt, 4 ao cá giống ở ấp An Long, xã An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long). Khi đó, một xáng cạp đang múc cát lòng sông ở gần đã bị người dân giữ lại. Nửa năm sau, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam kết luận, nguyên nhân chính gây sạt lở là 2 hố sâu 15 và 20 m, cách bờ 90 và 160 m.

Mất dần cánh đồng Đông Nam Á ảnh 1

Sạt ở thị trấn Phong Điền (Cần Thơ), mất 3 căn nhà, chết 2 người

Nghiên cứu của Trung tâm Quản lý quốc tế môi trường, hằng năm lượng bùn cát đọng ở sông Mekong, từ trạm Kratie của Campuchia cách biên giới Việt Nam khoảng 200 km và cả vùng ĐBSCL chừng 12-18 triệu m3. Trong lúc, thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, hằng năm, ĐBSCL khai thác khoảng 28 triệu m3 cát, đã nạo vào lòng sông. 

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu của Trường Đại học Cần Thơ còn đề cập đến việc đắp đê bao để làm lúa vụ ba. Diện tích lúa vụ ba ở ĐBSCL phát triển từ hai chục năm trước, gần đây đã hơn 600.000 ha. Tiến sỹ Tuấn phân tích, lưu lượng nước sông Mê Kông mùa lũ từ thượng nguồn đổ vào ĐBSCL, mỗi giây hàng chục nghìn mét khối, bị đê bao chặn lại không thể tràn đồng như xưa. Lượng nước dồn trong lòng sông dâng cao, khiến nó chảy xiết, hung hãn phá bờ sông.

Vùng ven biển thì nuôi trồng thủy sản và nhiều lý do khác cũng từ con người, làm mất rừng ngập mặn. Tiến sỹ Trịnh Văn Hạnh ở Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cho biết, rừng ngập mặn giảm liên tục trong nửa thế kỷ qua, nhiều đoạn bờ biển ĐBSCL đã hoàn toàn mất rừng hoặc chỉ còn lưa thưa, không đủ bảo vệ bờ biển.

Thiên tai và nhân tai ở ĐBSCL lại được tiếp sức bởi việc đắp đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, theo chuyên gia phản biện đập thủy điện Nguyễn Hữu Thiện. Ông Thiện nói: “Dòng chảy sông Mê Kông đang biến động rất lớn, chưa lường được hậu quả sạt lở bờ sông và bờ biển ở tương lai”.

Giải pháp mềm

Nhìn đoạn đường Võ Tánh vừa biến mất, Chủ tịch UBND phường Lê Bình Nguyễn Văn Tám kể, trước 1975, chủ nhà máy xay lúa trong khu vực đã làm kè bê tông bờ sông. Kè ổn định mấy chục năm nhưng không đứng vững được trước sự biến động của dòng chảy dưới sông. “Bây giờ làm kè bê tông thì mai này có đứng vững không, khi thủy triều liên tục dâng cao?”, ông Tám lo lắng. Đê biển bê tông ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) hay kè bê tông bảo vệ bờ sông Tiền ở xã An Hiệp (Châu Thành, Đồng Tháp) đã bị phá vỡ nhiều lần trong vài năm gần đây, cho thấy, rất đắt tiền nhưng không phải vững chắc ở mọi nơi.

Mất dần cánh đồng Đông Nam Á ảnh 2

Cậu bé Đinh Hoàng Hưng bên hố sạt lở đường Võ Tánh

Trong lúc, đối diện đường Võ Tánh ở bờ sông bên kia, đi vào rạch Cái Sơn, Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ giúp dân phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ) làm kè sinh học bảo vệ bờ khá tốt. Cắm cọc tràm giữ lục bình để hạn chế sóng vỗ bờ, đơn giản như thế, dài khoảng 2,4 km chỉ tốn 800 triệu đồng. Con đường cặp bờ sông trước kia hay sạt lở, có chỗ hàng chục mét, từ năm 2012 làm kè sinh học thì an toàn, xanh bóng cây và nở tươi hoa dại.

  

Tiến sỹ Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học ở Trường Đại học Cần Thơ, phân tích, kè sinh học giữ cân bằng sinh thái nên tăng khả năng bảo vệ bờ sông. Tiến sỹ Ni nói: “Làm kè bê tông sẽ cắt đứt mạch sinh thái từ trên bờ xuống nước, khi bị phá vỡ thì rất khó phục hồi”. Cũng vì thế, vùng ven biển đang rất khó khăn và tốn kém để phục hồi rừng ngập mặn bị mất hoặc suy yếu.

Lão nông Nguyễn Văn Nào ở xã Vĩnh Phước (Tri Tôn, An Giang), kiên trì giữ lúa mùa truyền thống sinh trưởng trong nước lụt, nay thành hướng đi tới hiện đại cho ĐBSCL. Gạo ngon trên đồng ngập lụt, có lợi nhiều mặt nên Tổ chức Hợp tác quốc tế của Đức (GIZ) và Trường Đại học An Giang đang hỗ trợ nông dân mở rộng, mục tiêu năm 2020 là 500 ha. Bộ NN&PTNT cũng chủ trương, từ nay đến năm 2020, chuyển 200.000 ha lúa sang cây trồng khác, có nghĩa sẽ phá bỏ nhiều đê bao vụ ba.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện lại lưu ý đến những vấn đề của đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Quan điểm của ông thống nhất với nhiều nhà khoa học và quản lý hiện nay, bảo vệ sông Mê Kông cần sự hợp tác chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia có dòng sông đi qua. “Nếu không còn sông Mê Kông thì cũng không còn ĐBSCL”, ông Thiện kết luận.


MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.