Dấu hiệu bảo kê hung thần xe tải - Bài 3:

Mật hiệu của 'xe vua'

Đi vào đường cấm, giờ cấm nhưng sáng 18/6, khi được phóng viên đề nghị, CSGT tại chốt Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến mới ra dừng xe. Nhưng khi cán bộ này ra, tài xế xe tải 29C-49619 (thương hiệu Bê tông A&P) đã không dừng mà cho xe chạy tiếp. Ảnh: Lê Hoa
Đi vào đường cấm, giờ cấm nhưng sáng 18/6, khi được phóng viên đề nghị, CSGT tại chốt Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến mới ra dừng xe. Nhưng khi cán bộ này ra, tài xế xe tải 29C-49619 (thương hiệu Bê tông A&P) đã không dừng mà cho xe chạy tiếp. Ảnh: Lê Hoa
TP - Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi phát hiện, hầu hết xe tải chạy vào phố cấm tại Hà Nội đều có "lệnh bài" mật hiệu, nhận dạng riêng. Nhờ có loại "miễn tử kim bài" này, nhiều xe tải không phép vẫn ung dung chạy như xe ưu tiên trên đường. Trước các thông tin, bằng chứng Tiền Phong phản ánh, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, hung thần xe tải có dấu hiệu được bảo kê.

100% xe không phép

Để biết các xe tải chạy trên đường có giấy phép hay không, tối 18/6, phóng viên đã bám theo nhiều xe tải và đề nghị các chốt Cảnh sát, Thanh tra giao thông trên đường kiểm tra. Trên đường Nguyễn Xiển, thời điểm 7h tối, tức là còn 2 giờ nữa mới đến thời gian (9h tối) xe tải có phép được chạy vào phố cấm, nhưng từng đoàn xe hổ vồ (Howo) ầm ầm chạy trên đường. Lúc 8h20 phát hiện xe tải ben 30S-1965 mang thương hiệu Cty TN 901 thân bám đầy bùn đất, vừa chạy vừa để phế thải rơi xuống đường, chúng tôi đã phóng xe đuổi theo với tốc độ gần 50km/h.

Trong khi di chuyển phóng viên đã gọi điện báo cho các đội Thanh tra giao thông (TTGT) phụ trách dọc tuyến đường là Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Xuân… nhưng các cuộc gọi đến những Đội TTGT này đều không có hồi âm. Đến nút Thanh Xuân, nhân lúc dừng đèn đỏ, chúng tôi đề nghị tổ công tác của CSGT đang làm nhiệm vụ tại đây dừng xe 30S-1965 để kiểm tra. Sau khi dừng kiểm tra, thượng úy Phạm Ngọc Thành, Đội phó Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội (PC67) tổ trưởng tổ công tác cho biết, xe 30S-1965 không có giấy phép đi vào phố cấm.

Cùng thời điểm trên, chúng tôi cũng ghi nhận rất nhiều xe tải hoạt động trên đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng… Tại nút giao thông Thanh Xuân, trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 9h30 tối 18/6, sau khi tiếp nhận đề nghị từ phóng viên, tổ CSGT đã dừng thêm 9 xe tải với các biển số 29C-29062, 29C-44547, 29C-37107, 29C-46225, 29C-44304, 29C-42453, 30P-5454, 29R-02656 và 29C-36496.

Điều đáng ngạc nhiên là cả 9 tài xế này không mang bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến xe, thay vào đó là gọi điện cho chủ phương tiện. Qua kiểm tra các xe này, thượng úy Thành cho biết, không xe nào có giấy phép vào phố cấm. Cùng với đó, tài xế cũng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến xe. Như vậy toàn bộ trường hợp xe tải chạy qua nút Thanh Xuân được chúng tôi đề nghị CSGT dừng bất chợt đều không có giấy phép vào phố cấm. 

“Lệnh bài” khiến xe tải thành “xe vua”

Mật hiệu của 'xe vua' ảnh 1

Chiếc xe tải 30U-9718 khi treo biển hiệu Việt Cường chạy qua chốt trực, CSGT đã không phản ứng gì. Ảnh chụp tại chốt Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ tối 23/6. Ảnh: Dương Lê

Qua theo dõi xe tải hoạt động trên đường và đi qua các chốt CSGT - Đội TTGT đóng trên địa bàn, chúng tôi phát hiện, thay vì dán giấy phép vào phố cấm (nếu có) ở kính trước xe, tài xế đã dựng những biển hiệu có tên như: “Cty Việt Cường”, “DN Minh Nguyệt”, “Trường Kỳ”, “Cty Xuân Trường”, “V-T”, “Linh Hải”, “Thu Ngân”, “Bắc Việt” hoặc “Bắc Việt JSC”, “Bê tông Minh Tâm”, “Transmeco”, “Bê tông A&P”… lên xe. Có xe in, phun cố định trước đầu xe như “DN Minh Nguyệt”, “Cty Xuân Trường”, “Bê tông A&P”. Thực tế trên những tuyến phố có xe tải hoạt động nhiều tháng qua, dễ nhận thấy, với xe có treo và gắn những biển hiệu này dĩ nhiên đi lại trên đường rất thuận lợi, trường hợp CSGT có thấy cũng không phản ứng gì.

Ngược lại, với những xe tải không có các biển hiệu này đều bị CSGT dừng xe, xử phạt. Những biển ở trên đang được tài xế xe tải xem như “lệnh bài” thần kỳ. Thậm chí, nhiều xe gắn tên các doanh nghiệp, hãng vận tải tên tuổi như: Thanh Tùng, Anh Đức, Phú Xuyên… thời gian qua khi chạy trên nhiều tuyến phố Hà Nội cũng phải trưng một trong số các biển hiệu như “Cty Việt Cường”, “Bắc Việt JSC” để qua mặt CSGT.

Qua khảo sát, chúng tôi thống kê, hầu hết xe chạy trên đường cấm tại nhiều tuyến phố Hà Nội những tháng qua đều được gắn biển hiệu mang tên của 20 doanh nghiệp vận tải liệt kê ở trên. Trung bình, mỗi thương hiệu như vậy có từ 2 đến trên 10 xe hoạt động.

“Hung thần” được tiếp tay

Khoảng 8h30 tối 16/6, có hai xe đầu kéo mang biển Hải Phòng: 15R-07117, 15R-04244 đi qua nút Thanh Xuân, liền bị tổ CSGT ở đây dừng xử lý. Thấy lạ, tài xế hai xe này đã xuống đường phản ứng: Tại sao các xe tải ben kia (tức các xe dựng biển hiệu tên 20 doanh nghiệp vừa kể trên - pv) đi được, xe của họ lại bị dừng, xử phạt? Nhiều người dân hai bên đường cũng bất bình với cách xử lý xe bỏ qua, xe bị dừng của cảnh sát.

Mật hiệu của 'xe vua' ảnh 2

Sau một quãng đường bám theo với tốc độ gần 50km/h, tối 18/6 nhóm phóng viên đã vọt lên trước và đề nghị CSGT tạm dừng được xe 30S-1965 (thương hiệu Cty TN 901) chạy vào phố cấm không phép. Ảnh: Anh Trọng

Trong các ngày từ 16 đến 23/6, trên tuyến đường Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Xiển, Kim Giang, Lê Văn Lương… từ 6h sáng đến 9h tối, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều xe mang thương hiệu: Cty Việt Cường, Bê tông A&P, Xuân Trường, Bắc Việt, Linh Hải, Minh Nguyệt, V-T… chạy rầm rầm. Thậm chí trưa 18/6, chúng tôi đã đề nghị chốt CSGT tại ngã tư Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến ra dừng một số xe vi phạm. Khi CSGT ra dừng xe tải 29C-49619 mang thương hiệu Bê tông A&P chạy trên đường Lê Văn Lương; thay vì chấp hành hiệu lệnh, tài xế đã ngồi yên trên ca-bin, tiếp tục cho xe lăn bánh và ủi cả CSGT đứng ở đầu xe vào lề đường. Tiếp đó tài xế ung dung chạy tiếp. Chứng kiến sự việc trên, nhiều người dân hai bên đường đặt câu hỏi: “Điều gì khiến tài xế xe tải đã chạy vào đường cấm, giờ cấm lại còn ngang ngược như vậy?!

Xung quanh ý kiến CSGT Đội 7 (Phòng CSGTTP Hà Nội) nói, các xe đi trên đường đều có giấy phép lưu hành đặc biệt của Sở GTVT Hà Nội cấp, phóng viên Tiền Phong có buổi làm việc với Sở GTVT. Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Theo quyết định 06 của thành phố, thời gian qua Sở không cấp phép cho bất kỳ xe tải công trường nào chạy vào nội đô ban ngày (thời gian từ 6h sáng đến 21h tối). Với các xe đủ điều kiện cấp, cũng chỉ được cấp phép hoạt động vào đêm khuya (từ sau 21h đến 6h sáng hôm sau), kể cả xe phục vụ các dự án lớn như đường sắt đô thị, hầm đi chui Thanh Xuân cũng chỉ được cấp phép hoạt động vào đêm khuya.

Khi phóng viên đề cấp đến danh sách 20 doanh nghiệp đang có nhiều xe tải chạy không kể ngày đêm trên các tuyến phố nội đô, đại diện Sở GTVT Hà Nội đã rất bất ngờ và yêu cầu phòng ban chuyên môn rà soát. Sau khi có kết quả từ việc rà soát các hồ sơ đã cấp phép, đại diện Sở GTVT Hà Nội tiếp tục khẳng định, tất cả 20 doanh nghiệp có tên nêu trên Sở GTVT không cấp phép cho xe của họ chạy vào nội đô bất kể thời gian nào.Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, để xe không có phép chạy trên đường cấm là trách nhiệm của Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Đây thật sự là những xe chạy lậu không phép và đang gây nên sự hỗn loạn về giao thông nội đô. Với các chốt Cảnh sát, Thanh tra giao thông dày đặc tại các cửa ngõ và trên các tuyến đường, đại diện Sở GTVT Hà Nội thẳng thắn: nếu không có sự làm ngơ của lực lượng làm nhiệm vụ trên đường thì xe tải của các doanh nghiệp trên khó lòng chuyển bánh chứ đừng nói gì đến chở vật liệu chạy trên đường.

(Còn nữa)

20 DN có xe tải treo biển hoạt động tại phố cấm, Sở GTVT Hà Nội không cấp phép, gồm: Cty Việt Cường, DN Minh Nguyệt, Cty Xuân Trường, Cty Nam Cường, Trường Kỳ, V-T, Linh Hải, Thu Ngân, Bắc Việt, Bắc Việt JSC, Bê tông Minh Tâm, Transmeco, Bê tông A&P, Anh Đức, Bê tông Anh Đức, T12, Bê tông Việt Xô, HT, Thanh Nguyên CT981, Phú Xuyên.

 

Kỳ 1: Dấu hiệu bảo kê hung thần xe tải

Kỳ 2: Cảnh sát, thanh tra 'bỏ lọt' xe tải

MỚI - NÓNG